Vụ kiện giữ họ sau kết hôn thu hút ngày càng nhiều sự ủng hộ ở Nhật Bản
Vào cuối tuần trước, 6 cặp vợ chồng tại Nhật Bản đã đệ đơn kiện chính phủ nước này nhằm đòi quyền được giữ họ riêng của mình sau khi kết hôn.
Tại Nhật Bản, sau khi kết hôn, người vợ phải đổi tên theo họ của chồng hoặc ngược lại. Vụ kiện nói trên đã nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ trong dân chúng Nhật Bản.
Theo luật có từ thế kỷ 19, các cặp vợ chồng Nhật Bản phải chọn tên chồng hoặc tên vợ sau khi kết hôn, trong đó khoảng 95% lấy họ chồng.
Bà Masami Kittaka - luật sư của nguyên đơn - phát biểu: "Tất nhiên là luật đã lỗi thời. Tôi nghĩ luật dân sự ở nước ta có hiệu lực từ cách đây 77 năm, vì vậy bây giờ cần được sửa đổi".
Bà Megumi Ueda - nguyên đơn - nói: "Hơn 50 năm qua, nhiều người chờ đợi sự thay đổi. Nhưng Quốc hội Nhật Bản vẫn chưa có chuyển biến, nên tôi đã chờ đợi rất lâu rồi".
Bà Megumi Ueda, một trong những nguyên đơn đã đệ đơn kiện quy định của Nhật Bản rằng các cặp vợ chồng phải có cùng họ, nói với các phóng viên hôm 8/3 ở Tokyo (Ảnh: Kyodo)
Các nhà vận động cho biết ngoài vấn đề thủ tục hành chính gây đau đầu khi phải đổi tên trong mọi thứ, từ hộ chiếu đến tài khoản ngân hàng, điều này còn gây ra vấn đề cho những phụ nữ đã có sự nghiệp ổn định. Các cặp vợ chồng không kết hôn còn bị ảnh hưởng đến một loạt quyền, bao gồm cả những quyền liên quan đến con cái, quyền thừa kế và vấn đề thuế.
Theo một tuyên bố, vụ kiện nhằm mục đích "xác nhận tính bất hợp pháp của việc chính phủ không sửa đổi luật" và đòi bồi thường 500.000 Yen (gần 84 triệu đồng) cho mỗi nguyên đơn.
Tòa án Tối cao Nhật Bản đã hai lần ra phán quyết vào năm 2015 và 2021 rằng luật hiện hành là hợp hiến nhưng cũng kêu gọi các nhà lập pháp thảo luận về một dự luật giải quyết những yêu cầu ngày càng tăng về việc phải linh hoạt trong vấn đề họ sau hôn nhân.
Trong khi đó, những người ủng hộ luật hiện hành cho rằng việc có một họ duy nhất là điều quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ gia đình và những nỗ lực thay đổi luật lệ tấn công vào các giá trị truyền thống.