Vợ trẻ nghẹn đắng khi nghe chồng lên kế hoạch chi tiêu ngày Tết, một nửa chữ "ngoại" cũng không có
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp năm hết Tết đến là vợ chồng Vân lại lục đục, chung quy cũng chỉ vì chuyện tiền tiêu Tết.
Những ngày này, đi đâu cũng thấy người ta bàn chuyện Tết nhất nhưng nhà Vân thì im ắng, lạnh tanh. Mà có âm thanh trong nhà thì cũng là tiếng cãi nhau của hai vợ chồng và tiếng khóc của con chứ chẳng vui vẻ gì. Những lần trước cô đều chủ động làm lành nhưng lần này tuyệt đối không, mặc kệ cho anh muốn ra sao thì ra, cô mệt mỏi quá rồi.
Vân và chồng đều là dân tỉnh lẻ ra thành phố học rồi ở lại lập nghiệp. Gia đình 2 bên cũng không phải khá giả gì nên chẳng giúp đỡ được nhiều. Vì vậy mà dù vợ chồng có công ăn việc làm ổn định nhưng có hàng nghìn thứ phải chi nên không đâu vào đâu. Tiền lương tháng nào hết luôn tháng đấy, lâu lâu dư vài triệu là cô đã mừng muốn khóc rồi.
Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm đó cũng chẳng mấy chốc mà bốc hơi theo những lần ốm của con hay ông bà nội ngoại sửa chữa cái này, cái nọ ở quê. Cho nên dù đã lấy nhau cả gần chục năm, vợ chồng vẫn phải ở nhà thuê trong khi con cái ngày một lớn. Vậy mà chồng Vân chẳng chịu suy nghĩ hay chia sẻ với những nỗi lo của vợ. Bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất là cứ mỗi dịp năm hết Tết đến như thế này.
(Ảnh minh họa)
Từ ngày lấy chồng đến nay, chưa có Tết năm nào Vân dám mạnh dạn sắm một bộ quần áo mới hay làm kiểu tóc mới để chưng diện như người ta. Trong khi đó chồng thì hoàn toàn ngược lại. Vì muốn xuất hiện thật bảnh khi về quê, anh tự đi mua quần áo mới, điện thoại mới cho mình mà chẳng hỏi han vợ con lấy một câu.
Năm nay cũng vậy, chồng Vân bảo với vợ: "Tết năm nay vợ chồng mình biếu ông bà nội 10 triệu nhé! Quà cáp các thứ em cũng chuẩn bị đầy đủ đi. Các cháu thì lì xì mỗi đứa một phong bao ít nhất là 100 nghìn, các bậc ông bà thì 200 nghìn trở lên". Tuyệt nhiên trong những câu nói của chồng, anh chẳng thèm đếm xỉa gì đến nhà ngoại.
Nghe chồng nói vậy, Vân không buồn trả lời nữa luôn bởi năm nào cũng vậy. Nhiều lần cô đã góp ý nhưng chồng vẫn không chịu thay đổi mà còn nói: "Em hay nhỉ? Làm cả năm cả tháng, tiêu 3 ngày Tết. Lúc nào cũng chỉ tiết kiệm mà không biết tiêu thì bao giờ mới sướng được?".
Hóa ra chồng chưa từng một phút nào đồng cảm với những lo toan của Vân. Không phải là người tính toán chi tiêu trong nhà nên anh chẳng biết phải tiết kiệm gì cả. Cứ cái đà này thì bao giờ mới mua được nhà, bao giờ mới có chút tiền để lo cho con cái sau này?
(Ảnh minh họa)
Vân nhẹ nhàng phân tích thì chồng đuối lý quát cô lớn hơn. Anh bảo biếu thêm chút quà hay mừng tuổi nhiều thì người đẹp mặt cũng là cô chứ ai vào đây. Nhưng cô nghĩ đâu phải cứ quà to, tiền nhiều mới là dâu hiền vợ thảo. Từ trước đến nay, cô vẫn một mực lễ phép, hiếu thảo với bố mẹ chồng chồng, Tết nhất vẫn quà cáp đầy đủ. Nhưng chưa có nhiều thì quà ít, chắc chắn chắn bố mẹ cũng thông cảm, tại sao anh cứ phải làm màu thế làm gì nhỉ?
Cứ như thế, gần chục năm qua, mỗi dịp Tết đến là nỗi lo trong lòng Vân càng lớn, đến mức cô chẳng muốn bàn bạc gì thêm với chồng nữa. Cô thấy quá mệt mỏi với cách chồng tiêu tiền, mệt mỏi với cuộc sống gia đình ngột ngạt này. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài thì có lẽ ngày mai cô sẽ gọi điện xin phép cho mẹ con cô về ngoại ăn Tết. Còn chồng muốn làm gì thì làm, cô chán cái cảnh này lắm rồi.