Vụ bé trai bị xe chở tôn cứa cổ tử vong: Vợ người lái xích lô khóc cạn nước mắt mong gặp lại chồng
Ngay sau khi được phía gia đình bị hại chấp nhận một khoản bồi thường và đồng ý viết đơn bãi nại, vợ ông Thạch (người điều khiển xích lô) về nhà chỉ biết ngồi khóc và mong chờ một phép màu sẽ đến.
"Tôi mong từng giây, từng phút"
Liên quan đến vụ bé trai 10 tuổi không may va chạm với tấm tôn trên chiếc xe xích lô do ông Đinh Ngọc Thạch (tên gọi khác là Bình, quê Hà Nam) chở trên đường Tân Mai cứa cổ dẫn đến tử vong, chiều 5/10 bà Lê Thị Phương – vợ ông Bình cho hay gia đình đã làm đơn bảo lãnh, xin tại ngoại cho chồng.
“Sáng nay gia đình có nộp đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho anh Bình nhưng đến thời điểm này chồng tôi vẫn chưa được về. Không biết lúc nào thì anh ấy được về, tôi đang mong ngóng từng giây phút”, bà Phương chia sẻ.
Bà Phương buồn rầu khi nói về chồng
Theo bà Phương, mọi người thân trong gia đình chờ mong chồng bà về không chỉ là nỗi nhớ mà còn nghĩ về bệnh tật mà ông Bình đang phải chống chọi.
“Sau hôm anh ấy bị tạm giam, tôi được tiếp xúc có vài phút trong lúc đưa đồ vào. Nhìn anh ấy cúi gằm mặt chẳng nói với vợ một câu, miệng thì nói nhỏ nhẹ và khóc khiến cho tôi không thể cầm được nước mắt. Anh ấy bị đau đầu, thoát vị đĩa đệm mà không có tiền để chữa trị. Anh rất chịu khó làm và thương vợ con, làm ra tiền bao nhiêu thì cũng chỉ đủ cho anh ấy nuôi bản thân và chữa bệnh. Vì vậy mà thi thoảng anh ấy mới về quê, còn tôi thì thi thoảng lên với chồng vài ngày”, bà Phương khóc nghẹn.
Cũng theo bà Phương, kể từ khi chồng bà bị lâm vào vòng lao lý, mọi việc giải quyết giữa chồng và phía bị hại đều do người chị gái của ông Bình đứng ra. “Tôi hiểu biết pháp luật kém, mọi việc này cho chị gái chồng tôi giúp đỡ, hai bên gia đình đã ổn thỏa với nhau rồi. Phía cha mẹ bé trai đã làm đơn bãi nại, đề nghị không xử lý hình sự với chồng tôi”, bà Phương cảm động nói.
Cửa hàng nơi ông Bình nhận chở thuê tôn
Chia sẻ thêm về nỗi lo kinh tế, bà Hương không tiết lộ số tiền được phía bên bị hại chấp thuận nhưng cho hay: “Nghe tin chồng tôi gặp chuyện không may, các bạn đi bộ đội và những nhà hảo tâm giúp đỡ một phần lớn. Còn gia đình chúng tôi đi vay mượn được một ít để lo công việc. Tuyệt đối phía chủ cửa hàng họ không hề ghé qua nhà tôi hoặc bàn đến chuyện hỗ trợ cho gia đình”, bà Phương buồn rầu.
Đủ tiêu chuẩn miễn trách nhiệm hình sự
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Đinh Ngọc Thạch (tên gọi khác là ông Bình “còng”, 52 tuổi, quê Hà Nam) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điều 202 Bộ luật Hình sự.
Ngày 5/10, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội – là người hỗ trợ pháp lý cho ông Bình) cũng cho biết, Công an quận Hoàng Mai đã tổ chức buổi làm việc để gia đình cháu Trần Minh Hoàng (10 tuổi - tử vong do bị miếng tôn cứa cổ) với gia đình ông Thạch thỏa thuận về bồi thường thiệt hại và hòa giải.
Theo luật sư Thơm, tại biên bản thỏa thuận sau buổi làm việc, gia đình cháu Trần Minh Hoàng đã đồng ý đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai không xử lý hình sự đối với ông Thạch.
Hàng xóm của ông Bình cũng bày tỏ sự thông cảm cho hoàn cảnh và mong ông Bình sớm được tại ngoại
Luật sư Thơm cũng phân tích, căn cứ theo đúng hướng dẫn của TAND Tối cao tại Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 về việc áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015, thì ông Bình đủ tiêu chuẩn để được miễn trách nhiệm hình sự trong sự việc này.
Công văn số 276/TANDTC-PC nêu rõ: Kể từ ngày 1/7/2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
Theo đó, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Đặc biệt, người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
“Ông Bình vô ý phạm tội, lại từng đi lính bảo vệ biên giới phía Bắc và gia cảnh hiện nay rất khó khăn. Nếu được gia đình bị hại hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự nữa thì hoàn toàn đủ các tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Công văn số 276 của TAND Tối cao”, luật sư Thơm nhấn mạnh.