Vợ bất trị
Đa số phụ nữ khi đã lấy chồng thường nhún nhường, thuần tính hơn. Ấy vậy mà không ít ông chồng đã chán ngán đến mức muốn buông xuôi vì vớ phải những cô vợ bất trị.
Lấy vợ ở tuổi 40, anh Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) nghĩ: Cuối cùng mình cũng tìm được bến bờ hạnh phúc. Họ hàng và bạn bè thân thiết ai cũng mừng cho anh vì ở tuổi tứ tuần, anh lấy được vợ trẻ hơn mình 14 tuổi, ngoại hình “khối kẻ thèm”. “Cả nhà hoan hỉ nói tôi vớ được hũ vàng, còn tôi lúc đó cũng cười không khép được miệng” - Anh Thanh chia sẻ.
Được biết, anh và vợ quen nhau qua mai mối. Gặp gỡ nhau khoảng hơn 1 tháng thì anh “Thấy lấy làm may mắn vì mình có tuổi rồi nhưng cô ấy thì trẻ trung vẫn chịu gặp gỡ và hẹn hò. Cô ấy cũng tỏ ra là cô gái ngoan hiền, ít giao thiệp”.
Tuy nhiên cảm giác sung sướng hãnh diện của anh không duy trì được bao lâu sau ngày cưới. Theo anh, giờ đây mọi người thường nhắc đến vẻ mặt “vui như trẻ con được kẹo” của anh trong ngày cưới để so sánh với khuôn mặt khắc khổ, rầu rĩ hiện tại như một kiểu mỉa mai. Có người ác ý lại ví von “Trâu già đòi gặm cỏ non. Đáng thôi…” khiến anh càng thêm chua xót.
Duyên - cô vợ kém anh 14 tuổi, vài tuần sau ngày cưới bỗng “lột xác” thành một cô gái ham chơi, bất trị, lui tới bar như cơm bữa. Tối đến, ở nhà với chồng thì cô chê nhạt nhẽo. Anh rủ cô đi xem phim thì cô bảo: “Ở đó thì khác gì cái tivi cỡ lớn trên phòng”…
Vì muốn chiều lòng vợ, nghĩ mình già không thích hợp để ngồi “tám” chuyện với đám bạn của vợ nên anh đồng ý để cô đi chơi với bạn bè. Không đêm nào anh Thanh không chứng kiến cảnh vợ say xỉn, nói năng tục tĩu.
Thậm chí cô còn cầm đôi giầy gót nhọn như 2 cây đinh khua khoắng, đánh chồng liên tục. “Cảm giác như mình đang sống ở thời nguyên thủy, thuộc chế độ mẫu hệ. Vợ không thích là mắng, chửi rồi bỏ nhà đi đến rạng sáng mới về. Về tới nhà là bạo hành chồng” - Anh Thanh kể.
Khi được hỏi về việc đã bao giờ anh “chỉnh đốn” vợ chưa thì anh Thanh thể hiện rõ thái độ bất lực: “Chưa đụng đến vấn đề thì cô ấy đã nhảy dựng lên trước. Vài lần tôi chỉ mới nói được ‘Hôm qua…’ thì cô ấy đã bù lu bù loa. Rồi bảo chồng không chịu đựng được thì giải tán. Sống với tôi tẻ nhạt, lay lắt. Cũng không ít lần cô ấy say, về đánh chồng xong thì ve vẩy cầm tờ giấy ly hôn bắt tôi kí… nhưng sáng hôm sau thì xé tan tành bảo tôi gài bẫy”.
Rồi anh kể, khi anh đề cập đến vấn đề sinh con là vợ gạt phắt, nói chưa muốn sinh. Thở dài ngẫm nghĩ về thời gian qua. Cũng có lúc anh Thanh muốn thoát khỏi cái gông cùm mà anh đang phải chịu đựng: “Tôi vẫn nghĩ mãi mà không tìm được lối thoát. Tự mình đệ đơn ly hôn thì thấy có lỗi với cô ấy, có lỗi với bố mẹ. Còn sống thế này thì đúng là mệt mỏi đến phát điên. Giờ đến bữa cơm chiều cũng không ngồi ăn với nhau…”.
Không chỉ ghê gớm với người ngoài mà cô còn sẵn sàng đánh chồng không chút sợ hãi (Ảnh minh họa).
Cuộc sống hôn nhân của anh Thanh bế tắc với cô vợ “đũa lệch” là vậy, còn anh Thủy (Tây Hồ, Hà Nội) lại có nỗi khốn khổ riêng. Thảo - cô vợ “khó nuốt”, bất trị của anh, cả tháng nay bỏ nhà không biết đi đâu vì ôm tiền hụi của người ta bỏ trốn.
Giờ đây, mang tiếng là có vợ nhưng một mình anh gồng gánh công việc, chăm nuôi con cái, lo toan gia đình chẳng khác nào “gà trống nuôi con".
Cả ngày, anh Thủy quay cuồng nào là đi chợ, đón con, nấu ăn, giặt giũ… Chưa kể những hôm trông hai đứa con, có đứa lăn ra ốm thì cả đêm lại hì hụi đánh vật để chăm con rồi hôm sau vừa đi làm, vừa tất tưởi lo về chăm con. Còn vợ thì cả mấy tháng nay bặt vô âm tín, không mảy may gọi lấy một cuộc điện thoại xem chồng con sống thế nào.
Được biết, Hòa - vợ anh, vốn là người phụ nữ quen sống hưởng thụ, chỉ muốn ngồi không cũng có tiền đếm. Vì thế, bỏ mặc lời khuyên của chồng, chị lao vào lô đề, gom hụi, sau đó cho vay nặng lãi. Thấy công việc dễ dàng kiếm tiền nên Hòa bỏ luôn việc cơ quan mặc kệ chồng kiên quyết phản đối.
Không thích kiểu kiếm tiền mà không mất mồ hôi công sức, lại có phần phạm pháp nên anh Thủy đã ra sức ngăn cản vợ. Hơn thế, anh cũng sợ những việc vợ làm ảnh hưởng đến lối sống của con sau này, bởi ngày nào chị cũng tiếp kiểu người ăn nói không kiêng nể, chợ búa. Thế nhưng, những lời nói của anh cũng chỉ như chém vào không khí.
“Tôi khuyên can kiểu gì thì cô ấy cũng không nghe. Nói nhiều quá thì cô ấy mang cơ ngơi rồi đồ đạc sắm được ra nói rằng nếu tôi giỏi kiếm tiền thì làm đi. Tôi cũng không phải là gã để cho vợ sống khổ sở.
Lương tháng 20 triệu mang về cho vợ, nhưng với cô ấy thế là không đủ. Rồi càng làm, cô ấy càng ham. Không để ý đến con cái thế nào. Có lần con bé đầu mang giấy mời họp phụ huynh về, cô ấy nói một câu xanh rờn rằng ‘Con học lớp sáu rồi ư? Mẹ nhớ là lớp bốn hay lớp năm chứ nhỉ’” – anh Thủy kể lại.
Không chỉ khoán trắng việc nhà cho anh Thủy, Hòa cũng đùn luôn trách nhiệm dâu trưởng vào tay anh. Mỗi lần đề xuất về thăm nội ngoại hoặc giỗ chạp là Hòa giở giọng trống không với chồng: “Mua gì đó rồi mang về biếu các cụ”. Có khi cả nửa năm Hòa không ghé thăm bố mẹ chồng. Khi anh Thủy nhắc thì chị lanh lảnh: “Bố mẹ ai, người ấy thăm cho nhanh”.
“Tiếp xúc nhiều với nhiều người, chủ yếu là người thiếu văn hóa nên cô ấy cũng dần trở thành bà vợ giang hồ trong nhà tôi. Cả ngày nói với chồng không được 2 câu. Lúc nói thì một là chửi thề, hai là trống không, nói xỏ xiên.
Mâm cơm lúc nào cũng chỉ có 3 bố con. Cho nên bây giờ, sau khi cô ấy ôm tiền của người ta trốn, mấy tháng rồi, các con tôi cũng không nhớ, khóc hỏi mẹ” - Anh Thủy ngán ngẩm nói.
Lấy nhau được 6 năm, ngày nào anh Chiến (Hàng Cót, Hà Nội) cũng “đeo” khuôn mặt nặng như chì khi bước về nhà. Anh cho biết dẫu không hay ho gì khi để các con chứng kiến cảnh đó nhưng: “Ai có rơi phải cảnh của tôi thì mới biết”.
Anh Chiến kể cả khu phố không ai lạ gì với cái danh Linh “cong” của vợ anh. Cũng là người được ăn học tử tế nhưng chị Linh mồm mép không chịu nhường ai. Hễ ai đụng đến là chị chửi người cho không kịp vuốt mặt. Hàng xóm láng giềng gần như là đã “qua miệng lưỡi” của chị hết.
Với người ngoài là thế nhưng với anh, chị cũng không chừa. Ngày nào anh không bị vợ chửi tức là ngày đó chị không có nhà. “Cô ấy như một kẻ bất mãn với đời. Lúc nào cũng bực mình. Sẵn sàng nổi khùng với bất kể ai. Nếu được cấp bằng, chắc trình độ mắng chửi người khác không vì lý do gì phải được phong hàm giáo sư” - Anh Chiến cho biết.
Ám ảnh và khổ sở với anh Chiến nhất là việc chị Linh kéo cả tông ti họ hàng nhà chồng lên chửi chỉ vì không hài lòng với di chúc bố mẹ chồng lập. Chuyện đến tai ông bà, chị được gọi đến, nhưng cũng không kiêng nể gì. Chị vạch tội anh chồng, chị chồng và gọi bằng “thằng” và “con” rồi cho rằng họ không xứng đáng được phần như thế.
“Ngày cô ấy sinh, đồng nghiệp của tôi đến nhà thăm, họ cũng vui vẻ nói đùa rằng phục hồi sức khỏe nhanh nhanh không chồng bỏ đi với cô khác. Ấy vậy mà, cô ấy chỉ thằng tay vào mặt chị đồng nghiệp đó mắng ‘Mày trù ẻo gì nhà tao. Hay mày có ý đồ với thằng ấy…’ khiến tôi không dám ngẩng mặt nhìn người ta nữa” - anh Chiến khổ sở thuật lại.
Anh còn cho biết giờ sống giữa cộng đồng, hàng xóm, họ hàng thế nhưng gia đình anh chẳng khác nào sống ở vùng đồi hoang vu không có mối quan hệ thân thiết vì cô vợ “anh nọc”, bất trị của anh.
1h30 chồng về, vợ lao vào “chửi”. Vợ dùng cả những từ mà trước đây chưa bao giờ nghĩ sẽ dùng đến để ném vào mặt chồng.