Vụ 8 cán bộ xã bị tông chết: Lối xuống của cầu vượt là kiểu mở lối để người đi bộ gặp tử thần
Bậc thang cho người đi bộ của cây cầu vượt gần vụ tai nạn khiến 8 người tử vong ở Hải Dương dẫn thẳng xuống đường QL 5, cạnh hàng đoàn xe tải, xe container... chạy với tốc độ cao.
Kiểu mở đường lối đi "tử thần" cho người đi bộ
Chiều 21/1, đoàn cán bộ xã Kim Lương (Kim Thành, Hải Dương ) đã bị một xe tải lấn làn đâm trực diện khi đang đi bộ sát lề đường để lên cầu vượt qua quốc lộ (QL) 5. Hậu quả, 8 người chết, 8 người bị thương.
Theo ông Vũ Ngọc Uông, Chủ tịch UBND xã Kim Thành, cây cầu vượt gần vị trí xảy ra tai nạn là cầu vượt số 9 thuộc km 76. Cầu phục vụ cho người dân 4 thôn của xã Kim Lương, người dân đi chợ và trẻ em đi học thường xuyên qua cầu mỗi ngày.
Đáng chú ý, bậc thang dành cho người đi bộ của cây cầu này lại dẫn thẳng xuống làn đường dành cho xe thô sơ của QL 5.
Điểm dẫn xuống cũng không hề có hành lang, lan can bảo vệ, ngay khi bước chân xuống khỏi cầu thang, người dân đối mặt ngay với làn xe cơ giới bên cạnh gồm hàng đoàn xe tải, xe container, xe khách... đang lưu thông với tốc độ hàng chục km/h.
Một số người dân sống gần khu vực cầu vượt cho biết, chính việc mở lối dẫn lên xuống thiếu khoa học như vậy đã vô tình tạo ra thói quen xấu cho họ khi phải đi bộ dọc quốc lộ, dưới lòng đường để lên và xuống cho tiện.
"Nếu không có kiểu mở bậc dẫn xuống lòng đường xe đang chạy tréo ngoe như thế này thì đã không xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 8 người chết như vậy", bà Hoàng Thị Thanh, một người dân ở xã Kim Lương chia sẻ.
Còn ông Giới, một người dân của thôn Lương Xá Nam nhấn mạnh: "Đây phải nói là kiểu mở lối đi gặp tử thần cho người đi bộ chứ không phải là an toàn.
Bởi cả lối đi lên lẫn đi xuống, người đi bộ đều phải đi cạnh làn đường với phương tiện chạy nườm nượp, tốc độ 50 - 80km/h thì tai nạn là điều sớm hay muộn thôi".
Các bậc thang dẫn xuống cầu đi bộ mở thẳng xuống QL5
Chủ tịch UBND xã Kim Thành xác nhận, vấn đề bất cập về việc mở lối đi bộ xuống đường này và vị trí tai nạn đau lòng xảy ra là một điểm đen giao thông, khoảng 1 tháng trước, một bí thư chi bộ thôn cũng tử nạn vì tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, theo ông Uông, việc xây cầu, mở lối đi bộ xuống đường là do các cơ quan chức năng cấp trên thực hiện nên xã chỉ có thể kiến nghị xem xét, giải quyết hướng khắc phục, đảm bảo an toàn.
Đánh giá về việc mở lối cho người đi bộ xuống làn đường hỗn hợp, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, rõ ràng, việc thiết kế như vậy đã có vấn đề, không đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
"Chúng tôi không phải đơn vị có chuyên môn trong thiết kế, tuy nhiên, đã thấy rõ bất cập trong việc này. Không ai lại để người đi bộ đi vào làn đường dành cho các phương tiện như vậy.
Nhưng cũng cần phải xem xét thực tế, việc xây dựng các đường gom cạnh QL 5 dù đã có kế hoạch tuy nhiên, nguồn kinh phí eo hẹp nên không thực hiện được.
Trong việc này, Bộ GTVT và các địa phương cần có bàn tính lại để có phương án khắc phục, tránh tai nạn thương tâm như vừa qua", ông Liên bày tỏ.
Khu vực xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng chỉ có một đoạn vạch kẻ đường còn lại gần như biến mất hoàn toàn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch giao thông của ĐH GTVT Hà Nội cũng khẳng định, người đi bộ chỉ được đi trên vỉa hè, cầu vượt, hầm... chứ không có quy định nào cho phép họ được đi xuống lòng đường như vậy.
"Việc mở lối lên xuống cho người đi bộ đi vào lòng đường Quốc lộ 5 ở làn hỗn hợp xe thô sơ như vậy dù có viện dẫn lý do nào cũng là sai. Không Luật nào cho phép như vậy cả. Trách nhiệm ở đây là của đơn vị quy hoạch, thiết kế và quản lý đường", vị này nêu rõ.
Chưa thể khắc phục do khó khăn về làm đường gom?
Trao đổi với PV, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, đơn vị đã bàn giao nguyên trạng QL5 cho Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) quản lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc ban quản lý bảo trì QL 5 (Vidifi) cho rằng các cầu vượt trên tuyến QL5 đa số được xây dựng khá lâu trước khi QL5 nâng cấp mở rộng và bàn giao về cho đơn vị.
Hiện trường vụ tai nạn.
Trên toàn tuyến QL5 từ Km11+135 đến Km113+252 do VIDIFI quản lý hiện nay có 31 cầu vượt. Trong đó tại Hưng Yên có 7 cầu, Hải Dương 14 cầu và Hải Phòng 8 cầu.
Cầu vượt trên tuyến có 3 loại, một loại chỉ dành cho đi bộ, một loại dành hỗn hợp cả đi bộ, xe máy và xe thô sơ, một loại hỗn hợp chạy cả ô tô.
Đối với cầu vượt tại vị trí xảy ra vụ xe tải tông chết 8 người trên địa bàn xã Kim Lương (H.Kim Thành, Hải Dương) được xây dựng từ khoảng năm 2000, là cầu hỗn hợp cho cả người đi bộ và xe thô sơ.
Về việc tại sao lại có việc lối lên xuống của cầu vượt cho người đi bộ lại dẫn thẳng xuống lòng đường, ông Huỳnh lý giải, cầu vượt tại xã Kim Lương đều rất dài, dẫn sâu vào khu dân cư hai bên đường, băng qua cả đường sắt.
Tuy nhiên, có 2 nhánh cầu dẫn xuống QL5 do đây là cầu chung cho cả xe thô sơ, xe máy, phục vụ cho người dân từ trong làng ra lưu thông trên quốc lộ.
Về việc không có vạch sơn hay vạch sơn mờ ở khu vực xảy ra vụ tai nạn, ông Huỳnh cho hay, do tuyến đường đang xuất hiện tình trạng xuống cấp nên đơn vị đang tổ chức, nâng cấp cải tạo, bảo dưỡng lại mặt đường.
"Chúng tôi có vá dặm và đề xuất với tổng cục Đường bộ làm thêm một số nút giao, tại nút giao nào vạch sơn bị mất sẽ tiến hành sơn lại", ông Huỳnh nói.
Ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương khi được hỏi về việc bậc thang cho người đi bộ dẫn thẳng xuống QL5 cũng thừa nhận, đây là bất cập.
Ông Long cho rằng, Sở đã đề nghị Bộ GTVT sớm cho làm đường gom để lên cầu. Đường gom sẽ nằm sát lan can, song song với QL.
"Nếu có đường gom, chắc chắn tai nạn giao thông sẽ không xảy ra thảm khốc đến thế", ông Long nói và cho biết trước khi xảy ra vụ tai nạn, Bộ đã đồng ý về chủ trương nhưng chưa triển khai được vì thiếu vốn.
Còn ông Nguyễn Văn Huỳnh nêu rõ, do QL5 đã được xây dựng khá lâu nên có tình trạng đô thị hóa, dân sinh sống bám dọc xung quanh, do đó, việc xây đường gom khó khả thi và gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi kiểm tra trực tiếp tại hiện trường, cho rằng khu vực xảy ra vụ tai nạn là một "điểm đen" giao thông có các vấn đề liên quan đến cầu vượt cho người đi bộ, người dân thường đi trên làn xe thô sơ để lên cầu vượt.
Ông Thể chỉ đạo Tổng Cục đường bộ rà soát lại toàn bộ những khu vực có cầu vượt dành cho người đi bộ tương tự để chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Bên cạnh đó, yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của đơn vị khai thác, thu phí là Vidifi vì có một số làn vạch sơn không rõ.
Đối với QL 5 và nhiều quốc lộ có khu công nghiệp thường có cầu cho người đi bộ qua đường, Bộ trưởng GTVT đề nghị Tổng cục Đường bộ kiểm tra, chấn chỉnh, đảm bảo an toàn cho người dân.