Vợ cũ của chồng biến thành... ô sin trong nhà

Theo DatViet,
Chia sẻ

Tôi vừa đặt chân tới cửa đã sững người khi nhận ra ô sin chính là vợ cũ của anh. Mẹ chồng thuê cô ta để rắp tâm chia rẽ chúng tôi, rồi nối lại duyên xưa cho họ.

Chúng tôi đến với nhau khi cả hai đã trải qua một lần đò. Anh hơn tôi 6 tuổi và có con gái riêng. Con bé ở với mẹ. Còn tôi, tuy kết hôn lần hai nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên mới chỉ dừng ở mức hai nhà tiến hành các thủ tục vu quy, chứ chưa tổ chức cỗ bàn linh đình. Tôi và người cũ định dành dụm đủ tiền rồi mới chính thức mời họ hàng, bè bạn tới chung vui. Nhưng ai ngờ, tiền mới kiếm được non nửa, anh ta đã lăng nhăng với người đàn bà khác. Tôi quyết định ly hôn, chấm dứt cuộc sống với gã đàn ông bội bạc.

Mẹ chồng tôi cũng biết rõ việc này, những tưởng bà sẽ thêm phần thấu hiểu, cảm thông, ai ngờ cách cư xử của mẹ với tôi rất kỳ quái, tỏ ý khinh miệt ra mặt. Thậm chí, cụ thích dằn vặt con dâu về chuyện quá khứ. Bà tự coi mình như thánh tướng trong nhà, phán gì là con cái phải răm rắp nghe theo. Biết vậy, chồng tôi chỉ còn cách động viên vợ: “Mẹ rất tốt tính, chỉ là chưa chấp nhận em thôi, em đừng để bụng”. Anh nói thì dễ lắm, nhưng sao tôi thấy khó vô vàn khi đem những suy nghĩ ấy áp dụng vào thực tế. Tôi chỉ có thể dằn lòng, dằn mình để làm một nàng dâu ngoan ngoãn.

Đã nhiều lần, tôi thấy mẹ thường hay nhắc tới người con dâu đầu tiên, tức vợ cũ của chồng tôi với thái độ tiếc nuối, trân trọng. “Con bé quả đúng là hiền thục, nết na. Nó luôn biết chăm sóc, đối xử chu đáo với mẹ chồng”, bà hết lời ca tụng. Tôi hiểu, mục đích chính của mẹ là muốn so sánh người phụ nữ ấy với tôi. Tôi uất lắm, nhiều lúc chỉ muốn phá lệ, xổ ra một tràng cho bõ tức. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, con trai bà cũng kết hôn hai lần, đâu có gì hơn mà cứ miệt thị, khinh ghét tôi tới vậy.
 
Sự áp bức của bà càng lớn, nỗi bực dọc, uất ức trong tôi càng trào lên tận họng. Có lần, tôi cãi lại, bà giận dỗi khóa trái cửa phòng, không ăn không uống, thi gan với con cái. Chồng tôi bất lực vì không khuyên nổi mẹ, cuối cùng, tôi phải xuống nước, ngoan ngoãn nhận lỗi về mình. Sáng hôm sau, bà dậy sớm, lục đục làm cơm, nhưng không thèm chuẩn bị thức ăn cho tôi với lý do lãng xẹt: “Muốn ăn thì cô hãy tự mình chuẩn bị!”. Chồng tôi bối rối khó xử vì cách hành xử của mẹ, nên nhanh chân lao ra khỏi cửa với lý do bận bịu, nhường phần ăn sáng cho vợ.
 
Anh ấy đi rồi, còn lại tôi và mẹ. Gặp trường hợp tương tự, chắc nhiều người cũng phải ấm ức như tôi, còn bụng dạ đâu để ăn uống. Tới chiều, chồng tôi thông báo, mẹ vừa gọi điện cho anh về chuyện thuê ô sin. Anh hỏi ý kiến tôi, nhưng một khi “thánh sống” trong nhà đã quyết như vậy, tôi có bày tỏ quan điểm cũng chẳng xoay chuyển được gì. Chồng tôi hiểu chuyện, chỉ nhỏ nhẹ động viên: “Anh tin quan hệ giữa hai mẹ con sẽ sớm tốt đẹp”.
 

Tôi về sớm hơn chồng độ một tiếng. Vừa đặt chân tới cửa, tôi đã thấy mẹ chồng đon đả trò chuyện với ô sin mới. Nhưng người phụ nữ ấy đâu hề xa lạ. Tôi choáng váng khi nhận ra, người ấy chính là người vợ cũ của chồng mình.

Tới tối, khi đi làm về, chồng tôi cũng cảm thấy quyết định của mẹ thật quá lố. Tôi nghe rõ mồn một từng câu từng lời của anh với mẹ: “Con đã ly hôn với cô ta, sao mẹ còn mời cô ấy tới nhà mình?”. Bà đáp: “Con bé hiểu rõ tập tính sinh hoạt của mẹ con mình, hơn nữa, làm vậy sẽ giúp hai đứa được gặp nhau nhiều hơn. Mẹ đã nói chuyện rõ ràng với nó rồi, về sau cứ mang con bé về chơi, để mẹ được ôm ấp cháu nội mình”. Hóa ra là thế, vì không ưa tôi, nên bà mới lôi kéo con dâu cũ về nhà, giúp hai người họ có cơ hội tái hôn. Nhưng bà đâu hiểu, chồng tôi quyết định chấm dứt tình cảm là vì tính cách hai người không hòa hợp.

Tuy nhiên, tôi cũng chẳng có cách gì đối phó, nên đành phó thác cho ông chồng. Cực chẳng đã, anh bèn mời cô ta ăn cơm, nói chuyện đàng hoàng. Ba người chúng tôi gặp nhau trong tình cảnh oái oăm như thế. Ai cũng thấy ngại ngùng, khó xử. Nhưng tôi nghĩ, cô ta chắc chắn vẫn còn tình cảm với chồng tôi, nên muốn vin vào chuyện này để gần gũi, nối lại quan hệ. Lạnh lùng và dứt khoát, anh tuyên bố với vợ cũ: “Tôi sẽ gửi tiền nuôi con đúng hạn, còn những cái khác, tôi không thể đáp ứng. Cuộc sống hiện tại đã không còn như xưa”. Cô ta không ăn, chỉ nói gọn lỏn một câu: “Tôi sẽ không làm phiền cuộc sống của các người”, rồi bỏ đi.

Hôm sau, mẹ chồng mặt buồn rười rượi thông báo ô sin đổ bệnh, không đến. Hai vợ chồng tôi bấm bụng cười thầm, nhưng vẫn giả bộ ngạc nhiên.

Mỗi lần nhớ tới chuyện ấy, tôi vẫn thấy ớn sợ ý đồ của mẹ chồng. Bà định sắp xếp chuyện tái hôn cho con trai, rồi mai này, có khi còn lôi kéo người phụ nữ khác về làm dâu. Tôi đâu trách mẹ vì những chuyện đã qua, nhưng trong tận đáy lòng mình, tôi chỉ mong bà nhìn nhận và chấp thuận tôi là một nàng dâu đường đường chính chính, chỉ mong mẹ hiểu và thông cảm cho con cái để gia đình được ấm êm, hạnh phúc.

Lời tư vấn:
 
Giải pháp tối ưu hiện nay để giữ lửa gia đình là hãy mau chóng sinh con. Có cháu nội mới, mẹ chồng sẽ bớt gay gắt, hằn học với bạn. Đứa trẻ sẽ giúp không khí gia đình trở nên hài hòa, ấm áp. Bạn đã suy nghĩ rất đúng khi không chấp nhặt những chuyện đã qua. Quá khứ chỉ là quá khứ, quan trọng là biết sống cho hiện tại và tương lai.

Vì vậy, mong bạn hãy cứ giữ tròn bổn phận của một nàng dâu hiền vợ đảm. Mẹ chồng dù khó tính và khắt khe tới mấy, rồi cũng sẽ xiêu lòng trước một cô con dâu biết điều và khôn khéo như vậy. Đừng quên, hãy chia sẻ mọi điều với chồng trên tinh thần xây dựng, để cả hai cùng tìm ra sáng kiến tuyệt vời như vụ xử lý ô sin vừa qua, giúp gia đình luôn hòa thuận.
Chia sẻ