Với trường hợp của anh Tỉnh, không chỉ dạy con mà cần dạy cả... vợ
(aFamily)- Khi anh gân cổ dạy con mà chị Phương lại thêm vào những câu chẹn họng anh như vậy thì vừa làm anh mất hứng vừa khiến con cái nhờn thuốc, xa lánh bố...
Anh Hoàng Thái thân mến!
Đọc tâm sự viết hộ anh rể của anh, tôi có một vài lời chia sẻ nhờ anh chuyển đến anh Tỉnh nhé!
Anh Tỉnh ạ,
Dạy dỗ con cái là công việc mà đến khi nhắm mắt, xuôi tay may ra người bố, người mẹ mới không phải làm nữa. Vì vậy, tôi mong anh đừng nản hay buông xuôi việc này. Con gái anh đang tuổi mới lớn và con trai đang hình thành tính cách. Nếu không uốn nắn, e có nhiều hệ lụy đó anh.
Tiếc rằng, không phải cặp vợ chồng nào cũng phối hợp được như vậy. Có người bố quá nghiêm khắc hoặc nhu nhược với những phương pháp dạy con không phù hợp. Còn hầu hết người mẹ lại chiều con thái quá. Có khi nhiều cặp vợ chồng lại chẳng quan tâm đến con cái. Tất cả những điều trên sẽ chỉ khiến con cái chúng ta trở nên hư và khó kiểm soát.
Như vợ chồng anh Tỉnh, tôi rất đồng tình với cách dạy dỗ cũng như tầm nhìn xa trông rộng của anh. Có được người chồng như anh đáng ra chị Phương phải tự hào và ủng hộ, cũng như giúp đỡ anh mới phải. Song chị quá ư bảo thủ, không khéo léo, lại chiều con một cách nhu nhược, gần như tiếp tay. Hậu quả hai đứa con gây ra vừa rồi còn nhỏ và có thể sửa chữa được nếu như chị Phương biết nhìn nhận đúng vấn đề.
Song những gì anh Thái kể ra thì thực sự tôi cảm thấy lo lắng cho gia đình anh rể anh. Nếu chị Phương cứ tiếp tục chiều con kiểu như vậy. Hậu quả của những lần sau sẽ lớn hơn nhiều và nó tỉ lệ thuận với độ tuổi của hai đứa trẻ.
Nhưng bây giờ, nếu anh Tỉnh và vợ không phối hợp được cách dạy con thì sẽ chẳng đi đến đâu. Khi anh gân cổ dạy con mà chị Phương lại thêm vào những câu chẹn họng anh như vậy thì thứ nhất sẽ làm chồng vừa mất hứng, vừa bực mình. Thứ hai, con cái sẽ trở nên nhờn thuốc, không sợ sự uy nghiêm của bố nữa. Rồi chúng sẽ xa lánh bố và nhận sự tiếp tay của mẹ để rồi hư thêm.
Do đó, để tránh vợ cắt ngang việc uốn nắn con của mình, anh Tỉnh nên lựa chọn những khung giờ chỉ có hai bố con (có thể là khoảng thời gian chị đi chợ hay đi chơi đâu đó) để có thể tâm sự cũng như góp ý cho con những điều hay lẽ phải. Hoặc anh có thể gọi con gái hay con trai vào phòng riêng và đóng cửa lại không cho chị tham gia. Song song vào đó, anh cũng cần theo dõi, để ý xem con cái mình thực hiện lời dạy bảo của bố đến đâu chứ đừng góp ý xong rồi bỏ đó.
Khi vợ anh tiếp tay cho con, anh biết nhưng cũng không nên trách móc chị trước mặt con cái. Hãy lựa lúc có hai vợ chồng để chỉ bảo cho chị. Anh cũng nên tìm những ví dụ sống về việc chiều con khiến con hư để minh họa cho chị hiểu. Tôi nghĩ vợ anh sẽ thay đổi phần nào nếu như những điều anh nói có cơ sở và thuyết phục.
Quan trọng hơn là phải kiên nhẫn, từ từ, dần dần rồi sẽ có tiến triển thôi, anh Tỉnh ạ. Quan trọng là phương pháp đó phải phù hợp và được sử dụng đúng đắn trong tình huống của anh.
Chúc anh thành công!