Vô tình gặp đồng nghiệp mua đồ ăn, có nên thanh toán giúp không? Câu trả lời sẽ giúp bạn tỏ tường, hành xử chuẩn mực
Tình huống tưởng như vô cùng bình thường, nhưng khiến không ít người phải đau đáu, để lại nhiều khúc mắc.
“Vô tình gặp đồng nghiệp mua đồ ăn sáng, mình có nên thanh toán giúp chị ấy luôn không?”.
Trên thực tế, đổi ngược lại, “để họ trả tiền giúp bạn” càng có lợi cho mối quan hệ của đôi bên hơn!
Trong quan hệ giữa người với người, giúp nhau những việc nhỏ nhặt là chuyện thường tình. Nhưng tạo dựng niềm tin và tần số tiếp xúc lại quan trọng hơn cả.
Thế nào là tạo dựng niềm tin?
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta giao tiếp với nhau hầu hết đều là những chuyện vụn vặt, không quan trọng. Lấy hàng online, mua ly nước hay bữa ăn giúp đồng nghiệp đều có thể khiến mối quan hệ đôi bên trở nên khăng khít hơn.
Thế nhưng nếu bạn giúp họ chi trả những loại tiền này, hảo cảm không thấy đâu, mà ngược lại còn mang đến sự ngại ngùng. Thậm chí sự hào phóng của bạn sẽ tạo nên gánh nặng trong lòng với những người không muốn nợ ai bất kỳ điều gì.
Trong xã hội thời nay, đa số chúng ta đều có tâm lý phòng bị. Vướng cái ân nghĩa nhỏ trong tình huống không cần thiết thường khiến con người có xu hướng phán đoán đối phương có ý đồ, sau đó cảm thấy đã nợ họ một phần nhân tình.
Kiểu tâm lý này sẽ diễn biến theo hướng tiêu cực, khiến chúng ta cảm thấy khó chịu trong lòng. Mặc dù chúng ta không thể hiểu rõ cảm xúc về vấn đề này chính xác là gì, nhưng ấn tượng về đối phương đã không còn tốt như trước.
Vì bản thân chúng ta hoàn toàn có thể làm được những chuyện này, căn bản không cần nhờ vả đến người khác.
Đổi một góc độ khác, nếu chúng ta là người chủ động giúp đỡ, cho đi phần tiền nhỏ… thì bản thân sẽ cảm thấy vô cùng vui vẻ, sảng khoái. Tâm lý thời điểm đó chính là: “Mình đã làm một chuyện tốt”, “Chủ động trả tiền bữa sáng, chắc chị ấy vui lắm và cảm thấy mình rất tốt bụng”...
Điều này cũng giống như bạn giúp cụ già qua đường, lấy giúp em nhỏ quả bóng bay bị vướng trên cành cây cao vậy!
Đằng sau hiện tượng này là chuỗi tâm lý mà bạn không hề nhận ra. Bạn sẽ cảm thấy bản thân đã chiếm thế chủ động trong quan hệ đôi bên. Đối phương vì cảm kích bạn mà phải bày tỏ sự hòa nhã, nhún nhường hơn. Từ đó, tiềm thức của bạn sẽ thả lỏng, càng tin tưởng đối phương.
Nếu sau đó họ bắt đầu lấy lòng, làm những hành động bày tỏ thiện ý, bạn cũng tiếp nhận một cách thoải mái hơn. Giống như em nhỏ tặng cho bạn viên kẹo vì bạn đã lấy giúp quả bóng bay trên cao.
Nhưng nếu em nhỏ đó hoàn toàn xa lạ, hoặc chỉ là quen biết bình thường bỗng dừng tặng bạn cây kẹo thì sao? Bạn có đột nhiên cảm thấy sợ hãi, dựng lên bức tường phòng bị không? Đó là cảm giác của người khi được bạn chủ động trả tiền thay họ vô cớ đấy!
Hãy để đối phương là người thanh toán giúp mình
Quay lại câu hỏi trên, nếu bạn muốn quan hệ với đồng nghiệp kia trở nên tốt đẹp hơn, thì trong trường hợp bắt gặp họ ở nơi mua đồ ăn sáng, hãy chào hỏi một cách tự nhiên rồi đứng phía sau hoặc bên cạnh họ. Sau đó, bạn có thể nói: “Tính tiền chung luôn đi, chốc nữa em sẽ trả lại cho chị”.
Có lẽ một số người sẽ khó chịu khi phải trả tiền giúp bạn. Nhưng rất nhanh sau đó, khi bạn gửi tiền lại cho họ và nói tiếng cảm ơn, diễn biến tâm lý của đối phương sẽ là: Từ “lo lắng” chuyển thành “thả lỏng”. Đồng thời, họ cũng sẽ có thêm hảo cảm và sự tin tưởng đối với bạn.
Trên thực tế, quan hệ giữa con người là quá trình trao đổi giá trị. Vì đôi bên đã hoàn thành xong một giao dịch, chứng minh mức độ đáng tin của bạn.
Vậy làm thế nào nếu đối phương một mực không nhận tiền trả lại của bạn?
Họ sẽ nói: “Không cần đâu, chị mời em. Hôm sau em mời lại chị là được”...
Như thế cũng rất tốt vì bạn lại có thêm cơ hội để tiếp xúc với họ. Quan hệ sẽ tiến triển khăng khít nếu tần suất giao tiếp tăng lên. Vì sao chúng ta dễ kết thân với bạn học hoặc đồng nghiệp hơn người lạ? Chìa khóa chính là tần suất giao tiếp.
Họ không nhận tiền của bạn, cũng là cơ hội để có thêm lý do và cơ hội để giao tiếp với nhau nhiều hơn. Theo đó, tiện thể mua giúp đồ ăn trưa, hay xuống lầu lấy giúp hàng mua online… cũng là việc bạn có thể làm cho họ.
Vô tình gặp đồng nghiệp ở quán đồ ăn sáng, nên mời họ một bữa hay không? Tình huống tưởng như vô cùng bình thường, nhưng khiến không ít người phải đau đáu, để lại nhiều khúc mắc.
Hãy làm theo cách tư duy và con tim của bạn. Hành động phụ thuộc vào mối quan hệ giữa đôi bên và tần suất chạm mặt với nhau.
(Nguồn: Zhihu)