Vụ 9 ngư dân mất tích: Ước mơ xót xa của những thiếu niên bỏ học từ 15 tuổi theo bố bám biển mưu sinh
Mặc dù rất muốn được học hành nhưng vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, những cậu bé mới 15-16 tuổi đã phải theo bố và chú bác bám biển kiếm ăn. Vụ va chạm tàu đã khiến các em nằm lại nơi biển sâu, bỏ lại ước mơ dang dở chưa thực hiện được.
Đáy biển lạnh lẽo chôn vùi ước mơ
Mấy ngày nay, người dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An lại thay nhau đến nhà động viên, chia sẻ chị Thái Thị Lý (35 tuổi) có chồng tử nạn sau vụ chìm tàu vào ngày 28/6 vừa qua. Điều đáng nói, người con đầu của anh chị là em Nguyễn Văn Phong (17 tuổi) hiện cũng đang mất tích ngoài biển khơi.
“Sao anh lại bỏ mẹ con em mà đi. Anh ơi, anh về đến nhà rồi, còn con mình đang ở đâu. Anh đưa con về cùng đi”, chị Lý nghẹn giọng gọi chồng con. Nỗi đau mất chồng, mất con khiến chị Lý đau đớn ôm lấy di ảnh. Bên cạnh chiếc bàn thờ, 2 bé gái đang con nhỏ chưa cảm nhận được nỗi đau mất cha, mất anh trai mà chỉ biết ngồi nhìn xung quanh. Tuy nhiên khi nhìn thấy mẹ đau buồn thì các em cũng òa khóc theo.
Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà nhỏ.
Vợ chồng anh chị có 3 người con, trong đó Phong là con trai đầu, phía sau có 2 người em gái sinh đôi năm nay 10 tuổi. Gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Mẹ chồng chị, bà Hồ Thị Dụ, là mẹ liệt sĩ, năm nay đã 80 tuổi. Thấy cha khổ nhọc nuôi cả gia đình, nên khi vừa bước lên cấp THPT thì Phong đã xin nghỉ đi tàu.
Người mẹ khốn khổ cho hay, Phong là người con ngoan ngoãn, hiền lành, lại thương yêu gia đình. Dù lực học rất khá, nhưng do gia đình quá khó khăn nên em mới quyết định theo bố đi biển, với hi vọng kiếm thêm miếng cơm, miếng cá về cho gia đình.
“Lúc Phong quyết định bỏ học, chúng tôi đã can ngăn. Nghề biển vất vả, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Nhưng do Phong quyết định, cũng vì nghèo quá nên chúng tôi đành phải đồng ý. Những ngày đầu theo bố, sóng to gió lớn nên Phong không chịu được, nhưng con không dám kêu ca, vẫn cố gắng làm. Người con của tôi như vậy, mà biển lại cướp mất”, chị Lý òa khóc.
Chồng chết, con trai mất tích, chị Lý đã khóc cạn nước mắt.
Hồi còn học, Phong từng ước mơ được bước vào giảng đường đại học. Sau này, em chỉ hi vọng kiếm thật nhiều tiền về nuôi gia đình. Phong từng tâm sự với mẹ, em sẽ xây một ngôi nhà thật lớn, để che nắng che mưa, để bà và các em không phải chịu khổ. Thế nhưng biển cả dữ dội đã đánh chìm niềm mong ước nhỏ bé đó.
Chị Lý kể, vào ngày 24/6, Phong cùng bố là anh Nguyễn Văn H. (39 tuổi) lên tàu cá NA 95899 TS. Trên tàu có tất cả 19 người đều ở huyện Quỳnh Lưu, trong đó có nhiều người là anh em họ hàng. Đến khoảng 13h ngày 28/6, tàu đang neo tại khu vực cách phía Nam đảo Bạch Long Vỹ khoảng 34 hải lý thì bị va chạm với một con tàu Pacific 01, của công ty cổ phần Vận tải và thương mại quốc tế.
Hậu quả, tàu NA 95899 TS bị lật úp, tất cả 19 người đều bị rơi xuống biển. Tàu Pacific 01 đã tiếp cận và kịp thời cứu vớt được 9 ngư dân trên tàu, một người tử vong. Hiện còn 9 người chưa được tìm thấy. Trong đó người tử vong là anh Nguyễn Văn H., còn em Nguyễn Văn Phong là một trong 9 người mất tích.
Chị Lân đã kiệt sức sau nhiều ngày khóc vì đau đớn.
Cách đó không xa, căn nhà nhỏ nằm ven sông của chị Hồ Thị Lân (48 tuổi) mấy ngày nay cũng chật kín người. Cứ thấy người lạ tới, chị Lân lại lao ra hỏi thăm tin tức của người con trai Nguyễn Văn Tùng hiện đang mất tích. “Suốt mấy ngày qua, cả nhà mong ngóng tin tức về cháu Tùng với tia hi vọng mong manh rằng cháu còn sống. Thế nhưng chúng tôi nghe tin áp thấp đang tới, mỗi giờ mỗi khắc thì cả nhà đều vô cùng nóng ruột”, chị Hồ Thị Hương, em gái chị Lân thở dài.
Cũng trong ngày 2/7, anh Nguyễn Văn Hồng (48 tuổi, bố Tùng) đã bắt xe khách trở về xã Tiến Thủy khi nghe tin con trai mất tích sau vụ va chạm tàu. Vì điều kiện gia đình khó khăn, Tùng phải bỏ học theo người dân trong làng đi biển làm ăn từ năm 15 tuổi, còn anh Nguyễn Văn Hồng cũng theo một chiếc tàu khác đánh cá tại vùng biển Quảng Bình.
“Chúng tôi biết rằng nghề đánh cá rất vất vả và nguy hiểm, nhưng không ngờ biển cả lại cướp cuộc sống cháu tôi nhanh như vậy. Cháu còn quá trẻ, hiền lành, đẹp trai lắm, tương lai phía trước nên tất cả mọi người đều mong chờ điều kỳ diệu sẽ đến. Cũng do khó khăn quá nên cháu mới bỏ học, ước mong của cháu là có tiền trả nợ ngôi nhà cấp 4 xây từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa trả xong này cho mẹ”, chị Hương cho hay.
Dòng người nối dài đưa tiễn anh Nguyễn Văn H. về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trụ cột gia đình ở tuổi thiếu niên
Chiều 1/7, đám tang của ngư dân Nguyễn Văn H. được tổ chức, tất cả người dân đều đến để đưa người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Thế nhưng, sáng 2/7, dù không khí tang thương vẫn bao phủ nhưng ở ngoài cảng biển, những con thuyền lớn đang được mọi người chuẩn bị thức ăn, xăng dầu để chuẩn bị ra khơi. “Sinh nghề tử nghiệp”, sống bám biển, chết cũng ở trên biển, nên dù đau thương những ngư dân nơi đây cũng cố nén lại để tiếp tục mưu sinh.
Không ít ngư dân chỉ khoảng 14 – 15 tuổi nhưng đã bê được những bình nước to mạnh mẽ lên tàu cá. Nghề nặng nhọc và vất vả, gió biển khiến các em già hơn, thế nhưng ánh mắt vẫn còn tinh nghịch. Nếu như ở nơi khác, các bạn cùng độ tuổi đang vui vẻ đi học, đi chơi thì ở đây các em đã có thể tự đánh bắt cá như một ngư dân thực thụ. Tuổi còn vị thành niên, nhưng có em đã trở thành trụ cột chính của gia đình.
Không khí tại cảng biển u uất hơn do tang thương vẫn bao phủ.
Ông Nguyễn Văn Ước, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết: “Nghề đi biển, nguy hiểm luôn luôn rình rập. Không ít trường hợp các ngư dân phải bỏ mạng ở biển, nhưng đây là lần đầu tiên trên địa bàn xã có nhiều người chết như thế này. Điều đáng nói, trong đó có rất nhiều thiếu niên mới chỉ 15 – 16 tuổi, nhưng vì mưu sinh mà bỏ học bám biển”.
Theo vị chủ tịch xã, chiếc tàu bị nạn được đóng theo Nghị định 67/CP với tổng số tiền 14 tỷ đồng. Trong số 19 ngư dân trên tàu có 15 người chung cổ phần, mỗi người góp 200 triệu đồng, còn lại là vốn ngân hàng. Tàu mới đi vào hoạt động hơn 2 năm, nhưng việc đánh bắt không thuận lợi nên thu nhập của ngư dân rất thấp. Hiện các ngư dân mới chỉ trả nợ ngân hàng trên 500 triệu đồng.
Dù xót xa nhưng các ngư dân vẫn phải tiếp tục ra biển để mưu sinh.
Chủ tàu là anh Hồ Bá Lâm (39 tuổi), trú ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu. Do lập gia đình muộn, nên nhưng người con đầu của anh Lâm là em Hồ Bá Thuyên năm nay chỉ mới 8 tuổi. Thế nên khi thấy người lớn nói chuyện về cha thì Thuyên lập tức bấu víu hỏi. Ánh mắt trong veo của cậu bé khiến ai cũng phải quay mặt, lau nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Dung (chị gái anh Lâm) sụt sùi: “Em trai tôi có 3 người con đang độ tuổi ăn học, cháu nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi. Vay góp khắp nơi, Lâm rủ anh em họ hàng đóng thuyền cùng nhau bám biển. Cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào những chuyến đi biển, giờ em mất rồi các cháu sẽ sống ra sao”.
Dù nói vậy, nhưng tất cả mọi người đều hiểu rằng từ nay các em sẽ không còn có tuổi thơ bình yên nữa. Một mình người mẹ không thể chèo chống gia đình, đó là chưa kể đến món nợ khổng lồ từ việc vay mượn để mua thuyền. Cuộc đời đã xô đẩy khiến Thuyết phải lớn thật nhanh để lo lắng cho gia đình, và tương lai của em sẽ lại là biển khơi và những hành trình đối mặt với tử thần.