Vụ đầu độc ở Tiền Giang: 5 loại độc chất nghi ngờ là gì?
Đây là những chất màu trắng, không màu, không mùi, không vị nên khi lẫn trong thực phẩm có cùng màu sắc sẽ rất khó nhận biết nhưng lại gây ngộ độc nhanh chóng.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, qua triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, diễn biến bệnh, bệnh viện nghi ngờ 5 loại độc chất theo thứ tự gồm cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin, botulinum.
Nạn nhân thứ 3 được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tích cực trước khi xuất viện
Đây là những chất màu trắng, không màu, không mùi, không vị nên khi lẫn trong thực phẩm có cùng màu sắc sẽ rất khó nhận biết nhưng lại gây ngộ độc nhanh chóng. Bằng chứng bệnh nhân pha 150 ml sữa nhưng chỉ mới uống 50 ml đã có biểu hiện choáng váng, nhức đầu, ói, không nhận biết được.
"Vì vậy, nếu một người đang bình thường sau một bữa ăn, uống, bữa tiệc mà có triệu chứng bất thường diễn ra nhanh trong khoảng 15-30 phút trở lại cần đưa ngay đến cơ sở y tế. Vì nếu ngộ độc cấp không thể sơ cứu được, chỉ có thể đến bệnh viện càng sớm càng tốt" - bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Liên quan đến vụ việc này, người thứ 3 trong gia đình là ông P.M.T, (55 tuổi) đã xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh. Trong khi đó, Viện khoa học hình sự Bộ Công an cũng đã kết luận mẫu phẩm lấy từ hộp sữa đang sử dụng tại nhà cụ P.T.P có chứa chất kịch độc, một loại thuốc trừ sâu có thể gây chết người trong thời gian ngắn.
Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án và bắt khẩn cấp P.M.Q (14 tuổi; ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để tiếp tục điều tra hành vi bỏ thuốc bả chó vào sữa khiến 2 người chết và 1 người phải đi bệnh viện cấp cứu, ngày 21-10, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ các đối tượng liên quan (nếu có) để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 6 giờ ngày 14-10, bà P.T.P (83 tuổi, là bà nội và sống chung nhà với Q.) phát hiện con ruột của bà là ông P.V.Y (45 tuổi) nằm chết trên giường.
Gia đình nghĩ ông Y. chết do bệnh lý nên tổ chức mai táng, không trình báo cơ quan chức năng. Đến tối cùng ngày, con ruột bà P. là bà P.T.M.C (53 tuổi) pha sữa cho bà P. uống.
Khoảng 5 phút sau khi uống hết sữa, bà P. có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn ói và chết trên đường đi cấp cứu. Gia đình nghĩ bà P. chết do bệnh lý nên tổ chức mai táng, không trình báo cơ quan chức năng.
Đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau, con ruột bà P. là ông P.M.T (55 tuổi) tiếp tục pha sữa uống (sữa bà P. uống trước đó) và có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, khó thở nên gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Triều An - Loan Trâm (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Ông T. được chẩn đoán bị ngộ độc nên chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để điều trị. Lúc này, gia đình mới trình báo chính quyền địa phương.