Vụ máy bay rơi tại Trung Quốc: Hành trình thương tâm tột cùng của người phụ nữ điếc lần đầu đi máy bay để đưa con gái đi chữa bệnh
Đó là lần đầu tiên cặp vợ chồng nghèo cùng cô con gái 1 tuổi rưỡi đi máy bay, và cũng là lần cuối cùng của họ.
Chiều 21/3, chiếc máy bay số hiệu MU5735 của hãng China Eastern Airlines đã gặp tai nạn lao thẳng xuống núi tại tỉnh Quảng Tây, gây ra thảm họa hàng không thảm khốc nhất trong 10 năm qua tại Trung Quốc. Chiếc máy bay xuất phát từ Côn Minh đã không bao giờ đưa được 123 hành khách và 9 phi hành đoàn tới điểm đích là thành phố Quảng Châu như dự định.
Ngày 26/3, chính quyền Trung Quốc chính thức thông báo toàn bộ 132 người đều đã thiệt mạng. Chuyến bay tử thần đã cướp đi mạng sống của 132 con người và đem tới nỗi đau vô tận cho hàng trăm gia đình.
Hàng ngàn nhân viên cứu hộ tại hiện trường máy bay rơi cúi đầu mặc niệm các nạn nhân vào sáng 27/3.
Mới đây, một thanh niên có chị gái là nạn nhân trên chuyến bay MU5735 đã chia sẻ với trang Sina câu chuyện về gia đình mình và thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận vì quá đỗi thương tâm.
Người đàn ông trẻ cho biết đây chính là lần đầu tiên đi máy bay của gia đình 3 người gồm chị gái mình là Cốc Hàm Vũ (26 tuổi), anh rể Quách Tăng Cường (28 tuổi) và cháu gái Quách Dư Mạt. Cô bé 1 tuổi rưỡi cũng được cho là hành khách nhỏ tuổi nhất chuyến bay. Gia đình lẽ ra đã đi chuyến sớm hơn ngày 21/3, nhưng vì bị hủy chuyến nên đã lên máy bay MU5735.
11 giờ sáng ngày 21/3, trước khi lên máy bay, chị Cốc còn chụp ảnh thẻ lên máy bay cho mẹ và con gái nhỏ cũng có mặt trong ảnh. Sau đó, chị còn gửi tiếp 2 đoạn video quay cảnh con gái đang tung tăng trong phòng chờ khởi hành, vui cười khúc khích. Cả nhà đều háo hức và mong chờ chuyến bay đầu tiên này, nhưng không phải vì được đi chơi, mà để đưa bé Quách Dư Mạt đi chữa bệnh.
3 tấm vé máy bay đầu tiên của gia đình.
Khi bé Dư Mạt được 1 tuổi, dưới cổ cô bé bỗng nổi chấm đỏ kỳ lạ, lúc nào cũng chảy mủ. Bác sĩ chẩn đoán bé bị mắc lỗ rò quai bị, nếu không chữa trị thì có thể bị liệt mặt, sẹo vĩnh viễn trên cổ. Dù gia đình nghèo khó nhưng vợ chồng chị Cốc vẫn cố hết sức đưa con đi chữa chạy. Nhưng các bệnh viện ở Côn Minh cũng không thực hiện được loại phẫu thuật phức tạp này và họ phải bay đến thành phố lớn hơn là Quảng Châu. Chị Cốc cuối cùng cũng đặt được lịch khám với bác sĩ ở Quảng Châu ngày 22/3 và cả nhà cùng bay ngày 21/3, mang đầy hy vọng bé Dư Mạt sẽ khỏi bệnh sớm.
"Tôi không thể tưởng tượng được khi máy bay gặp sự cố thì có ảnh hưởng đến việc sử dụng máy trợ thính bình thường của chị tôi không? Liệu chị tôi có bị đau đầu không? Chị ấy bị điếc bẩm sinh", em trai của chị Cốc đau đớn chia sẻ.
Chị Cốc Hàm Vũ cả đời đã phải sống dựa vào máy trợ thính, nhưng cũng chỉ nghe được tiếng người khác gọi chứ không hiểu được điều mọi người nói. Dẫu vậy, chị vẫn sống rất nghị lực. Dù thông minh, học giỏi nhưng vì khuyết tật, chị không thể đỗ vào đại học và đi làm từ sớm. Nhiều năm trời, người phụ nữ điếc ấy đã đi làm công nhân vất vả để chăm lo gia đình, thậm chí còn kiếm tiền chữa bệnh thận cho bố.
Hoa của các người thân tưởng niệm các nạn nhân xấu số
Chị Cốc gặp và kết hôn với chồng là anh Quách - cũng là một công nhân qua mai mối. Trước đó, chị cũng có một vài người bạn trai nhưng bố mẹ của họ đều không đồng ý vì chị bị điếc. Trong mắt em rể, anh Quách là người đàn ông thật thà, ít nói, rất tốt với vợ con. Gia đình nhỏ 3 người tuy nhiều khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt nhưng ngập tràn tình yêu thương.
Thế nhưng không ai ngờ rằng cuối cùng sinh mệnh của họ đã kết thúc một cách nghiệt ngã đến vậy, trên chuyến bay MU5735 định mệnh đó.
"Khi bố tôi nghe tin, ông ngất xỉu ngay tại chỗ, vài phút sau mới tỉnh lại. Gia đình tôi không ngủ suốt ba ngày nay, chúng tôi đều muốn biết nguyên nhân vụ tai nạn càng sớm càng tốt", em trai chị Cốc nói.
Sau 1 tuần thảm họa hàng không xảy ra, cả 2 chiếc hộp đen của máy bay MU5735 đã được tìm thấy và đưa đi phân tích. Nguyên nhân máy bay rơi vẫn đang được điều tra tích cực.
Nguồn: Sina