Vợ chồng “nhạt”

Cẩm Vân,
Chia sẻ

Không có trách nhiệm và ý thức, tình yêu dù mặn nồng đến mấy rồi cũng sẽ “nhạt nhẽo” đến mức chán chường!

Hôn nhân là cái kết tốt đẹp của tình yêu, nhưng ngược lại nếu chỉ có tình yêu thôi thì là chưa đủ để duy trì hôn nhân, mà còn cần đến trách nhiệm và ý thức của mỗi người để vun đắp cuộc hôn nhân bền vững. Không có trách nhiệm và ý thức, tình yêu dù mặn nồng đến mấy rồi cũng sẽ “nhạt nhẽo” đến mức chán chường!

Hôn nhân khiến người ta thay đổi cách nhìn nhận về nửa còn lại…

Ngàn (Thanh Trì, Hà Nội) vừa bước vào cuộc hôn nhân với Thành chưa lâu, nhưng đã không khỏi ngạc nhiên vì khám phá ra con người thật của chồng. Khác xa với thời còn tìm hiểu nhau, Thành tỏ ra là một chàng trai chỉn chu, chỉ chú tâm vào công việc, thì chỉ sau ngày cưới được một tuần, Thành thường xuyên đi làm từ sáng tới tối khuya mới về. Có hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời “công việc bận rộn” khiến Ngàn không khỏi nghi ngờ. Tìm hiểu kỹ, Ngàn mới vỡ lẽ, Thành có sở thích đặc biệt là thường xuyên tụ tập cùng bạn bè, tán phét và nhậu nhẹt bù khú bên ngoài. Xem ra dù đã có vợ, nhưng Thành vẫn sống cuộc sống của một “trai tân” đích thực. Chừng nào ý thức trách nhiệm về vai trò mới của mình trong cuộc sống hôn nhân với Thành cũng vẫn chỉ là con số “0” tròn trĩnh thì thói quen xấu kia Thành vẫn chưa thể bỏ.

Kiên, chồng Lan lại nhanh chóng bộc lộ là một người chồng gia trưởng, cục cằn đến không ngờ trong mắt Lan. Ngày chưa cưới anh mềm mỏm, chiều chuộng cô, cô nói sao anh nghe vậy, thì giờ đây, tiếng nói của Kiên trong gia đình là tối cao nhất. Mọi việc từ nhỏ đến lớn đều phải theo ý Kiên. Ban đầu Lan còn bất bình tranh luận “cho ra ngô ra khoai”, nhưng bây giờ Lan không còn đủ tự tin để lay chuyển chồng. Hoạ chăng chỉ là chuốc thêm ấm ức bực dọc. Hàng ngày, cô trút bầu tâm sự của mình trên những diễn đàn của những người vợ cũng có chồng gia trưởng như cô. Và trên những diễn đàn đó, người ta chẳng còn thấy tình yêu hiện hữu, mà chỉ có những than vãn, trách chê của những người vợ về mặt trái của hôn nhân.
 

“Chán chường” cuộc sống chung không như ý

Sáng nào Hải (một nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cũng đến cơ quan với gương mặt phờ phạc vì thiếu ngủ. Hỏi ra mới biết Hải đang trong thời kỳ chăm con nhỏ. Hai vợ chồng sống riêng, lại không có ông bà trợ giúp trong việc chăm bé, khiến Hải phải tất bật từ lúc đón con từ nhà trẻ tư nhân về đến khi cả nhà đều đã đi ngủ. Ấy vậy mà Đức- chồng Hải lại mắc phải bệnh “lười”. Anh chẳng những không giúp được vợ những việc nhỏ nhất như nấu cơm, trông con mà đến ngay những nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của bản thân cũng chẳng tự lo cho mình được. Có than thở với mẹ chồng thì Hải nhận được câu trách khéo: “Nó lấy con đâm ra lại vất vả chứ chả sướng nhỉ! Ở nhà với mẹ, chả bao giờ mẹ để mó tay vào việc nhà đâu, chỉ lo học hành thành tài thôi. Thế chồng con mới được như ngày nay”. Hải chỉ còn biết ôm nỗi chán chường, khắc khoải mong cho chóng qua khỏi giai đoạn con mọn.

Cùng chung tâm sự với Hải, với Huyền (một nhân viên lễ tân ở khách sạn HR, Hà Nội) thì càng sống chung, Huyền càng thấy có nhiều vấn đề khiến cô không hài lòng ở chồng. Cô tâm sự: “Công việc của mình đặc thù phải làm việc theo ca kíp, nên rất cần có sự hỗ trợ cũng như thông cảm từ chồng. Nhưng thú thực là chồng mình chỉ thông cảm được thời gian đầu sau ngày cưới. Còn đến giờ, cứ hễ mình ra khỏi nhà thì anh cũng đi miết tối ngày. Nhiều lúc đi làm về đến nhà lại phải xắn tay áo dọn dẹp nhà cửa, chồng thì đi mất hút đằng chồng, mình thấy cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt và đầy chán chường. Không biết đến khi có con rồi, anh có thay đổi được tính nết hay không nữa?”.

“Hâm nóng” tình cảm thất bại, việc ai nấy làm

Hạnh và Đạt lấy nhau đã gần 3 năm. Qua hết những khó khăn của thời kỳ con nhỏ, lúc nhìn lại mới thấy tình cảm dành cho nhau dường như chỉ còn là trách nhiệm. Những câu chuyện của họ chỉ đơn giản là những đối thoại ngắn ngủi xung quanh chủ đề con cái, và những cái gật đầu, lắc đầu, những câu trả lời “có/ không”. Không còn những cái ôm xiết, những lời nói dịu dàng, thậm chí Hạnh không còn nhớ lần cuối họ hôn nhau là khi nào nữa. Giật mình, Hạnh cố gắng “tút” lại sợi dây tình cảm giữa hai vợ chồng. Hạnh thay đổi bản thân, tân trang lại nhan sắc, chăm chút đến chồng hơn. Nhưng Đạt lại nghiễm nhiên đón nhận, mà chẳng có chút đáp lại.

Hạnh thất vọng, nhưng đâu biết rằng Đạt lại thấy thích cuộc sống lúc trước hơn, anh không thấy thoải mái khi vợ quan tâm theo kiểu quản lý chồng, không thoải mái khi vợ “tút tát” lại nhan sắc, trông thật không giống “mẹ của các con anh” tẹo nào, và cũng không thích khi vợ chăm chút mình như một đứa trẻ, khoác lên người mình quần áo mình không thích, đánh cho mình đôi giày bóng nhoáng, nhưng mình lại thích bụi bặm một tí. Đạt không chống đối nhưng thi thoảng anh lẻn đi làm sớm hơn để tránh bị vợ “nâng khăn sửa túi”, ép uổng này nọ. Công cuộc hâm nóng tình cảm thất bại, Hạnh chán nản trở về là “bà mẹ có hai con”, tâm lý chán chường khiến Hạnh chẳng còn hứng thú chăm chút đến tình cảm vợ chồng. Đạt thở phào thoát khỏi vòng kiềm toả nhất thời của vợ, tự do đi đây đi đó làm việc mình thích. Họ dường như có hai cuộc sống riêng, và chỉ là một khi có chúng- “hai đứa trẻ” là cầu nối của nghĩa vụ và trách nhiệm.

Chia sẻ