Vụ cô gái 18 tuổi mang thai 6 tháng bị đánh đập, tra tấn đến sảy thai: Nhóm đối tượng có thể đối mặt 12 năm tù?
Theo luật sư, với hành vi tra tấn dã man, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với nạn nhân như vụ việc dưới đây thì những đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 3, Điều 157 Bộ Luật hình sự với mức hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù.
Những ngày qua, vụ việc nhóm đối tượng bắt giữ cô gái trẻ, hành hung, tra tấn để đòi nợ khiến nạn nhân sinh non, thai nhi tử vong khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều người cho rằng, nhóm người này phải bị xử thật nặng vì đã ra tay quá tàn ác, lấy đi một mạng người và coi thường pháp luật. Liên quan đến những mức án mà các đối tượng phải đối mặt, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, đoàn Luật sư TP Hà Nội, văn phòng luật sư Chính Pháp.
Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội
Nhận định về vụ việc, luật sư Cường cho rằng: "Qua thông tin mà báo chí cung cấp có thể thấy rằng, hành vi của nhóm đối tượng này vô cùng tàn nhẫn, côn đồ, manh động, coi thường, bất chấp pháp luật, một lúc xâm hại nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ như sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm, tài sản, thậm chí cả thi thể... Bởi vậy, cơ quan cảnh sát điều tra cần vào cuộc, xác minh làm rõ hành vi, hậu quả, động cơ mục đích để xử lý đối tượng này theo quy định pháp luật".
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, trước tiên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi bắt, giữ người trái pháp luật. Hành vi của nhóm đối tượng đã bắt, giữ cô gái là xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do cư trú của công dân, hành vi này có dấu hiệu phạm tội theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong khi đó, dựa trên cơ sở các thông tin có được, các đối tượng Dũng, Khang, Huyền đã có hành vi bắt giữ nạn nhân là cô gái đang mang thai nhằm mục đích đe dọa, trấn áp người nhà của cô gái này phải trả nợ cho họ là các dấu hiệu của tội Bắt giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 157 BLHS.
Như vậy, với hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với nạn nhân như vậy thì những đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 3, Điều 157 Bộ Luật hình sự với mức hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù.
Người phụ nữ bị giam giữ, tra tấn dã man trong hơn 20 ngày dù đang mang thai 6 tháng.
Trong quá trình giam giữ, họ lại đánh đập, tra tấn dã man người phụ nữ này gây ra thương tích và khiến nạn nhân bị trụy thai… Để làm rõ hành vi này nhằm mục đích xử lý đúng pháp luật, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ thực hiện các bước nghiệp vụ để xác định tỉ lệ thương tật của người phụ nữ, xác định rõ hành vi đánh đập của từng đồng phạm một cách cụ thể, phân tích rõ động cơ, ý chí phạm tội của các bị can, xác định rõ các loại hung khí mà các bị can này sử dụng.
Từ đó, cơ quan điều tra mới kết luận hành vi của từng bị can sẽ phạm vào tội Giết người hay tội Cố ý gây thương tích cũng như xác định rõ vai trò của người chủ mưu, người đồng phạm để xử lý đúng người, đúng tội.
Cô gái 18 tuổi đã bị sảy thai và hiện đang được điều trị tại bệnh viện với những vết thương thể xác và sự trấn động mạnh về tâm lý.
Trong trường hợp, các đối tượng này bắt, giữ người trái pháp luật với mục đích đòi tiền yêu cầu gia đình phải người thân của cô gái này phải trả tiền thì mới thả người thì hành vi này có dấu hiệu của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản như sau:
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người;
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Như vậy, cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi của các đối tượng này có nhầm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không. Nếu việc bắt giữ người nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ xử lý theo quy định tại Điều 169 bộ luật hình sự. Còn trong trường hợp việc bắt giữ mà chỉ để trả thù thì hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 157 Bộ Luật hình sự. Việc xác định tội danh sẽ căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong đó hành vi, động cơ, mục đích là những yếu tố quan trọng để xác định các tội danh nêu trên.
Ngoài trách nhiệm hình sự mà các đối tượng này sẽ bị xử lý thì các đối tượng này còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị làm sốt, tổn hại về tinh thần, tiền công người chăm sóc, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại.
Trong trường hợp này cần phải xác định, làm rõ hai khái niệm là sảy thai và sinh non. Nếu các đối tượng này đánh gây thương tích dẫn đến xảy thai thì hậu quả khác với trường hợp đánh thương tích dẫn đến nạn nhân sinh non.
Trường hợp đánh dẫn đến xảy thai nguy hiểm hơn hành vi gây ra sinh non cho nạn nhân. Hành vi làm sảy thai nạn nhân thì tất yếu dẫn đến việc thai nhi đã chết trước hoặc sau khi ra ngoài. Hành vi làm sảy thai, gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội Cố ý gây thương tích. Còn hành vi tác động dẫn đến nạn dân sinh non ít nguy hiểm hơn hành vi làm sảy thai. Tuy nhiên sau khi nạn nhân sinh non mà đối tượng lại tiếp tục có nhiều hành vi vi phạm pháp luật nhưng bỏ mặc, xâm hại đến trẻ sơ sinh thì hành vi này lại là những hành vi đặc biệt nguy hiểm, cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Trước đó, ngày 22/3, chị Y. đến nhà của đối tượng Dũng ở ấp 1B, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để chơi. Đến tối, chị này định ra về thì bị anh em Dũng – Huyền khống chế bắt giam trong nhà. Hơn 1 tuần đầu, nhóm đối tượng chỉ giam cầm chị Y., không đánh đập. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo bọn chúng lấy dây dù trói chân, tay, dùng vải bịt mặt chị Y. rồi dùng đoạn gỗ dài tra tấn nạn nhân dã man.
Dũng, Huyền và Khang còn dùng tay đánh đập, đá vào bụng khiến chị Y. sảy thai, sinh non khi thai nhi mới 6 tháng tuổi.
Thậm chí, nhóm đối tượng còn dùng keo nấu chảy, sử dụng bình gas mini có đầu khò gí vào cơ thể khiến chị Y. bị bỏng nặng. Khi chị Y. bị sảy thai, nhóm đối tượng gọi cho bà Sương đến mang đi vứt ở một khu đất trống tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân.
Ngày 10/4, thấy sức khỏe chị Y. yếu, bọn chúng mới gọi cho một người bạn đến gọi taxi đưa đi cấp cứu. Thoát khỏi cảnh hành hạ, chị Y. đã gọi điện cho gia đình đến công an tố cáo hành vi của nhóm côn đồ.
Vào cuộc điều tra, công an đã bắt giữ Khang và mời bà Sương lên làm việc. Khám xét ngôi nhà trên công an thu giữ hung khí, ma tuý, nhiều dụng cụ sử dụng ma tuý.