VKSND TP.HCM đề nghị giữ nguyên mức án tù chung thân với Nguyễn Thái Luyện

THY HUỆ/VTC NEWS,
Chia sẻ

Đối đáp quan điểm của luật sư và các bị cáo, đại diện VKSND TP.HCM khẳng định vẫn giữ nguyên đề nghị mức án tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện.

Sáng 21/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo và rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba. Trong phiên xử sáng nay, VKSND TP.HCM bắt đầu phần đối đáp.

VKSND TP.HCM đề nghị giữ nguyên mức án tù chung thân với Nguyễn Thái Luyện - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện.

Trong 2 ngày bào chữa (19 - 20/12), các luật sư đại diện cho các bị cáo luôn cho rằng, mức án đề nghị của VKSND là quá nghiêm khắc, chưa thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. Các luật sư cũng trình bày quan điểm rằng, các bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ phạm tội vi phạm quy định về sử dụng đất. Do đó, luật sư và các bị cáo đồng loạt xin được giảm mức án so với mức án VKSND đề nghị.

Đối đáp những quan điểm của luật sư và các bị cáo, đại diện VKSND khẳng định vẫn giữ nguyên mức án đã đề nghị trước đó đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và 22 đồng phạm.

Theo đại diện VKSND, khoản 4 Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản, các bất động sản được đưa vào kinh doanh gồm loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại... Thế nhưng, trong vụ án này, các loại đất được Nguyễn Thái Luyện đưa vào kinh doanh, chào bán cho khách hàng là đất nông nghiệp, đất Quốc phòng, đất lâm nghiệp.

Còn theo Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai đưa vào kinh doanh và Điều 168 Luật Đất đai 2013, dự án được chuyển nhượng sau khi có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Tuy nhiên, trong vụ án này, nhiều thửa đất mà Luyện cùng đồng phạm khi mua chưa được đăng bộ sang tên. Khi chưa có chủ quyền trên giấy chứng nhận sử dụng đất mà Luyện đã chỉ đạo “vẽ” dự án bán đất cho người khác là vi phạm quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Điều 12 Luật Kinh doanh bất động sản 2013 quy định, dự án trước khi đưa vào kinh doanh phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư. Điều 41 Nghị định 43/2014 về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định, chủ đầu tư khi phân lô, bán nền phải hoàn thiện, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật...

Song ở vụ án này, các dự án mà Luyện thực hiện đều không có cơ sở hạ tầng, nếu có cũng là làm trên đất nông nghiệp là trái quy định. Dù không đảm bảo các quy định của pháp luật nhưng các công ty của Luyện vẫn quảng cáo, giới thiệu pháp lý đầy đủ để lừa dối chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Theo bản luận tội của HĐXX, mặc dù Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng thủ đoạn rất tinh vi. Luyện đã huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp tác kinh doanh, mua bán dự án không có thật để chiếm đoạt tiền của hàng nghìn khách hàng, do đó cần phải có mức án nghiêm khắc.

Đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này, các bị cáo khác đều bị đề nghị mức án từ 12 - 20 năm tù.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị đề nghị tuyên 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 - 14 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung bị đề nghị là 30 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị đề nghị 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 10 - 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung bị đề nghị là 30 năm tù.

Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội rửa tiền.

VKSND cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai có trách nhiệm trả cho 4.550 bị hại hơn 2.400 tỷ đồng. Buộc Võ Thị Thanh Mai nộp lại 13 tỷ đồng đã thu lợi bất chính.

Chia sẻ