Vợ chồng hot TikToker xứ Nghệ chi 70 triệu mỗi tháng mở “Bếp ăn 0 đồng” giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Chỉ sau 6 tháng thực hiện dự án “Bếp ăn 0 đồng”, vợ chồng hot TikToker Tú - Huyền (Nghệ An) đã phát gần 14.000 suất cơm giúp đỡ bệnh nhân và dân nghèo xứ Nghệ.
Nhiều tháng nay, "Bếp ăn 0 đồng" (số 29 Lê Ninh, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An) là địa chỉ quen thuộc đối với dân nghèo xứ Nghệ. Khách tới quán hầu hết là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh (cơ sở 2) và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Được ăn cơm miễn phí với sự phục vụ ân cần, chu đáo khiến những người tìm đến sự giúp đỡ của cộng đồng cũng thấy ấm lòng.
Chủ Bếp ăn 0 đồng này là cặp vợ chồng hot TikToker "Tu Huyen Vlog", là Mai Tú (32 tuổi) và Trương Thị Huyền (30 tuổi). Vợ chồng Tú - Huyền là người khá nổi tiếng khi sở hữu kênh TikTok có 1,4 triệu lượt theo dõi, 40,2 triệu lượt thích.
Anh Tú chia sẻ, việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn là việc mà ai trong chúng ta cũng muốn làm. Thay vì lựa chọn đi từ thiện, trao quà ở các địa điểm như cách mà nhiều người vẫn thường làm thì vợ chồng anh Tú lại chọn cho mình một cách khác, một ý tưởng khá táo bạo nhưng anh tin chắc nó sẽ cực kì ý nghĩa và đem tới nhiều giá trị. Đó cũng là lý do dự án "Bếp ăn 0 đồng" ra đời.
Tháng 5/2023 "Bếp ăn 0 đồng" chính thức đi vào hoạt động, mục đích giúp đỡ những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn những suất ăn dinh dưỡng.
Để thực hiện dự án, thời gian đầu, vợ chồng anh Tú cũng gặp khó khăn ở việc đi tìm mặt bằng làm sao cho phù hợp với mục đích của quán. Phải mất đến vài tháng anh Tú mới tìm cho mình địa điểm thực sự phù hợp, nằm sát bệnh viện đa khoa TP Vinh (cơ sở 2).
“Lý do chúng tôi chọn địa điểm này để đặt Bếp ăn 0 đồng là vì bệnh viện ở đây hiện tại chưa có căng tin. Bệnh nhân mỗi lần đi mua đồ ăn phải đi 1,5-2km rất mệt và bất tiện. Thứ 2, mục tiêu phục vụ của chúng tôi hướng tới là đa số những bệnh nhân chạy thận. Đây là một căn bệnh hiểm nghèo, điều trị lâu dài và liên tục theo lịch trình cố định.
Tìm hiểu hoàn cảnh của họ, tôi mới thấy, bệnh nhân chạy thận ở đây 85-90% là người từ quê xuống thành phố điều trị, có những người đã ‘gắn bó’ với bệnh viện 6-7 năm và xem bệnh viện như “ngôi nhà thứ 2" của họ vậy. Bệnh nhân đa số là những người đã có tuổi, họ phải xa gia đình, thuê trọ để điều trị, duy trì sự sống. Họ sống lay lắt bên những người cùng chung số phận, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Có những cụ già không đi lại được, phải ngồi xe lăn. Con cháu đi làm ăn xa kiếm tiền nên một thân một mình, thực sự rất đáng thương. Có người vì sức khỏe yếu, hoàn cảnh khó khăn, đường sá xa xôi mà cả năm không thể về nhà”, anh Tú chia sẻ.
“Bếp ăn 0 đồng” mở cửa đón khách vào 10 giờ từ thứ 2, 3, 4, 5 hàng tuần. Bình quân mỗi ngày phát khoảng 110 suất cơm với đầy đủ các món mặn, xào, canh, táo tàu, trái cây tráng miệng… Các món ăn hàng ngày được thay đổi liên tục để phù hợp với sức khỏe cũng như nhu cầu người dân.
Bà Nguyễn Thị Như Huyền (62 tuổi, mẹ của anh Tú) chia sẻ, để thực hiện dự án này, vợ chồng anh Tú thuê mặt bằng sát bệnh viện với giá 6 triệu đồng/tháng cùng 2 nhân viên nấu nướng. Ngoài ra còn có sự đóng góp tích cực của các Thiện nguyện viên ghé quán rửa bát, chia phần, phát cơm...
“Tất cả thực phẩm của Bếp ăn 0 đồng được gia đình tôi mua rồi chế biến hết trong ngày chứ không để dư thừa hay tích trữ qua ngày hôm sau. Để có hàng trăm suất cơm phục vụ bà con đúng giờ, hàng ngày, tôi đi chợ từ 6 giờ sáng để mua thực phẩm rồi về cùng bắt tay vào công việc để kịp giờ phát cơm.
Khách ghé Bếp ăn cơm mỗi người một số phận nhưng đều có hoàn cảnh khó khăn, đau lâu ốm dài nên rất vất vả. Khách ghé quán rất từ tốn, lần lượt xếp hàng, đưa phiếu để nhận suất cơm của mình”, bà Như Huyền chia sẻ.
Suốt chặng đường thực hiện dự án, vợ chồng anh Tú luôn dành thời gian để tiếp xúc, hỏi thăm về cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, họ còn tiếp thu những ý kiến về bữa cơm của mình nấu có hợp khẩu vị, đủ ăn hay không để điều chỉnh cho phù hợp.
Chị Chu Thị Lợi (35 tuổi, trú xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) chạy thận tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh (cơ sở 2) đã 3 năm, chia sẻ: "Từ ngày được Bếp ăn 0 đồng giúp đỡ, tôi cũng như những anh chị em đang chạy thận vui mừng vì được nhận cơm miễn phí hàng ngày. Quán ở sát bệnh viện nên rất thuận tiện cho việc đi lại. Cơm nấu rất ngon, đủ chất, đổi món liên tục. Anh chị chủ Bếp cũng như mọi người phục vụ tại Bếp luôn thân thiện, tận tâm nên tôi phần nào giảm đi sự mặc cảm.
Với những bệnh nhân điều trị dài ngày như chúng tôi, suất cơm không chỉ là món ăn thôi mà còn đầy ắp tình người, thật đáng trân quý. Cũng nhờ những bữa cơm thế này, người bệnh khó khăn như chúng tôi giảm được phần nào gánh nặng cuộc sống, có thêm động lực, tiếp tục bám bệnh viện để duy trì sự sống".
Gia đình anh Tú, chị Huyền làm kinh doanh. Sau nhiều năm cố gắng, nỗ lực, có chút dư giả về kinh tế, ổn định cuộc sống, vợ chồng anh Tú muốn làm một điều gì đó ý nghĩa để trả ơn cho đời. Họ lên kế hoạch mở Bếp ăn từ thiện.
Để thực hiện được dự án này, vợ chồng anh Tú đã trích ra một quỹ riêng và không kêu gọi sự đóng góp của bất cứ đoàn thể hay cá nhân nào. Mọi kinh phí của Bếp ăn 0 đồng đều dựa trên nguồn tài chính của gia đình với khẩu hiệu "không nhận tiền ủng hộ".
“Như mọi người đã biết, những công việc Thiện nguyện nhận tiền ủng hộ gặp phải rất nhiều vấn đề không hay. Lúc mới bắt đầu có thể không sao nhưng tới lúc số tiền quá lớn thì liệu cái tâm mình có bị lung lay hay không thì không ai dám chắc cả. Đó là lý do Bếp ăn 0 đồng chỉ hoạt động dựa trên nguồn lực cá nhân của gia đình chứ không nhận tiền ủng hộ của bất cứ ai cả. Dù biết rằng một mình sẽ nặng nề hơn nhưng không sao cả, miễn là giúp đời, giúp người là chúng tôi vui rồi”, anh Tú chia sẻ.
Với những người đang ngày ngày làm công việc Thiện nguyện ngoài kia, theo anh Tú, một khi đã kêu gọi từ thiện thì mọi thứ cần công khai, rõ ràng tránh những rắc rối không cần thiết ảnh hưởng đến cái tâm thực sự của mình. “Nhiều khi không phải không muốn công khai hay minh bạch, nhưng một khi số tiền lớn lên thì việc kiểm soát, thống kê không hề dễ với những người không có chuyên môn quản lý tiền bạc. Trong trường hợp này tôi nghĩ mọi người có thể tham khảo ứng dụng Thiện nguyện của MBBank, mọi việc sao kê để công nghệ lo, chúng ta chỉ tập trung vào việc giúp đỡ mọi người, như thế đỡ mệt mỏi”, anh Tú chia sẻ.
Nền tảng Thiện nguyện của MBBank bao gồm hai cấu phần là Ứng dụng Thiện nguyện và Tài khoản thanh toán minh bạch. Ứng dụng Thiện nguyện cung cấp các tiện ích cho tổ chức/cá nhân gây quỹ và các nhà hảo tâm hướng đến các giá trị thuận tiện, kết nối, sáng tạo. Tài khoản Thiện nguyện minh bạch là tài khoản thanh toán tại ngân hàng MB, chỉ có 4 chữ số, dễ nhớ, đặc biệt tự động công khai sao kê, giúp cộng đồng tham gia giám sát và đồng hành.
Dù không nhận hỗ trợ bằng tiền, vợ chồng hot TikToker xứ Nghệ Tú - Huyền vẫn hoan nghênh những sự giúp đỡ bằng hiện vật của mọi người. Bếp ăn sẵn sàng nhận rau củ, gạo, gia vị… từ những người có lòng hảo tâm. Tuy nhiên, nếu đã cảm thấy đủ, anh Tú sẽ không nhận thêm để tránh việc không thể bảo quản tốt khiến thực phẩm bị hỏng gây lãng phí.
Bình quân mỗi tháng vợ chồng anh Tú chi cho Bếp ăn 0 đồng khoảng 70 triệu đồng. Suốt 6 tháng qua, Bếp đã phát gần 14.000 suất cơm với tổng chi phí trên 400 triệu đồng.
Cũng theo vợ chồng anh Tú, suốt quãng thời gian thực hiện dự án, Bếp ăn 0 đồng, vợ chồng anh gặp nhiều ánh mắt hoài nghi. Thậm chí, có người còn cho rằng nam Tiktoker đang cố ý câu view, câu like để bán hàng, có người còn yêu cầu công khai số tiền hỗ trợ cũng như chi tiêu cho Bếp ăn. Tuy vậy, anh Tú cho biết anh không phiền lòng về những sự hoài nghi hay phán xét của cộng đồng mạng.
“Khi thành lập Bếp ăn 0 đồng, tôi chấp nhận việc bị nhiều người chê bai, cho rằng đang làm màu, câu like, câu view để bán hàng. Tôi làm việc này chỉ để lan tỏa những điều tốt đẹp.
Như tôi đã nói, tất cả kinh phí của dự án Bếp ăn 0 đồng là của gia đình tôi tự bỏ tiền túi ra chứ không kêu gọi bất kỳ một sự hỗ trợ bằng tiền mặt từ tổ chức, cá nhân nào. Vậy nên chúng tôi không cần công khai. Làm việc thiện là tâm của mình, làm sao mình thấy vui, thấy ý nghĩa là được. Tôi thấy mình không làm gì sai cả nên không sợ người đời bàn tán, khen chê. Khi mở quán, tôi cũng làm video và chia sẻ thẳng thắn rằng, nếu tôi làm nổi mà tốt cho người, tốt cho đời thì tôi làm màu, làm nổi cả đời này cũng được”, anh Tú tâm sự.
Ngoài một số ý kiến trái chiều, Bếp ăn 0 đồng của vợ chồng Tú - Huyền đón nhận rất nhiều tình cảm từ phía người dân, cộng đồng mạng, đặc biệt là lao động nghèo và bệnh nhân điều trị lâu dài tại bệnh viện. Bên cạnh sự miệt mài với những bữa cơm cho những mảnh đời bất hạnh, gia đình anh Tú còn góp nhặt được những kỷ niệm đáng nhớ về tình yêu thương, giá trị cuộc sống.
“Những kỷ niệm đẹp trong suốt thời gian thực hiện dự án Bếp ăn 0 đồng thì nhiều lắm. Nhưng tôi nhớ nhất vẫn là ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 vừa rồi. Ngoài phát cơm, chúng tôi còn dành tặng các mẹ, các chị mỗi người một bông hoa hồng và 50.000 đồng.
Rất nhiều phụ nữ nhận quà đã khóc vì xúc động. Họ nói, sống đến gần hết cuộc đời, đây là lần đầu tiên được nhận quà ngày 20/10, nghe rất thương. Có tiếp xúc với những hoàn cảnh bất hạnh thế này, tôi mới thấy cuộc đời mình còn nhiều may mắn và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi mang đến niềm vui cho người khác”, bà Huyền (mẹ anh Tú) chia sẻ.
Cũng theo anh Tú, Bếp ăn 0 đồng xác định ngay từ đầu sẽ phát triển, tồn tại một cách dài hạn để có thể sẻ chia, giúp đỡ bà con nhiều hơn nữa. Bếp ăn sẽ hoạt động cho tới khi nào gia đình không đủ điều kiện nữa thì mới dừng hoạt động.
Được biết, ngoài dự án Bếp ăn 0 đồng đã và đang hoạt động có thêm 1 dự án “xe bánh mì 0 đồng”. Vào mỗi chiều thứ 6 và thứ 7, “xe bánh mì 0 đồng” sẽ trao 200 ổ bánh mì miễn phí cho bất cứ ai cần, tối đa mỗi người sẽ được lấy 2 ổ.
Dự án "Bếp ăn 0 đồng" của vợ chồng anh Tú, chị Huyền hướng tới việc giúp đỡ bệnh nhân và những người có hoàn cảnh khó khăn những suất cơm, phần quà, thể hiện sự quan tâm, động viên cũng như tiếp thêm năng lượng cho bệnh nhân, những người có hoàn cảnh khó khăn trên hành trình mưu sinh cũng như tìm kiếm sự sống cho mình.
Với thông điệp "Những việc tốt trao đi, giá trị sẽ còn mãi" vừa qua, vợ chồng anh Tú được tỉnh nhà tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong hoạt động Thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2021-2023. Bằng cái tâm của mình, vợ chồng anh Tú mong muốn sẽ cố gắng hơn nữa để lan tỏa những năng lượng tích cực tới mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ về việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong cuộc sống.
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đơn cử như ngân hàng quân đội MBBank với dự án ứng dụng Thiện nguyện minh bạch; trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện, Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/