Nguyễn Thái Luyện dạy nhân viên "phương pháp truy sát khách hàng"
Nguyễn Thái Luyện viết cẩm nang dạy nhân viên bán hàng bằng các phương pháp: phương pháp Sale phone, phương pháp truyền lửa, phương pháp đốt lửa, phương pháp treo đầu dê, bán thịt chó, phương pháp truy sát khách hàng.
Chiều 10-12, TAND TP HCM tiếp tục xét xử Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Trả lời HĐXX, bị cáo Như đánh giá "cẩm nang" viết về các bước kinh doanh do Nguyễn Thái Luyện biên soạn, được đặt tên là "Cẩm nang các kỹ năng bán hàng" phát hành nội bộ cho nhân viên công ty giúp con người tích cực hơn trong cuộc sống bởi "7 phẩm chất, 7 nguyên tắc nhân bản".
Bị cáo Như dùng "cẩm nang" này để đào tạo nhân viên Công ty Alibaba chào bán dự án không có thật cho khách hàng.
Tuy nhiên, phần xét hỏi của đại diện VKSND TP HCM đối với bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như (cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách đào tạo Công ty Alibaba) về nội dung "cẩm nang" này lại khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện.
Đại diện VKSND TP HCM yêu cầu bị cáo Như làm rõ các bước kinh doanh trong "cẩm nang" gồm: "phương pháp Sale phone", "phương pháp truyền lửa", "phương pháp đốt lửa", "phương pháp treo đầu dê, bán thịt chó", "phương pháp truy sát khách hàng".
Như giải thích "phương pháp Sale phone" là cách gọi điện thoại cho khách hàng để chào bán đất dự án. Kiểm sát viên hỏi nhân viên sẽ gọi thế nào, tần suất ra sao thì Như không trả lời.
Về "phương pháp treo đầu dê, bán thịt chó", Như nói bị cáo không nhớ có nội dung này. HĐXX cung cấp "cẩm nang" trên cho Như đọc lại nhưng bị cáo vẫn khai không hiểu.
Đại diện VKSND TP HCM xét hỏi bị cáo Như (Ảnh chụp qua màn hình tại tòa án).
Về "phương pháp truy sát", Như nói: "Đây là cẩm nang Giám đốc Nguyễn Thái Luyện viết, bị cáo chỉ truyền đạt cho nhân viên, nhân viên thấy phù hợp thì làm chứ bản thân bị cáo không ứng dụng những kinh nghiệm này, bị cáo sử dụng kinh nghiệm của bản thân để bán hàng (các sản phẩm đất nền từ dự án"ma" của Nguyễn Thái Luyện - PV)".
Người thực hành quyền công tố hỏi trước khi đảm nhận vai trò đào tạo tại Công ty Alibaba, bị cáo được đào tạo về chuyên ngành gì.
Bị cáo Như bật khóc, nói bị cáo tốt nghiệp 2 bằng y là y đa khoa và chuyên khoa Mắt của Bệnh viện Xanh Pôn. Nhưng do nghề y không xuất phát từ đam mê của bị cáo mà là ý muốn của cha nên bị cáo đã rẽ hướng làm việc tại Công ty Alibaba.
Trước đó, đại diện VKSND còn hỏi bị cáo Như về việc bị cáo đã tổ chức họp báo vào ngày 19-9-2019. Theo đó, hồ sơ vụ án ghi nhận, 1 ngày sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành lệnh bắt, khám xét tại trụ sở Công ty Alibaba và chi nhánh, Như đã cùng một số nhân viên thuộc công ty này tổ chức họp báo, phát sóng trực tiếp trên Youtube để đưa ra thông tin sai sự thật, che giấu khách hàng của Công ty Alibaba về hành vi sai phạm của Nguyễn Thái Luyện.
Trước tòa, Như phủ nhận tổ chức họp báo. Như khai do trước đó Luyện có dặn dò sau khi Luyện bị bắt Như phải trấn an các khách hàng nên Như mới tổ chức gặp mặt.
"Bản thân bị cáo cũng rất run sợ nhưng vẫn trấn an khách hàng chứ không phải tổ chức họp báo như cáo trạng cáo buộc" – Như phân bua.
Kết thúc phần xét hỏi, HĐXX cho biết sẽ tiếp tục phiên xét xử vào sáng thứ 2 (ngày 12-12) với phần xét hỏi trên 4.000 bị hại.
Về lý do con số bị hại chưa thống nhất, thẩm phán Trần Minh Châu, chủ toạ phiên xử cho biết do trong phần hồ sơ có sự trùng tên của các bị hại, thậm chí trùng số tiền. TAND TP HCM với sự hỗ trợ của các chuyên gia đang nhập lại cho đúng số liệu thực.
HĐXX vẫn tiếp tục nhận được đơn của các bị hại đủ các điều kiện chứng minh như phiếu thu, hợp đồng và các tài liệu chứng cứ kèm theo.
Kế hoạch xét hỏi với các bị hại vào thứ 2 sẽ khác kế hoạch xét hỏi các bị hại trong các vụ án thông thường do số lượng bị hại rất đông và thực hiện qua đường truyền ngoài toà án nên HĐXX sẽ rà soát số liệu bị hại. Ngày cuối cùng là ngày để những người tham gia tố tụng, các luật sư bào chữa và các luật sư bảo vệ đương sự hỏi các bị hại.