Vụ cháy xưởng bánh 8 người tử vong: Trách nhiệm pháp lý đối với những người liên quan

Nguyễn Hương,
Chia sẻ

Vụ cháy xảy ra ngày 29-7 tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội do Trần Văn Được (25 tuổi, trú tại Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) làm chủ xưởng đã khiến 8 người tử vong, 2 người bị thương và cháy toàn bộ tài sản bên trong xưởng.

Nguyên nhân ban đầu xảy ra vụ cháy được xác định là xưởng sản xuất bánh kẹo đang sửa chữa, do bất cẩn, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp và gây cháy. Ngày 30-7, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội tạm giữ Trần Văn Được - chủ xưởng sản xuất và thợ hàn Kiều Tiến Vinh để phục vụ điều tra. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm pháp lý đối với các đối tượng có liên quan trong vụ tai nạn này như thế nào?

Theo luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Bình An, Hà Nội, hiện tại cơ quan thẩm quyền vẫn chưa có kết luận điều tra cuối cùng, do vậy việc xác định trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này dựa trên những thông tin ban đầu.

Vụ cháy xưởng bánh 8 người tử vong: Trách nhiệm pháp lý đối với những người liên quan - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy.

Ở góc độ sử dụng lao động, hành vi sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động của chủ cơ sở sản xuất là vi phạm pháp luật lao động 2012. Căn cứ theo quy định tại Điều 16, Bộ luật Lao động 2012 quy định hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản, đối với các công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết bằng lời nói. Trường hợp vi phạm quy định trên đây thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1-10 lao động.Về trách nhiệm của chủ xưởng sản xuất Trần Văn Được, như thông tin báo chí đưa tin, tất cả các thợ tử vong và bị thương khi đang làm việc tại xưởng sản xuất của gia đình ông Trần Văn Được đều không có hợp đồng lao động. Xưởng sản xuất không đảm bảo các quy định về cháy nổ.

Trường hợp xưởng sản xuất không đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), căn cứ theo quy định tại Mục 3- Vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, tùy thuộc vào vi phạm cụ thể, chủ cơ sở sản xuất có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 5.000.000 đồng cùng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5, Điều 27 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, chủ cơ sở còn xem xét về hành vi đảm bảo an toàn lao động theo quy định tại Điều 16, Nghị định 95 trên đây. Theo đó, đối với hành vi “không đảm bảo điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nhà xưởng theo quy định” có mức xử lý vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời trong quá trình điều tra nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm, chủ cơ sở có thể bị truy tố về hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động theo Điều 227, Bộ luật Hình sự.

Đối với cá nhân thợ hàn xì trong vụ này, trường hợp đúng như nguyên nhân ban đầu xác định vụ cháy là do thợ hàn xì trong xưởng gây ra thì người nào trực tiếp thi công gây cháy sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định. Và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ việc này được xác định theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trường hợp, thợ hàn là người lao động đi làm thuê thì chủ sử dụng lao động phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ việc này.

Trường hợp, thợ hàn là người trực tiếp nhận và tự thực hiện công việc thì thợ hàn là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bao gồm thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 589), thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 590), thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 591) và bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra (Điều 600).


Chia sẻ