Vụ George Floyd: Nhiều địa phương ở Mỹ cải tổ lực lượng cảnh sát

Vũ Anh Tuấn,
Chia sẻ

Nhiều địa phương ở Mỹ cải tổ lực lượng cảnh sát sau cái chết của George Floyd, thậm chí một số bang còn tính đến viễn cảnh “nói không với cảnh sát”.

Việc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức trong thực thi pháp luật sau cái chết của công dân gốc Phi George Floyd đã khiến nhiều địa phương của Mỹ tiến hành cải tổ lực lượng cảnh sát. Thậm chí, một số bang của Mỹ đang tính đến một viễn cảnh: nói không với cảnh sát (No Police) trong việc đảm bảo trị an.

Vụ George Floyd: Nhiều địa phương ở Mỹ cải tổ lực lượng cảnh sát - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Trong một diễn biến chưa từng có, Hội đồng thành phố Minneapolis, bang Minnesota tuyên bố sẽ giải thể lực lượng cảnh sát địa phương. Nghị quyết Hội đồng Minneapolis nêu rõ các lãnh đạo thành phố nhất trí cho phép bắt đầu quá trình một năm để cộng đồng tham gia, nghiên cứu và có những thay đổi cấu trúc nhằm tạo ra một mô hình chuyển đổi mới mang lại an toàn trong thành phố. Hội đồng thành phố Minneapolis sẽ tập hợp các bên chuyên giải quyết những vấn đề về ngăn ngừa bạo lực, quyền công dân, công bằng chủng tộc, quan hệ cộng đồng và dịch vụ khẩn cấp 911... để bàn kế hoạch triển khai nghị quyết.

Trước đó, hội đồng thành phố Minneapolis đã cam kết sẽ giải tán lực lượng cảnh sát và tạo một mô hình hoạt động vì cộng đồng. Việc bỏ phiếu ngày hôm qua (12/6) chỉ là bước tiếp theo trong quá trình chính thức hóa quyết định này.

Trong khi đó, bang New York của Mỹ hôm qua đã ban hành luật mới về cải cách lực lượng cảnh sát. Trong số các điều luật được Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ký ban hành có quy định cấm các nhân viên thực thi pháp luật sử dụng biện pháp chẹt cổ nghi phạm khi bắt giữ.

Ngoài ra, các điều luật khác quy định việc trang bị cho tất cả cảnh sát địa phương camera gắn trên người và đảm bảo cảnh sát chú ý đến tình trạng sức khỏe của người bị bắt giữ. Nhiều nội dung trong luật đã được đề xuất từ những năm trước đây, nhưng được thúc đẩy mạnh hơn sau các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ sau vụ George Floyd.

Thống đốc Cuomo cũng tuyên bố, ông sẽ ký một sắc lệnh hành pháp bắt buộc các đơn vị cảnh sát phải cải tổ và hiện đại hóa. Thống đốc Cuomo nêu rõ, đơn vị cảnh sát nào không đưa ra được kế hoạch muộn nhất là vào tháng 4/2021 sẽ bị cắt nguồn tài trợ của bang.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu chính quyền địa phương và các sở cảnh sát trên toàn tiểu bang phát triển một kế hoạch cải tổ và hiện đại hóa các chiến lược và chương trình của cảnh sát trong cộng đồng. Họ phải lập một kế hoạch giải quyết việc sử dụng vũ lực của cảnh sát, quản lý đám đông, trị an cộng đồng. Họ phải có một thủ tục xử lý khiếu nại của công dân một cách minh bạch”.

Liên quan đến cải tổ ngành cảnh sát, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/6  tuyên bố ông đang cho hoàn thiện một sắc lệnh nhằm khuyến khích các cơ quan chấp pháp của nước này thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn hiện hành. Ông Donald Trump cho rằng, cảnh sát "nhìn chung cần phải chấm dứt" việc ghì, siết cổ nhằm trấn áp nghi phạm trong một số trường hợp. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ không giải tán lực lượng cảnh sát nước này.

“Cảnh sát đã đảm bảo cho chúng ta có cuộc sống bình yên. Chúng ta muốn không có thành viên cảnh sát nào cư xử tồi tệ. Tuy nhiên, đôi khi sẽ xảy ra một số điều khủng khiếp như chúng ta đã chứng kiến gần đây. Dù vậy, 99% trong số cảnh sát là những người tuyệt vời và họ đã làm những công việc lập nên kỷ lục".

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang chìm trong làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và hành vi sử dụng vũ lực quá mức trong thực thi pháp luật sau cái chết của công dân gốc Phi George Floyd hôm 25/5. Các video phát tán trên mạng cho thấy, trong những ngày qua cảnh sát ở nhiều địa phương tại Mỹ đã sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình, kể cả những người tuần hành hòa bình./.

Chia sẻ