Vụ bắt cóc tập thể chấn động nhất nước Mỹ: 26 đứa trẻ bị chôn sống 16 giờ trong một “cỗ quan tài” khổng lồ
Trong suốt 16 giờ mà 26 đứa trẻ bị "chôn sống", cỗ quan tài khổng lồ trở thành một địa ngục đầy mùi hôi thối. Những đứa trẻ đang bị giam giữ như tù nhân chỉ được cho một ít thức ăn như ngũ cốc, bơ đậu phộng, bánh mì và nước.
Bạn nghĩ sẽ mất bao lâu để một người có thể vượt qua được chấn thương tâm lý sau khi bị bắt cóc và chôn sống? Với Lynda Carrejo Labendeira và bạn học cùng lớp, 4 thập kỷ dường như là không đủ. Khi còn là những học sinh tiểu học, Lynda và 25 đứa trẻ khác đã bị bắt cóc từ xe buýt đưa đón học sinh bởi 3 gã đàn ông, bị đưa đến một mỏ đá xa xôi, bị chôn vùi xuống 1,8m đất. Đó là vụ bắt cóc tập thể lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Trong 16 giờ, những đứa trẻ chỉ biết chờ đợi để được giải cứu hoặc chờ chết. Chúng khóc trong vô vọng. Những đứa bé lớn hơn cố gắng an ủi số còn lại. Tất cả đã bị chôn trong "cỗ quan tài" khổng lồ, mùi hôi của những bãi nôn, chất bẩn càng bốc mùi khủng khiếp hơn bởi cái nóng của California. Năm 2015, 39 năm sau vụ bắt cóc, những nạn nhân nói rằng những ký ức của 16 giờ kinh hoàng vẫn còn ám ảnh họ.
Chuyến xe kinh hoàng của 26 đứa trẻ vào một ngày hè tuyệt đẹp
Ngày 15/7/1976 là một ngày tuyệt đẹp. Đó là ngày học cuối của mùa hè của đám trẻ trường Tiểu học Dairyland ở Chowchilla. “Chúng tôi thích trường học vào mùa hè. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời. Chúng tôi được vẽ, làm thủ công, đồ gỗ, đồ gốm. Tôi nhớ mình đã chơi ném bóng nước và chơi những trò chơi thú vị”, Lynda Carrejo Labendeira nhớ lại. Lynda thích đến mức đã cùng cậu bạn trai Jeff Brown bắt đầu viết đơn thỉnh cầu để khóa học hè kéo dài thêm 2 tuần nữa. Mọi người đều ký tên vào lá đơn đó, cả giáo viên, học sinh, thậm chí là tài xế buýt Edward Ray.
Hôm đó, những đứa trẻ từ 5 đến 14 tuổi sau giờ học đã lên xe buýt về nhà. Những đứa trẻ nhỏ vẫn còn mặc quần áo bơi bước lên xe. Khi chiếc xe xuống Đại lộ 21, một chiếc xe van ở giữa con đường để chặn đầu xe buýt. “Edward - tài xế của chúng tôi - chẳng thể làm gì ngoài việc giảm tốc độ và cố gắng đi vòng qua chiếc xe”, Carrejo Labendeira nhớ lại. Ngay khi Edward mở lời nhờ giúp đỡ thì những người trong chiếc xe van đã ra khỏi xe và nhảy lên xe buýt, chỉa súng về phía tài xế và lũ trẻ.
Những đứa bé khi xưa ở trường Tiểu học Dairyland. (Ảnh: dailymail)
Bọn họ yêu cầu Edward về phía cuối xe. Không ai có thể nhìn thấy mặt của các tay súng bởi chúng đã bịt kín mặt. Carrejo Labendeira cúi xuống hàng ghế thứ tư mà mình đang ngồi, chỉ cách giới hạn của các tay súng đôi chút. 3 chị em còn lại của Carrejo Labendeira cũng đang vô cùng hoảng loạn ở phía sau xe buýt. Một tay súng đã lái xe đi xuyên qua những cây tre mọc sát nhau khiến những đứa trẻ bị lắc lư không ngừng. Chuyến xe chỉ dừng lại khi đến một cái hào đã được che giấu. Nơi đó, 2 chiếc xe van đang đợi và gã bắt cóc yêu cầu những đứa trẻ bước vào trong xe.
Trong 11 giờ tiếp theo, những đứa trẻ vẫn tiếp tục được chở đi đến một nơi nào đó mà như Carrejo Labendeira nhớ lại rằng “xa bất tận”. Không một đứa trẻ nào biết mình đang đi đâu. “Rất tối, cửa sổ đã bị sơn. Chẳng ai thấy chúng tôi bên trong, chúng tôi chẳng nhìn được ra ngoài”, Carrejo Labendeira kể lại. Khi đó, Jennifer Brown Hyde - một nạn nhân - chỉ mới 9 tuổi và Jennifer nhớ rằng không khí vô cùng nóng, ngột ngạt. “Rất nóng. Hơn 37 độ C, không nước, không nhà vệ sinh”, Brown Hyde chia sẻ.
Cuối cùng, khi màn đêm buông xuống, họ đã dừng lại ở một mỏ đá gần Livermore, khoảng 100 dặm về phía tây bắc của Chowchilla. Theo Carrejo Labendeira nghi ngờ, sở dĩ bọn bắt cóc phải lái xe vòng quanh lâu đến thế là vì để chắc chắn rằng khu mỏ này không còn công nhân khi họ đến.
16 giờ như địa ngục của 26 đứa trẻ bị chôn sống trong "cỗ quan tài" khổng lồ và màn trốn thoát ngoạn mục
Mỏ đá The California Rock & Gravel - nơi dừng chân của bọn bắt cóc - thuộc sở hữu của người bố của Frederick Woods - một trong những kẻ bắt cóc. Nhưng vào thời điểm đó không một ai ở mỏ đá cả mà chỉ có bọn bắt cóc và con tin của chúng. Frederick Woods và đồng bọn đã hỏi tên, tuổi, địa chỉ nhà, số điện thoại của từng đứa trẻ. Chúng lấy đi quần áo và vật dụng của bọn trẻ nhưng tuyệt đối không giải thích lý do của việc bắt cóc. “Tôi chỉ nhớ chúng bảo chúng tôi phải im lặng”, Carrejo Labendeira cho biết. Dưới ánh sáng yếu ớt của những ngọn đèn xây dựng ở nơi mỏ đá tối tăm, những kẻ bắt cóc ra lệnh cho bọn trẻ và tài xế xe buýt bước vào một nơi trông như một "cỗ quan tài" khổng lồ - một chiếc xe tải lớn dùng để vận chuyển hàng hóa được giấu dưới lòng đất.
Chân dung 3 kẻ bắt cóc. (Ảnh: dailymail)
“Nó được chôn xuống đất. Trông nó như một cỗ quan tài”, Carrejo Labendeira nói. “Nó như một cỗ quan tài, một cỗ quan tài cho tất cả chúng tôi”. Từng người một, những đứa trẻ bước xuống thang và đi vào trong chiếc xe tải. Khi đứa trẻ cuối cùng bước vào, bọn bắt cóc đã gỡ bỏ cái thang. 16 giờ kinh hoàng như ở địa ngục của 26 đứa trẻ và người tài xế xe buýt bắt đầu.
Những đứa trẻ đang bị giam giữ như tù nhân chỉ được cho một ít thức ăn như ngũ cốc, bơ đậu phộng, bánh mì và nước. Nhưng nó chỉ đủ cho một bữa ăn mà thôi. Ngay cạnh đống thức ăn là nhà vệ sinh tạm thời, một vài tấm nệm được đặt trên sàn. Khi đó, Brown Hyde đã nghĩ rằng mình sẽ chết bởi không khí ngột ngạt vì hệ thống thông gió đã hỏng. “Chiếc quạt mà họ lắp vào, pin đã hết. Trong tâm trí non nớt khi đó, tôi nghĩ chúng tôi tiêu thật rồi”, Brown Hyde chia sẻ. Trong suốt 16 giờ tiếp theo, cỗ quan tài khổng lồ trở thành một địa ngục đầy mùi hôi thối. Mùi hôi từ những bãi nôn của mấy đứa trẻ hòa quyện với mùi nước tiểu và rác rưởi. Đứa trẻ nhỏ nhất gào thét và khóc lóc đòi bố mẹ.
“Có những lúc chúng tôi nghĩ mình sắp chết”, Carrejo Labendeira nhớ lại. “Tôi đã nguyện rằng nếu mình sống sót, tôi sẽ trở thành một cô gái tốt nhất. Tôi sẽ trở thành cô gái tốt nhất trong cuộc đời còn lại của mình”.
"Cỗ quan tài" khổng lồ bọn bắt cóc dùng để "chôn sống" 26 đứa trẻ và tài xế xe buýt. (Ảnh: Internet)
Khi niềm hy vọng trong bọn trẻ dần tắt ngúm, người tài xế và vài đứa trẻ đã bắt đầu nghĩ ra kế hoạch để trốn thoát. Họ đã chồng những tấm nệm lên nhau để chui qua một tấm kim loại trên mái. “Nếu chết, chúng tôi phải chết vì điều gì đó chứ không được ngồi đây chờ chết”, Brown Hyde nhớ lại. Nhưng tấm kim loại lại bị phủ bởi một lượng lớn pin của xe tải và và bụi bẩn dày đặc. Tài xế xe buýt Edward Ray cùng vài học sinh nam lớn phải vật lộn để dịch chuyển nó đi. Mọi người liên tục đào bới trong sự sợ hãi sẽ bị bọn bắt cóc phát hiện vì không ai biết bọn chúng đang ở đâu vào lúc đó.
May mắn, lối thoát đã được dọn dẹp sạch sẽ bởi Edward và vài học sinh, lũ trẻ bắt đầu trèo lên vai nhau đến chạy trốn. Và may mắn hơn thế nữa, bọn bắt cóc đang ngủ say. Đây là một cơ hội hoàn hảo để trốn thoát. Dù đã rất kiệt sức nhưng nhóm người họ phải cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ và may thay, trên mỏ đá có một tòa nhà nhỏ. “Trên đó có một người đàn ông. Ông ấy biết rõ chúng tôi là ai trước khi chúng tôi kịp nói bất kì điều gì”, Carrejo Labendeira cho biết. “Ông ấy bước xuống và nói: “Cả thế giới đang tìm các cháu đây”. Ông ấy biết rõ chúng tôi là ai”.
Những đứa trẻ được giải cứu. (Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)
Tài xế xe buýt (Ảnh: Internet)
Cái kết thích đáng cho những kẻ tham tiền
3 kẻ bắt cóc sau đó đã được cảnh sát xác định là anh em James Schoenfeld - Richard Schoenfeld và Frederick Newhall Woods - người có bố là chủ mỏ đá The California Rock & Gravel. Động cơ của chúng được xác định là để tống tiền. Một điều đáng chú ý là cả 3 đều có xuất thân từ những gia đình khá giả nhưng vẫn rắp tâm lên kế hoạch cho một vụ bắt cóc tập thể lớn nhất trong lịch sử Mỹ để lấy được 5 triệu USD tiền chuộc từ bố mẹ của nạn nhân.
Scott D. Handleman - luật sư bào chữa cho 3 kẻ bắt cóc - đã từng phát biểu: “Tôi không có ý kiến, không hiểu vì sao họ lại cần, lại muốn số tiền đó. Họ rất tham lam. Rõ ràng là không có gì để biện minh cho tội ác này”. Anh em James, Richard và người bạn mới quen Frederick - tất cả đều ở độ tuổi đôi mươi khi tiến hành vụ bắt cóc - đã lên danh sách hàng loạt trường học ở nhiều quận để làm mục tiêu cho vụ bắt cóc. Cuối cùng, bọn họ quyết định chọn trường Tiểu học Dairyland - một nơi đủ xa để xe buýt bị tấn công giữa ban ngày mà không ai để ý. Trong suốt nhiều tuần trước khi ra tay, bọn họ đã theo dõi chiếc xe buýt để nắm được lộ trình di chuyển của xe. Họ dự định cướp chiếc xe buýt vào một ngày trước đó nhưng kế hoạch không thành, bọn họ quay trở lại vào ngày hôm sau và ra tay.
Cảnh sát tiến hành đưa "cỗ quan tài" lên khỏi mặt đất. (Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)
“Chúng tôi có con của quý vị. Chúng tôi muốn 5 triệu USD từ Hội đồng Giáo dục bang”, đó là nội dung Jim đã thu âm lại để phát đi trong cuộc gọi điện thoại đến Sở Cảnh sát Chowchilla nhằm đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, đoạn băng đó mãi vẫn chưa thể được sử dụng bởi đường dây điện thoại của Sở Cảnh sát luôn nghẽn do hàng loạt phóng viên, gia đình gọi đến để tìm kiếm 26 đứa trẻ. Không gọi được, bọn họ quyết định đi ngủ. Trong lúc đó, 26 đứa trẻ và người tài xế đã trốn thoát. Sự việc bại lộ, Frederick đã bỏ trốn sang Vancouver, British Columbia, Canada nhưng sau đó đã bị bắt. Còn anh em Richard, James đã bị bắt và đầu hàng chính quyền ở California.
Trong quá trình bị điều tra, 3 kẻ bắt cóc đã khai rằng do nợ nần sau một vụ thương thảo bất động sản thất bại, cả ba quyết định thực hiện vụ bắt cóc tống tiền để giải quyết vấn đề tài chính. Từ 1,5 năm trước khi tiến hành vụ bắt cóc, bọn họ đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Frederick tiết lộ, hắn ta đã mua 3 chiếc xe tải vận chuyển tù nhân đã qua sử dụng, cùng với chiếc xe tải vận chuyển để nhốt và chôn sống 26 đứa trẻ, thuê một nhà kho ở San Jose. Hắn ta còn mua máy X-quang để kiểm tra túi tiền khi được chuyển tới liệu có chất nổ hay không. Hắn thuê một người đàn ông để làm hộp bằng chì để chứa tiền, ngăn chặn bất kì thiết bị theo dõi nào.
“Kế hoạch, chuẩn bị dụng cụ, rình rập xe buýt… đây rõ ràng là một tội ác của thế kỷ chứ không phải những điều bạn thấy thường ngày”, Công tố viên quận Alameda - Jill Klinge - phát biểu.
Từ 1,5 năm trước khi tiến hành vụ bắt cóc, bọn họ đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng. (Ảnh: dailymail)
Những kẻ bắt cóc phải chịu án chung thân. (Ảnh: dailymail)
(Ảnh: dailymail)
Cuối cùng, cả ba kẻ bắt cóc đã phải chịu án chung thân. Tuy nhiên, do cải tạo tốt, Richard đã được thả vào tháng 2/2012, còn James được thả vào ngày 7/8/2015. Theo luật sư Handleman, anh em nhà Schoenfeld không phát biểu bất kì điều gì với truyền thông sau khi ra khỏi tù. Trong khi đó, Frederick vẫn còn ngồi tù và hắn ta đã làm đơn xin mãn hạn tù vào năm 2015. "Woods không có ý định làm hại những người bị bắt cóc. Ông ta nhận lỗi và nhận ra mình đã phạm một sai lầm khủng khiếp", Luật sư Handleman cho biết.
Tuy nhiên, vào ngày 19/11/2015, Frederick (khi đó 64 tuổi) đã bị từ chối thỉnh cầu này vì hắn ta tiếp tục giảm nhẹ tội ác của mình và vi phạm kỷ luật trong tù như tàng trữ nội dung khiêu dâm (hơn 1200 bức ảnh đồi trụy trong điện thoại, trong đó có vài bức là ảnh trẻ em khỏa thân), sở hữu điện thoại di động trái phép khi ở trong tù. Không chỉ vậy, dù ở trong tù, hắn ta vẫn cưới vợ đến tận 2 lần. Các vấn đề tương tự cũng được khai trong buổi điều trần xin ân xá của hắn ta vào năm 2012. Theo tòa án, cho đến 2018, vấn đề ân xá của Frederick mới được xem xét lại.
Do cải tạo tốt, Richard đã được thả vào tháng 2/2012, còn James được thả vào ngày 7/8/2015 nhưng Frederick vẫn không được thả. (Ảnh: Internet)
Nỗi ám ảnh về ngày kinh hoàng kéo dài hơn 4 thập kỷ
26 nạn nhân khi xưa giờ đã là những người trung niên, đều ở độ tuổi 40, 50. Dù đã 40 năm trôi qua nhưng họ vẫn còn sợ hãi bị giam giữ và vụ bắt cóc đã ảnh hưởng đến cả con của họ. Cho đến nay, Brown Hyde vẫn phải bật đèn khi ngủ và gặp ác mộng kinh niên. “Tôi gặp ác mộng như mình sắp chết. Tôi thực sự gặp ác mộng rằng ai đó đã giết mình. Tôi thấy tôi tại lễ tang của chính mình”, Brown Hyde chia sẻ. Trong khi đó, Darla Neal khi bị bắt cóc chỉ mới 10 tuổi và giờ đây, sự lo lắng tột độ đã khiến cô khó có thể sống một cuộc sống bình thường. “Tôi bị choáng đến mức phải nghỉ việc. Tôi nói với bản thân mình rằng phải đối phó với nó. Nhưng tôi đã ở đây với một mớ hỗn độn”, Darla cho biết.
Nỗi ám ảnh đó khiến chị Brown cảm thấy bất an với cả con cái của mình. Khi con trai lớn bắt đầu học mẫu giáo, Brown đã chểnh mảng giờ giấc làm việc để theo dõi xe buýt để đảm bảo rằng con đến nơi an toàn. Chị biết rằng cuộc sống của một đứa trẻ có thể thay đổi mãi mãi bởi một điều đơn giản như một chuyến xe buýt trở về nhà. Còn Carrejo Labendeira lúc nào cũng sống trong những ký ức của những giờ phút kinh hoàng khi bị bắt cóc.
Lynda Carrejo Labendeira
Các nạn nhân khi xưa đã gặp lại nhau trên chiếc xe buýt đã được trưng bày. (Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)
Chiếc xe buýt đã bị tấn công khi xưa nay được bảo quản và trưng bày. (Ảnh: Internet)
Người tài xế xe buýt đã qua đời vào năm 2012, ở tuổi 91 vì biến chứng của bệnh xơ gan. Đám tang của ông có rất đông những nạn nhân của vụ bắt cóc xưa kia đến tham dự. “Tôi nhớ rằng ông đã khiến tôi cảm thấy an toàn”, Jodi Medrano - một nạn nhân của vụ bắt cóc - phát biểu về ông Ray. Cô vẫn giữ liên lạc với ông Ray và gia đình cho đến khi ông qua đời.
Vụ bắt cóc tập thể chấn động lịch sử Mỹ này đã trở thành đề tài cho nhiều bộ phim, chương trình truyền hình. Tập 7 mùa 2 của chương trình House of Horrors: Kidnapped đã nói về vụ bắt cóc này. Trong khi đó, tập phim Buried Alive nói về vụ bắt cóc từ góc nhìn của Michael Marshall - người được 14 tuổi khi bị bắt cóc, là đứa bé lớn nhất trong 26 đứa bé khi xưa - đã được phát sóng vào tháng 4/2015.
Không chỉ vậy, một bộ phim có thời lượng 2 giờ đồng hồ về vụ bắt cóc Chowchilla đã được phát trên ABC Network vào tháng 3/1993 với tiêu đề: They’ve Taken Our Children: The Chowchilla Kidnapping. Phim có sự tham gia của Karl Malden trong vai tài xế xe buýt. Hơn thế, vụ bắt cóc này còn là nguồn cảm hứng cho nhiều kịch bản phim, trong đó có thể kể đến như tập phim mùa thứ hai của phim Millennium, mùa thứ 4 của Walker, Texas Ranger.
(Nguồn: CNN, sfgate, abc7news, dailyherald)