Vú Em Dạy “Yêu”: Khóa học không dành cho người dưới 18 tuổi

QUANG VŨ,
Chia sẻ

Nếu là fan của các dòng phim như American Pie, The Girl Next Door… No Hard Feelings (Vú Em Dạy “Yêu”) sẽ là một lựa chọn khiến bạn thỏa mãn với những tràng cười sảng khoái bởi các kỹ năng yêu đương bá đạo đến từ “bà vú” Jennifer Lawrence cùng phong độ diễn xuất nổi bật sau thời gian dài ở ẩn.

Vú Em Dạy “Yêu”: Khóa học không dành cho người dưới 18 tuổi - Ảnh 1.

Khóa học yêu được đích thân Jennifer Lawrence đứng lớp

Vú Em Dạy “Yêu” bắt đầu từ việc Maddie (Jennifer Lawarence) phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về tài chính khi ngôi nhà thời thơ ấu của cô sắp đến kỳ trả nợ ngân hàng, chiếc xe trong mơ để tiếp tục sự nghiệp tài xế Uber tan thành mây khói. Đúng lúc này, cô đọc được mẫu quảng cáo trên Craiglist từ một đôi vợ chồng giàu có với mong muốn tìm “bảo mẫu” giúp cho đứa con trai 19 tuổi của mình biết cách yêu trước khi vào Đại học.

Vú Em Dạy “Yêu”: Khóa học không dành cho người dưới 18 tuổi - Ảnh 3.

Tưởng mối hời, với lịch sử đương dày dặn, cô không ngại “khai gian tuổi” từ 32 thành 23 để ứng tuyển thành người “đứng lớp”. Hơn nữa, phần thưởng còn là chiếc xe mà cô mơ ước. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, tưởng rằng có thể kết thúc công việc một cách nhanh chóng, Maddie lại thở dài khi biết Percy (Andrew Barth Feldman) không chỉ có tính cách hướng nội mà còn là người không có kinh nghiệm tình trường cũng như hứng thú với yêu đương. Do đó, để đối phó với học sinh cá biệt này, Maddie đã quyết định tung hết mọi chiêu trò yêu đương mà mình có. Đây cũng là phân cảnh để lại nhiều dấu ấn cho người xem để khắc họa một Maddie hoang dại và bất cần.

Vú Em Dạy “Yêu”: Khóa học không dành cho người dưới 18 tuổi - Ảnh 4.

Việc dán nhãn “T18” cho bộ phim, Vú Em Dạy “Yêu” không hề thiếu chất gây cười với những câu thoại hay các phân cảnh không-dành-cho-người-dưới-18, điều này thể hiện đúng tinh thần của dòng phim hài lấy chủ đề “18+” làm trọng điểm nổi bật.

Tuy nhiên, không đồng nghĩa bộ phim thiếu đi tính sáng tạo, xoay quanh vấn đề tài chính của người trưởng thành đặt trong tâm lý muốn được làm chính mình của GenZ, bộ phim hài của đạo diễn Gene Stupnitsky không chỉ khiến khán giả cười ngất vì chiêu trò gây cười đậm chất Mỹ, mà còn mở ra những khía cạnh khác biệt trong diễn xuất của Jennifer Lawrence và đem lại thông điệp sâu xa hơn: Liệu bạn có đang hạnh phúc với quyết định của mình không? Và bao nhiêu phần trăm trong quyết định đấy xuất phát từ chính bạn. Để rồi, sau lớp học yêu của Maddie, khán giả hiểu ra rằng trong hành trình trở thành người lớn, lao đầu vào yêu chúng ta đã dường như quên mất sự lãng mạn lại xuất phát từ những điều rất đơn thuần.

Vú Em Dạy “Yêu”: Câu chuyện học yêu và trưởng thành của Gen Z

Ngược lại với Maddie luôn hừng hực lửa, Percy mang đến cảm giác nhẹ nhàng và ngây ngô. Anh chàng GenZ có tính cách hướng nội, chuẩn bị bước vào đại học với đầy nỗi lo toan về việc được làm chính mình khiến người xem có cảm giác tương đồng. Khoảnh khắc Percy rời khỏi căn nhà đã bao bọc mình, thẳng thắn bày tỏ ý định “con đúng cũng được, sai cũng được, nhưng con muốn chính mình quyết định” khiến nhiều người xem đồng cảm về câu chuyện người trẻ sẵn sàng “phá kén” khỏi vùng an toàn trước bước ngoặc lớn hay biến chuyển trong cuộc đời mình.

Vú Em Dạy “Yêu” không đơn thuần là một câu chuyện đầy hài hước với các mảng miếng lầy lội được tung hứng bởi Jennifer Lawrence và Andrew Barth Feldman, xa hơn, đây là câu chuyện học yêu của những người tưởng-mình-đã-biết-yêu. Bởi trong suốt thời lượng phim, sự mãnh liệt và dám nghĩ dám làm của Maddie khiến Percy si mê. Và sự chân thành, đơn giản nhưng đầy lãng mạn của Percy làm cho trái tim hoang dại của Maddie được sưởi ấm. Đồng thời, ở các phân cảnh bộc lộ sự gợi cảm, nóng bỏng, việc đặt “cây đa, cây đề” Jennifer Lawrence bên cạnh “rau xanh” Andrew Barth Feldman trở thành phép cộng thú vị và đáng mong chờ.

Vú Em Dạy “Yêu”: Khóa học không dành cho người dưới 18 tuổi - Ảnh 5.

Dù Vú Em Dạy “Yêu” không phải là một bộ phim có chứa yếu tố bom tấn như các tác phẩm mà Jennifer Lawrence từng tham gia, nhưng đây là bước ngoặc đánh dấu hình ảnh Jennifer Lawrence hoàn toàn mới. Song song đó, Andrew cũng có vai diễn không hề lép vế trước đàn chị. “Nhìn xem, đây không phải là bộ phim hài hay nhất từ trước đến nay, nhưng nó làm được hai điều: Chứng tỏ năng lực diễn xuất của Jennifer Lawrence, tạo ra bước ngoặt trở thành ngôi sao cho Andrew Barth Feldman. Dù bị giới hạn trong vai diễn, nhưng Andrew thể hiện rất xuất sắc” - một nhà báo nhận định.

Chia sẻ