Vợ đoảng, chồng phát sợ ngày lễ!

,
Chia sẻ

Nghỉ lễ 30/4- 1/5 là dịp để cho vợ chồng chăm sóc lẫn nhau. Vậy mà có không ít cặp vợ chồng lại nảy sinh xích mích đáng tiếc vì vợ đoảng, còn chồng thì nóng tính.

“Vợ như cô thì thuê ô sin còn hơn”!

Tính anh Nam (Kiến trúc sư) là người khá khắt khe. Theo cách nhìn của chị Ly thì chồng kỹ tính và gia trưởng. Anh Nam cũng chả hiểu sao với tính cách của mình như vậy lại lấy một người vợ cẩu thả, vô tâm như chị Ly làm vợ.

Sống với nhau ngót ngét đã hơn chục năm nay rồi mà anh Nam vẫn không sao sửa được tính vợ. Chị Ly vẫn cái tật làm đâu để đấy, rồi bày biện lung tung. Anh Nam cáu gắt bao nhiêu cũng chả khác nào “nước đổ lá khoai”. Bao nhiêu lần vợ rút kinh nghiệm mà vẫn đâu vào đấy.

Nhưng mọi sự chỉ thực sự bùng nổ giữa hai vợ chồng ở những ngày nghỉ. Ngay sáng 30 tháng 4, anh Nam đã gọi vợ dậy rõ sớm để giao “nhiệm vụ”. Nhìn nhà cửa bộn bề, bồn tắm thì toàn tóc tai rụng tùm lum, quần áo bày biện lung tung, chỗ này một cái, chỗ kia lại một cái treo lủng lẳng…
 
Vợ cứ bày biện báo hại chồng phải dọn dẹp cả ngày (ảnh minh họa)

Thấy ngứa mắt nên anh Nam đâm cáu. Nhà người ta thì thường là chồng con bày biện, vợ dọn dẹp. Còn nhà anh thì “đổi ngôi”, vợ cứ ra sức xuề xòa, cẩu thả, báo hại chồng phải lo thu vén.

Ngày nào cũng phải giải quyết “bãi chiến trường” trong nhà tắm, phòng ngủ nên anh Nam phờ phạc cả người. Anh quá mệt mỏi mỗi lần nhìn lại mái ấm của mình. Nhất là vợ anh vẫn cang cường không chịu sửa chữa, cứ thích làm theo ý mình, nếu chồng giận thì bỏ vể nhà mẹ đẻ.

Tận tay anh Nam đã phải kéo vợ vào nhà tắm để nhìn cho đến chỉ tay vào đống quần áo ngâm trong chậu hai ngày nay chưa giặt đã bốc mùi hôi thối. Thấy khó chịu và tự ái trong lòng, chị Ly làm cao, vẫn cương quyết, tỏ thái độ ương nghạnh với chồng để đấy, không chịu đụng tay vào.

Nóng gáy, anh Nam bắt đầu làm um lên. Anh yêu cầu vợ phải dọn dẹp nhà cửa, lau bồn cầu, thu dọn quần áo lại trong tủ đựng ngay trong ngày. Còn chị Ly lại cho rằng như vậy là mạt sát vợ, là hành hạ vợ.

Không làm gì được, anh Nam lớn tiếng: “Vợ người ta thì biết vun vén cho gia đình. Còn cô thì tôi thấy chả thuộc thể loại nào cả. Đến nhà bạn bè cô mà xem, mà không cần xa xôi, đến nhà chị gái cô mà học tập người ta sống như thế nào?”
 
"Lấy vợ như cô thì thà thuê ô sin còn hơn" (ảnh minh họa)

-   “Anh đừng có giở cái giọng ấy ra. Tôi chỉ được có như vậy thôi, ai bảo anh không đi tìm cái người hợp với anh mà làm vợ. Tôi cũng chịu hết nổi rồi. Anh tưởng mình tốt đẹp lắm sao?”, chị Ly chống đối.

Thế là hai vợ chồng tha hồ lên giọng với nhau. Đỉnh điểm là lúc anh Nam “tẩn” vào mặt vợ một cái tát: “Lấy vợ như cô thì thà thuê ô sin về còn hơn”.

Nghe xong câu nói của chồng và vì phải nhận cái tát trời giáng, chị Ly đã quyết định sống ly thân một thời gian.

Ngày nghỉ vẫn “kí gửi” ở hàng quán

Bình thường thì vợ chồng đi làm, tối mới gặp nhau ở bữa tối. Thế nên anh Hưng (Kỹ sư xây dựng) cũng đỡ mệt với cái “loa phóng thanh” của vợ. Nhưng còn ngày nghỉ thì phải chạm mặt nhau chan chát, có muốn đi nhậu nhẹt với bạn bè cũng phải xin phép vợ phát “ốm”.

Nào là phải về sớm, về trước mấy giờ, ngày nghỉ nên đưa vợ đi siêu thị, nấu ăn giúp vợ và có hàng trăm việc dành cho người chồng như anh trong ngày nghỉ.

Vốn xưa nay anh Hưng rất “ớn”, nói đúng hơn là anh mắc bệnh dị ứng kinh niên với ngày nghỉ nên dịp 30/4- 1/5 năm nay lại càng khiến anh “sốt” cao hơn. Nhất là trước đó, vợ anh đã “khoán trắng” cho anh cái nhiệm vụ trông nom con.

Anh Hưng nhìn vợ nói năng như dân "chợ búa" (ảnh minh họa)

Không “lách” được vợ, anh Hưng đành ngậm ngùi chấp nhận cái nhiệm vụ cao cả ấy cho êm cửa ấm nhà. Anh ước gì đừng có ngày nghỉ để đỡ khổ thân anh.

Vợ cứ đi tối ngày, mặc chồng lo liệu với đứa nhỏ 3 tuổi nghịch ngợm không ai chịu được. Đến khi về nhà, thấy chồng làm sai điều gì là chị Thảo lại cáu gắt và bắt đầu “giảng bài cho học sinh”.

Anh Hưng thộn mặt ra nhìn vợ vừa giống bà bán cá ngoài chợ lại vừa giống con mẹ hàng lươn, ăn nói toàn giọng “chợ búa” và “cá mè một lứa” với chồng.

Nhất là chị Thảo còn làm căng hơn khi cho chồng tự lo cơm nước trong mấy ngày nghỉ để “nếm mùi” khổ sở của người vợ. Thú thực, vốn đã “kị” ngày nghỉ lâu nay, đến lúc này, anh Hưng mới thực sự thấm thía và thèm một người vợ biết điều và đảm đang.

Còn anh Hải (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng có nỗi khổ của mình. Ngày bình thường, những bữa cơm gia đình vốn đã thưa nhặt, ít ỏi. Mấy ngày nghỉ tưởng được ở nhà ăn cơm vợ nấu cho đỡ xót cái dạ dày. Vậy mà thành ra cuối cùng thì bố con anh vẫn phải “kí gửi” ở quán hàng.

Vợ bận đi bù khú với bạn bè nên dặn dò chồng con chịu khó “cơm hàng cháo chợ” tạm bợ. Ngày 30 tháng 4 thì tạm ổn. Nhưng đến ngày 1/5 thì bắt đầu có chuyện. Đó là khi anh Hải đã dậm chân, tỏ thái độ khó chịu với vợ. Còn chị Thúy lại cứ “nhơn nhơn” như muốn trêu tức chồng.

Lời qua tiếng lại không biết thế nào mà hai vợ chồng lại nhảy bổ vào kể tội nhau, đem những tật xấu thường nhật ra để mỉa mai, nhạo báng. Chồng chê vợ vừa không biết lo toan cho gia đình, lúc nào cũng ham vui, bỏ bê chồng con. Còn vợ lầm lũi bảo chồng vô dụng, đem tiền về ít lại còn bày đặt làm cao…

Vợ ơi! Chồng thèm những bữa cơm vào ngày nghỉ biết bao nhiêu (ảnh minh họa)
 
Thành ra ngày nghỉ mà hai vợ chồng lại thi nhau xem ai “giọng tốt hơn”. Nghiêm trọng hơn là hai người đã bắt đầu xúc phạm nhau. Những chuyện từ ngày xửa ngày xưa đều bị lật lại để đôi co thắng bại. Chả còn tôn trọng nhau nữa, cả hai đều cố gắng nói cho “sướng” mồm, cho bõ tức.

Từ chuyện ngày nghỉ, muốn ăn cơm vợ nấu thành ra lại “chiến nhau” vô lý, anh Hải mệt nhoài vì thấy chả được lợi lộc gì cả, cơm vẫn không được ăn mà lại bị ăn những cú ấm ức của vợ dành tặng.

Còn chị Thúy cũng lạnh tanh, khóc sướt mướt cả ngày. Không biết cuộc chiến giữa hai vợ chồng đến khi nào mới chấm dứt nếu như đứa con không khóc òa lên vì sợ.

Thực tế, “cái bát còn xát nhau” huống hồ con người. Những ngày nghỉ, thay vì la mắng, làm tổn thương nhau, hãy dành cho bạn đời những giây phút thoải mái bên những bữa cơm đầm ấm của gia đình.

Đừng để chồng “sợ” ngày nghỉ là lời khuyên dành cho các bà vợ.
 
Theo Eva
Chia sẻ