Vợ “3G”

Theo PNO,
Chia sẻ

Từng có nhiều tiêu chuẩn được đặt ra với người phụ nữ hiện đại nhưng có lẽ “chuẩn” chung nhất của các chị, đặc biệt là với nữ trí thức, chỉ gộp trong ba chữ G đơn giản: giỏi gồng gánh!

Nặng gánh

Nhận định về vai trò làm mẹ, làm vợ của nữ trí thức, có lần tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói: “Làm mẹ vừa là thiên chức, vừa là một thử thách lớn với nữ trí thức. Khi sinh một đứa con, người phụ nữ phải chấp nhận mình đã chậm lại ba năm so với bước tiến của đồng nghiệp”. PGS-TS Vũ Thị Thu Hà - Phó viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam - người đoạt giải thưởng Kovalevskaia năm 2011 cũng khẳng định: “Phụ nữ làm khoa học là phải biết chia sẻ quỹ thời gian của mình cho gia đình, con cái; đồng thời phải “gồng lên gấp đôi” trong công việc. TS Thu Hà năm nay 42 tuổi, từng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính đột phá trong lĩnh vực hóa học của Việt Nam, thường làm chủ nhiệm những đề tài lớn của Viện, nhưng chị nhìn nhận, mình vẫn chỉ là một phụ nữ. Chị kể: “Sinh con đầu lòng, tôi nghỉ đúng chế độ, nhưng đến cháu thứ hai thì chỉ ba ngày trong bệnh viện, về nhà là phải làm việc ngay vì công việc đang dở dang. Ngồi máy tính lâu, mỏi mắt, phải nhờ đồng nghiệp đến nhà ngồi gõ giúp lại ý tưởng. Dù con còn nhỏ nhưng tôi không thể dừng lại vì nếu mình dừng, cả bộ máy phải dừng”.
 
Biết mình “chậm” vì phải sinh con, nhiều phụ nữ phải chọn cách bớt thời gian cho con để khỏi buông công việc. Lúc mới lấy chồng, chị Dương Thị Kim Loan vừa tốt nghiệp đại học Dược, đang làm việc cho bộ phận nghiên cứu dược liệu của một tập đoàn mỹ phẩm nước ngoài. Sinh liên tiếp hai đứa con, chị tự rút ngắn thời gian nghỉ hậu sản còn hai tháng: một tháng trước và một tháng sau sinh do sợ sẽ khó khăn khi phải bắt đầu lại việc nghiên cứu dở dang của mình. Chiều nào cơm nước cho chồng con xong, chị cũng phải chạy đến trung tâm ngoại ngữ để học thêm tiếng Pháp vì tự thấy làm ngành dược mà chỉ có tiếng Anh không đủ “vốn”. Kiên, chồng Kim Loan là kỹ sư công nghệ thông tin, yêu thương vợ con, chăm chỉ làm việc ở công ty, hàng tháng đưa tiền đầy đủ cho vợ, nhưng chẳng phụ giúp được gì. Về nhà, cơm nước xong là anh lại ngồi vào máy tính.

Anh chị sống chung với cha mẹ chồng. Ban đầu cả hai dự định thuê người giúp việc, nhưng do ông bà khó tính, lại tiếc tiền thuê người nên ai đến làm một thời gian ngắn cũng bị ông bà kiếm chuyện khiến họ tự bỏ đi. Đã vậy, hai đứa bé vốn không được bú mẹ nên sức đề kháng kém, cứ nay ốm mai đau. Gánh nặng chuyện nhà cứ thế mà chất chồng thêm lên vai người vợ vốn đã đa đoan.

Chị Lê Thục Anh và anh Nguyễn Văn Tính ở Q.8 đều là giáo viên cấp III. Sau giờ dạy ở trường, anh đi dạy thêm tiếng Anh ở trung tâm, chị tổ chức dạy nhóm ở nhà để tiện việc gia đình. Cùng làm việc với thời gian tương đương nhau, nhưng hết giờ dạy thì anh đọc báo, xem tivi, có khi chơi game trên mạng trong khi chị phải cơm nước, vệ sinh nhà cửa, giặt ủi quần áo. Hôm nào nêm nếm lỡ tay, chị còn bị chồng cằn nhằn, nặng nhẹ. 
 
 
Sau khi cưới vợ, anh Tính học tiếp thạc sĩ để chuẩn hóa chuyên môn. Gần đây, chị Thục Anh thủ thỉ với chồng xin đi học vì tự thấy những kiến thức của mình đang dần mai một. Anh Tính buông một câu: “Em nhắm đi học được thì cứ đi. Công việc anh nhiều lắm, không giúp được gì cho em đâu!”. Chị nhìn chồng, ngơ ngác. Suốt thời gian anh đi học, chị đã gồng gánh tất cả cho anh. Vậy mà…
 
Trí và kỹ

Tiến sĩ Thu Hà tâm sự: “Gánh nặng sẽ oằn vai nếu mỗi chúng ta không biết lượng sức mình. Như tôi, nếu không biết cậy nhờ gia đình, nhờ chồng, cũng sẽ không kham hết việc, dù có cố mấy”. Tuy nhiên, thực tế có mấy người làm được như chị. Kết quả cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ, Trường Cán bộ phụ nữ trung ương (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) thực hiện năm 2010 đối với 786 đối tượng là trí thức ở ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, khoảng 1/3 số người được hỏi trả lời rằng, trong gia đình họ, cả hai vợ chồng cùng làm các công việc nhà. Những việc như đi chợ, chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ…, trên một nửa số người được hỏi khẳng định, do người vợ quyết định và trực tiếp thực hiện. Có đến 84,1% các bà vợ phải đảm nhiệm việc đi chợ, trong khi số người chồng làm công việc trên chỉ 2,5%.

Kết quả khảo sát gần như khẳng định nữ trí thức muốn thành đạt trong công việc, trước hết phải làm tròn trách nhiệm gia đình. Gần 1/3 số người được hỏi cho rằng, nữ trí thức phải là người sẵn sàng từ bỏ công danh, sự nghiệp để bảo vệ hạnh phúc gia đình và trên một nửa số người được khảo sát yêu cầu, dù ở cương vị nào, trình độ học vấn ra sao, người phụ nữ vẫn phải là người thực hiện chức năng sinh con, nuôi dạy con, sẵn sàng hy sinh cho chồng, cho con.

Tiến sĩ Lưu Song Hà, Giám đốc Trung tâm nhận định: “Nếu so vị thế của nữ trí thức tại cơ quan với vị thế của họ trong gia đình tại thời điểm nghiên cứu, có thể thấy, vị thế của nữ trí thức ở cơ quan có tương quan với vị thế của họ trong gia đình. Những nữ trí thức có trách nhiệm, uy tín trong nghề nghiệp; có vị trí cao và được hưởng nhiều quyền lợi thì càng có tiếng nói quyết định trong gia đình. Nếu nữ trí thức luôn làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ thì càng được tôn trọng khi ra quyết định về các vấn đề liên quan đến kinh tế gia đình, chuyện học hành của con cái. Người phụ nữ ngày nay tuy không còn bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến, nhưng lại phải đáp ứng cho được những yêu cầu cao ngất ngưởng, ngoài việc chu toàn nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, họ còn phải lao động đóng góp vào kinh tế gia đình. Các chị còn phải luôn nâng cao trình độ để tạo dựng vị trí ngoài xã hội. Vì vậy, ngoài tứ đức chuẩn mực từ xưa, giờ họ còn phải gồng gánh thêm hai chữ “trí và kỹ” (trí tuệ và kỹ năng). Trong đó, kỹ năng san sẻ gánh nặng gia đình cho người bạn đồng hành là một kỹ năng phải được trang bị càng sớm càng tốt!”.

Chia sẻ