Vụ "người cha địu con nhặt rác" đánh con bằng thắt lưng: Có thể đưa các bé về trung tâm bảo trợ
Liên quan tới vụ "bố địu con đi nhặt rác", sau đó có hành động dùng thắt lưng da đánh con, rồi nói: "tao đẻ ra mày được thì giết được". Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư và đại diện cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Clip về ông bố địu con đi nhặt rác có hành vi dùng thắt lưng da đánh con gái lớn của mình ngay ở quán ăn lan truyền trên mạng xã hội đã gây phẫn nộ cho nhiều người.
Trong clip ông bố này liên tiếp dùng thắt lưng da đánh vào người, thậm chí vào đầu của đứa bé gái vì cho rằng con gái mình ương bướng, không chịu nghe lời.
Quá nóng giận vì con không nghe lời, người cha đã đánh con rất nặng và có những lời nói thóa mạ.
Người cha này trong lúc đánh con còn nói nhiều lời chửi mắng, thậm chí thóa mạ đứa bé. Cao trào nhất khi anh ta gào lên rằng: "Tao đẻ ra mày được thì giết được".
Nhiều người xem clip đã vô cùng sửng sốt, vì trước đó, khi thấy hình ảnh anh địu đứa con nhỏ ngoẹo cổ lang thang trên đường phố Hà Nội để nhặt rác đã gây thương cảm cho nhiều người.
Vậy mà giờ đây, sau vài ngày, người cha "gà trống nuôi 3 con nhỏ" đã có thái độ bạo lực với chính đứa con thơ của mình.
Tối 24.12 trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) cho biết, bà đã xem đoạn clip trên và rất phẫn nộ trước hành vi dã man trước hành động của người cha đã dùng thắt lưng đánh con.
Bà Hà cho biết đã trao đổi với cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em Hà Nội về tình hình vụ việc đang gây xôn xao này, và đã thống nhất phải khẩn trương cùng các cơ quan liên quan truy tìm thật nhanh người đàn ông trên để có biện pháp ngăn chặn, tách người này khỏi con nhỏ. Bà Hà cũng thông tin thêm phía cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em Hà Nội cũng nhất trí sẽ tiếp nhận, đưa ba đứa trẻ về trung tâm bảo trợ để nuôi dưỡng nếu các cháu vẫn còn gặp nguy hiểm từ người đàn ông này.
Xung quanh về hành vi này, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Phan Thị Lam Hồng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội.
Luật sư Phan Thị Lam Hồng
Bà Lam Hồng đã phân tích về lời nói và hành vi của ông bố trong tình huống nêu trên đánh đập, doạ dẫm con cái là một trong các hành vi bạo lực gia đình đã được pháp luật quy định trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
Bà Hồng cho rằng: Theo luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, chính quyền, tổ chức xã hội cần phải vào cuộc để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của ông bố đánh con trên.
Các cơ quan, tổ chức và chính quyền cần giải thích cho ông bố địu con đi nhặt rác về quyền lợi của trẻ em, vận động gia đình thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trẻ em sinh ra có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; Quyền được học tập,…
Do vậy, chính quyền và các cơ quan, tổ chức cần giải thích cho người bố nêu trên hiểu được quyền lợi của trẻ em. Việc đánh đập trẻ là vi phạm pháp luật, có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hai là, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, Hội liên hiệp phụ nữ việt Nam cần tuyên truyền, giáo dục ông bố địu con đi nhặt rác trên chấp hành tốt pháp luật về trẻ em, giám sát, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật của họ.
Ba là, cơ quan thông tin tuyên truyền cần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Bốn là, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, thực hiện xã hội hoá để phát triển sự nghiệp chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Bên cạnh đó, người bố này cũng bị cư dân mạng vạch trần là có quá khứ bất hảo, Công an đã xác nhận có tiền án trộm cắp và dùng mà tuý trong quá khứ. Hiện người bố mang theo 3 con đã bán nhà, rời khỏi nơi thường trú và đi thuê trọ.
Theo bà Hồng, chính quyền và các cơ quan, tổ chức có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho cháu bé được đi học như: quyên góp ủng hộ cho cháu bé có quần áo, sách vở; hướng dẫn ông bố làm thủ tục hộ nghèo, xin miễn giảm học phí cho các bé để các bé có điều kiện được cắp sách đến trường; tìm kiếm công ăn việc làm phù hợp cho ông bố để có thu nhập kinh tế, tạo điều kiện chăm sóc cho con cái để không còn cảnh các bé phải lang thang theo cha đi nhặt rác hằng đêm, cuộc sống không ổn định, nay nơi này mai nơi khác.