Ngày 17/10, quay trở lại với địa điểm xảy ra vụ nổ nằm giữa 3 xã Vũ Lao, Đông Thành, Khải Xuân (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), sự khủng khiếp của vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa vẫn chưa hề phai nhạt ở nơi đây. Từ những ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, cho đến những ngôi nhà kiên cố, mới hoàn thành được vài tháng, tất cả đều bị sức ép của vụ nổ làm tung hết mái.
Ngôi nhà mới xây của ông Sinh (xã Võ Lao, huyện Thanh Ba) bị sức ép từ vụ nổ làm hỏng toàn bộ cửa kính, những miếng tôn lợp trần bị dỡ khỏi đinh vít, xà thép bị uốn cong. Trần nhà đầy những vết rạn nứt.
Tính theo đường chim bay, nhà bà bà Kiều Thị Thảo (khu 2 xã Võ Lao, huyện Thanh Ba) chỉ cách nhà máy khoảng hơn 100m. Ngôi nhà của bà còn là nhà cấp 4, gần như không thể chịu nổi sức ép của vụ nổ từ nhà máy. Hiện tại, toàn bộ mái của phần nhà trên đã bay mất, nhiều chỗ tường nứt toác. Cửa sổ, cửa ra vào bị bung khỏi bản lề.
Trần Quang Minh, chồng bà Thảo tâm sự: “Vợ tôi với 4 đứa cháu dắt nhau đi ở nhờ nhà hàng xóm vì sợ nhà sập. Còn tôi ở lại trông nhà, đến hôm nay mới dám quay về nhà. Vẫn còn cái bếp không bị mất mái, chỉ dột vài chỗ, nhà tôi dọn tạm vào đấy. Xót nhất là con cháu út mới 4 tuổi, lúc nổ nhà máy, cái phích nước nóng bị sức ép bắn vào lưng nó, bây giờ bỏng cả mảng lưng, phồng rộp, nó đau quá cả ngày chỉ khóc.”
Gia đình anh Nguyễn Đức Phong (xã Vũ Lao) vừa xây xong căn nhà từ cuối năm 2012, vẫn chưa đủ tiền để hoàn thiện, nhưng chấn động từ vụ nổ đã khiến tường nhà của anh nứt toác. Con gái anh Phong là Nguyễn Thị Lệ, đang học cấp 3 phải vừa che ô vừa nấu cơm.
Cụ Đinh Tuấn Thu đã 81 tuổi, dù trời mưa nhưng vẫn phải trèo lên mái nhà để phủ tấm bạt mới xin được từ xã về. Cụ chia sẻ không phải bây giờ mới lo mà từ khi nhà máy Z121 chuyển về, chưa lúc nào người dân được yên tâm. “Ngày xưa đánh Điện Biên Phủ, chỉ cần 900 cân thuốc nổ là chúng tôi đánh sập được đồi A1, bây giờ cạnh nhà có hàng chục tấn thế này, sao mà ngủ yên. Hi vọng mất bò rồi giờ chính quyền và nhà máy sẽ lo làm chuồng”.
Vợ cụ Thu và đứa cháu nội hơn 1 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng. Sáng sớm ngày 17/10, nghe một tràng sấm trên trời mà đứa cháu khóc thét, cả hai bà cháu vội bế nhau bỏ chạy vì nghĩ nhà máy tiếp tục nổ.
Anh Phạm Văn Ngọc và gia đình bên nồi cháo loãng cho bữa trưa. Gia đình rất khó khăn, thu nhập chỉ trông vào mấy sào lúa, anh chị còn có một đứa con trai lớn bị tâm thần. Sau vụ nổ, cứ nghe những tiếng động to, bất ngờ là con trai anh chị rú lên, hoặc bỏ chạy ra vườn, hoặc lăn ra nhà khóc mếu.
Điều nguy hiểm hơn, khói bụi từ vụ nổ đã khiến người dân xung quanh bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt là khu dân cư 17 xã Đông Thành, huyện Thanh Ba. Gia đình anh Vi Mạnh Cường có 4 người đều đang mắc chứng viêm phổi, đặc biệt hai cháu nhỏ đều đang phải uống thuốc. Cháu Vi Thị Kim Oanh (7 tuổi) mỗi ngày đều phải đến bệnh viện Phú Thọ tiêm, truyền.
Anh Cường khản đặc cổ, giọng nói bị biến đổi, cứ cao the thé, còn giọng của chị Vi Thị Huệ - vợ anh, thì khào khào, đục đục như giọng đàn ông.
Ông Vi Hữu Trọng đã ngoài 70 tuổi cũng trong tình trạng có bệnh giống như anh Cường. (Hai mảnh bìa đế pháo hoa bay vào nhà ông Trọng được ông giữ lại làm “kỷ niệm”).
Nhiều cây xung quanh vụ nổ đã có biểu hiện vàng và rũ lá, có cây thì chết khô. Người dân ở đây cho biết dù mưa xuống nhiều ngày nhưng cây vẫn không tươi lên được.
Chị Vi Thị Huệ cho biết sau vụ nổ pháo hoa, phủ kín vườn sắn của mình là một lớp xác pháo, tro bụi đen và dày. Chị theo dõi nhiều hôm nay thấy cây sắn có biểu hiện rủ lá, nhiều cây lá bắt đầu rụng.