Với học sinh, việc mất niềm tin và bị hạ thấp giá trị bản thân còn tồi tệ hơn bất cứ sự trừng phạt nào

Diệp Nguyễn,
Chia sẻ

Biết rằng rất khó để yêu cầu các giáo viên phải yêu mọi học sinh của mình và cư xử với chúng một cách dễ mến mọi lúc. Nhưng nếu không thể làm được điều đó, các giáo viên cũng đừng bọc những cảm xúc tiêu cực trong lớp vỏ nghiêm khắc và rèn giũa, để rồi khiến học sinh phải tự ghét và chối bỏ chính mình.

Để tôi kể cho các bạn câu chuyện này.

Năm cấp 2, tôi vốn là học sinh cá biệt của lớp. Cá biệt theo kiểu rất hay bị gọi phụ huynh đến trường, đặc biệt là năm cuối cấp. Trong mắt các thầy cô giáo, tôi là đứa học sinh không chỉ học dốt mà còn thích chống đối. Và nếu có một chỗ cho tôi trong trường cấp 3, thì đó chỉ có thể là các trường thuộc Nguyện vọng 2 - nơi tất cả những học sinh dốt và hư được tụ tập về. 

Vậy mà, đến một ngày nọ, bằng một quyết tâm ngùn ngụt nào đó, tôi nghĩ mình sẽ thi vào lớp chuyên Văn trường Chu Văn An. Tôi hí hửng tìm đến cô Hiệu phó (lúc này đang dạy Văn lớp tôi) để tuyên bố việc này vô cùng trịnh trọng. Tôi không học giỏi Văn nhưng tôi tin rằng mình rất yêu thích câu chữ và có khả năng viết không đến nỗi tệ, thế thì tại sao lại không nhỉ? 

Trái ngược với thái độ quyết tâm và hí hửng của tôi, cô hiệu phó mở to mắt thảng thốt: "Em???? Thi Chuyên Văn???? Trường Chu?????" kèm theo đó là một cái nhíu mày và nỗi bàng hoàng xen lẫn sự ngán ngẩm trong ánh mắt như thể thay lời nói: "Em nghĩ mình là ai????".

 - Ảnh 1.

Gọi tôi là nhạy cảm khi tôi nói rằng mình thật sự bị tổn thương bởi ánh mắt và giọng nói của cô giáo lúc đó. Cô bỏ đi ngay sau cuộc hội thoại ngắn ngủi và để lại tôi giữa sân trường với một cảm xúc bẽ bàng cùng một niềm tin tan vỡ. Tương lai tôi chắc có lẽ thế là đi tong. 

Tôi không chịu đựng sự bạo hành hay xúc phạm, nhưng chỉ câu nói hoài nghi và ánh mắt đầy phán xét khi ấy của cô giáo cũng đã để lại trong lòng một đứa trẻ mới lớn một sự hoang mang về chính bản thân mình. 

Câu chuyện về cách hành xử của giáo viên với học sinh không mới, hầu như bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đã từng trải qua không chỉ một lần. Đó có thể là thái độ lạnh nhạt, những lời nói từ ẩn ý đến mắng mỏ, hoặc thậm chí là những hành động. Tôi sẽ đưa thêm vào danh sách đó việc xé sách vở, vứt đồ của học sinh xuống đất rồi bắt nhặt lên. 

Dù tôi chưa trải qua, nhưng ngày hôm nay khi xem đoạn clip một cô giáo làm vậy với học sinh của mình, kèm theo đó là rất nhiều những chia sẻ của mọi người về việc đã từng có trải nghiệm đó trong quá khứ - tôi nghĩ hẳn đó cũng là một cách trút giận phổ biến của các giáo viên từ trước đến nay. 

Có rất nhiều những comment phía dưới cho rằng đó là một cách trừng trị đích đáng với học sinh hư, rằng họ đều đã từng trải qua việc đó thời đi học và thấy nó bình thường. Tôi cảm thấy… kinh ngạc. Bởi dù đã từng là một học sinh cũng cá biệt, bất cần và chống đối ra phết, tôi vẫn khó mà tưởng tượng nổi mình sẽ thấy bình thường nếu sách vở của mình bị xé tan tành và vứt xuống đất, để rồi tôi phải quỳ gối để nhặt chúng lên trong ánh mắt ái ngại của bạn bè.

 - Ảnh 2.

Không có một clip dài hơn để chúng ta hiểu chuyện gì đang xảy ra trong đoạn clip xé sách vở đó, nhưng có thể hiểu là học sinh nọ đã vi phạm một lỗi sai và phải hứng chịu cơn giận dữ của người giáo viên. Ai đó sẽ nói rằng việc phải đối mặt với những học sinh bất trị là thứ thử thách sự kiên nhẫn của con người, và đâu phải lúc nào giáo viên cũng có thể đóng vai bà tiên, ông bụt để nhẹ nhàng uốn nắn? Chẳng lẽ, ở vị trí đó, những người làm thầy cô không được quyền nổi giận? 

Dĩ nhiên là giáo viên có quyền nổi giận. Chúng ta đều là con người và có những cảm xúc như vậy là điều dễ hiểu. Nhưng giới hạn của những cơn giận và hình phạt kỷ luật ở đây là gì? Khi nhiều giáo viên lấy chính những cơn giận dữ đó làm nguyên liệu để trừng phạt học sinh của mình, thay vì tìm cách để bảo ban và định hướng. Với vị trí người dạy dỗ,họ nghĩ rằng điều đó là cần thiết, và mình có quyền được làm vậy. 

Và điều đó khiến không ít giáo viên đã tự biến mình thành người trừng phạt, khi họ vốn đã được trao cho cái quyền uốn nắn học sinh. Trong những giây phút mà cơn nóng giận được dồn lên đỉnh điểm, sẽ có người quên mất mình đang ở vị trí của một nhà giáo mang trách nhiệm dạy dỗ, mà trở thành sang một người lớn giận dữ đang tìm cách trừng phạt một đứa nhỏ cứng đầu. Những hành động tiêu cực ấy khó mà nói được là sự nghiêm khắc để mong học trò tốt hơn, mà chỉ đơn thuần là xả một cơn giận và chà đạp cảm xúc lên một đứa trẻ đang ở thế bị động. 

Nếu ai đó nói phải có những hình phạt như vậy mới rèn giũa được học sinh hư. Và nếu không trừng phạt, người học sinh có thể sẽ “trèo lên đầu lên cổ” giáo viên đến mức nào? Nhưng chẳng lẽ giáo viên ngồi đó để đáp trả mọi thái độ của học sinh bằng một sự hằn học tương tự? Hãy nhớ, ở vị trí của một nhà giáo, thất bại nhất chính là dùng mọi hình phạt tiêu cực để dạy dỗ học trò của mình, bởi làm những việc đó rất dễ. Ở chiều ngược lại, sự gần gũi để trở thành một người bạn đúng nghĩa, lắng nghe, để từ đó cảm hóa và cho học sinh thêm động lực để thay đổi - lại khó hơn rất nhiều. 

 - Ảnh 3.

Ở vào độ tuổi non nớt và đang trong hành trình nhận thức về bản thân của các học sinh, việc người lớn làm sẽ góp phần xây dựng trực tiếp đến con người sau này chúng trở thành. Một thiếu niên sẽ cảm nhận điều gì về bản thân mình khi bị công khai xúc phạm trước mặt bạn bè? Một học sinh sẽ thấy ra sao nếu bị bắt ăn lại thức ăn mình vứt vào sọt rác? Hay như trường hợp của tôi, cô giáo sẽ dạy tôi tin vào giấc mơ của mình thế nào, học cách trở thành một người tốt hơn ra sao khi thẳng thừng ngoảnh mặt, quay lưng như thể tương lai tôi thế là coi như bỏ. 

Nếu như thầy cô không biết hay cố tình không biết, thì học sinh cũng đến trường với không ít những áp lực trên vai, chẳng thua gì người lớn. Áp lực điểm số, áp lực thành tích, áp lực phụ huynh,... liệu có bao nhiêu em sẽ chịu được thêm những cả những áp lực từ chính thầy cô giáo, những người lẽ ra nên ở đó để khích lệ và động viên, thay vì nạt nộ và trừng phạt? 

Sự tiêu cực trong cách hành xử của chính thầy cô giáo không phải là sự nghiêm khắc giúp các em tốt lên, mà lại là thứ có thể triệt tiêu mọi động lực của học sinh, khiến các em mất hết niềm tin vào bản thân mình, và đôi khi, có thể khiến các em tìm đến những cách đáp trả và xử lý tiêu cực. Hãy nhớ đến những câu chuyện buồn thời gian gần đây và xin đừng biến nhà trường thành một nơi gắn liền với những kỷ niệm tủi hổ của các em, để rồi lại có thêm những tiếng thở dài vì đâu đó, một học sinh đã bị chạm đến giới hạn của sự chịu đựng. 

 - Ảnh 4.

“Tiên học lễ, hậu học văn” - Chúng ta vẫn thường nhắc học sinh như vậy khi đến trường, rằng các em sẽ được ưu tiên học về nghĩa lý, về đạo làm người trước khi bước chân vào chinh phục kiến thức. Vậy những giáo viên đã và đang xúc phạm học sinh của mình đã thực sự ưu tiên việc dạy học bằng nghĩa lý của một người trưởng thành hay chưa?  

Điều hiển nhiên rằng khi đến trường, học sinh sẽ được dạy kiến thức để làm hành trang bước vào đời. Nhưng nói vậy chưa đủ, một đứa trẻ không thể trọn vẹn trưởng thành nếu thiếu đi niềm vui và sự tự tin vào giá trị của bản thân mình. Ở trường học, niềm tin vào bản thân là một thứ rất vô hình nếu đặt cạnh những giá trị có thể đo đếm được như kiến thức hay sự lễ độ. Nhưng nó lại rất quan trọng, bởi nó quyết định sự nỗ lực và thái độ của học sinh với cuộc sống. 

Niềm tin đó cũng là một thứ rất dễ bị ảnh hưởng, nhất là trong độ tuổi mong manh của các thanh thiếu niên. Chính vì thế, thầy cô giáo không chỉ là người dạy dỗ, giáo dục mà còn là người truyền đi cảm hứng và niềm tin. Không phải đứa trẻ nào cũng là đứa trẻ ngoan nhất, không phải học sinh nào cũng là học sinh giỏi nhất. Nhưng không đứa trẻ nào là không xứng đáng với việc được tin rằng mình có thể thành công và hạnh phúc. Và thầy cô giáo sẽ là những người chắp cánh niềm tin ấy cho học sinh chứ không phải tước nó đi bằng những cơn trút giận và sự ghẻ lạnh. Bởi tôi nghĩ, đó mới thực sự là ý nghĩa cao cả của nghề giáo.

Quay trở lại cái ngày cô giáo dạy văn bỏ tôi lại giữa sân trường với một tâm trạng bẽ bàng và chưng hửng. Tôi không nghĩ cô giáo muốn làm tôi cảm thấy tệ. Cô chỉ không cân bằng được giữa cảm xúc cá nhân của một người lớn vốn chẳng ưa gì đứa nhỏ này, và trách nhiệm mang đầy tính định hướng của một người giáo viên khi đứng trước một học sinh hư.  

 - Ảnh 5.

Mùa hè năm ấy, tôi vẫn quyết tâm thi chuyên Văn trường Chu Văn An để rồi trượt thẳng cẳng - đúng như cô dự đoán. Nhưng khi viết những dòng này và thật sự đã kiếm được tiền từ những câu chữ của mình trong suốt mười mấy năm qua, tôi mừng là mình đã không để sự thất vọng để chiếm lấy bản thân mình quá lâu và tiếp tục công việc mà tôi nghĩ mình làm tốt nhất. 

Biết rằng rất khó để yêu cầu các giáo viên phải yêu mọi học sinh của mình và cư xử với chúng một cách dễ mến mọi lúc. Nhưng nếu không thể làm được điều đó, các giáo viên cũng đừng bọc những cảm xúc tiêu cực của trong lớp vỏ nghiêm khắc và rèn giữa, để rồi khiến học sinh phải tự ghét và chối bỏ chính mình. 

Bởi với học sinh, hơn mọi sự trừng phạt hay kỷ luật, việc mất niềm tin và bị hạ thấp giá trị bản thân còn khủng khiếp hơn rất nhiều lần. 

Chia sẻ