Virus SARS-CoV-2 liệu có lây qua khu thông gió chung cư?

TH,
Chia sẻ

Nhiều người dân đang sống trong các khu chung cư lo lắng nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 qua ống thông gió. Vậy, thực hư lây nhiễm qua con đường này thế nào và cách phòng tránh ra sao?

Lo lắng virus SARS-CoV-2 có thể lây qua hệ thống thông gió ở chung cư

Thời gian gần đây, tại khu vực TP.HCM - nơi thí điểm cho nhiều F0 được cách ly, điều trị tại nhà, nhiều người bàn tán xôn xao câu chuyện liên quan đến việc lây nhiễm các ca bệnh khi sống ở cùng khu chung cư: Liệu nCoV có thể lây bệnh qua hệ thống thông gió ở chung cư hay không?

Cụ thể, một số hộ dân sống ở cùng khu chung cư tại TP.HCM mắc Covid-19 có đặc điểm chung: họ cùng sống ở trục dọc các tầng. Rất nhiều người băn khoăn, khi họ sống ở chung cư cùng với nhiều hộ gia đình khác, nhiều cửa sổ trong phòng hoặc cửa nhà vệ sinh đều thông qua hệ thống thông gió của chung cư, có khi nào hệ thống thông gió đã đẩy virus sang nhà mình, dẫn đến việc nhiễm bệnh không mong muốn?

Virus SARS-CoV-2 liệu có lây qua khu thông gió chung cư? - Ảnh 1.

Liệu hành động mở ống thông gió sẽ làm tăng cao nguy cơ lây nhiễm bệnh?

Vậy, liệu hành động mở ống thông gió sẽ làm tăng cao nguy cơ lây nhiễm bệnh?

Virus SARS-CoV-2 liệu có lây qua khu thông gió chung cư? - Ảnh 3.

Nhiều người dân lo lắng virus SARS-CoV-2 có thể lây qua hệ thống thông gió ở chung cư

Nguy cơ nhiễm Covid-19 qua ống thông gió chung cư được chuyên gia nhận định thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu (cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) cho rằng, vấn đề virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua khu thông gió chung cư hay không cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác, cần điều tra thêm để có đánh giá, nhìn nhận khách quan. 

Theo ông Phu, ở các khu chung cư hệ thống thông gió được thiết kế thẳng và chỉ hút khí từ các nhà vào đường ống, sau đó đưa thẳng lên trời và hút lên. Không khí từ nhà nọ không chuyển động vào nhà kia thì virus cũng không thể từ nhà nọ sang nhà kia được. Vậy nên không thể lây lan qua đường thông gió. Tương tự như vậy thì với cơ chế quạt của nhà vệ sinh là hút không khí ra ngoài.

"Nếu quạt ở các nhà vệ sinh lại thông với đường thông gió chính để hút không khí ở đường thông gió chính vào buồng vệ sinh thì cũng có nguy cơ lây bệnh, do đó cần phải điều tra để làm rõ. Còn trường hợp hệ thống thông khí đã hút ra ngoài thì không thể khẳng định không khí ở đường thông gió chung có thể quay trở lại vào nhà vệ sinh", PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

Virus SARS-CoV-2 liệu có lây qua khu thông gió chung cư? - Ảnh 4.

Vấn đề virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua khu thông gió chung cư hay không cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác, cần điều tra thêm để có đánh giá, nhìn nhận khách quan.

BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho rằng, ai cũng biết, một khi không khí càng loãng thì virus càng khó sống, chỉ những nơi không khí bị tù đọng, bí bách thì virus mới dễ sống. Do đó, nếu chúng ta sống ở một nơi mà có chung hệ thống thông gió thì cách giải quyết rất đơn giản.

"Hoặc là mình đóng cửa, hoặc là mình lấy quạt máy thổi vào ống thông gió để làm sao nó không thổi vào nhà mình là được", BS Khanh nói.

Chuyên gia khuyên, người dân sống trong cùng khu chung cư đừng nghĩ đó là con đường lây nhiễm chính của bệnh Covid-19 mà nó lây qua đường tiếp xúc đi tới đi lui... "Đừng đổ tội cho ống thông gió. Còn nếu bạn cảm thấy không an tâm thì cứ lấy quạt ra thổi thôi, thổi liên tục càng tốt. Hoặc lúc mình không thổi quạt thì đóng cửa lại thì không phải lo lắng nữa", BS Khanh cho hay.

Virus SARS-CoV-2 liệu có lây qua khu thông gió chung cư? - Ảnh 5.

Người dân sống trong cùng khu chung cư đừng nghĩ đó là con đường lây nhiễm chính của bệnh Covid-19 mà nó lây qua đường tiếp xúc đi tới đi lui...

Giới chuyên gia cùng cho rằng, virus chỉ lây lan nếu như gió thông thẳng một không gian nào đó, người khác lại đi vào đúng không gian này. Ví dụ như thông thẳng vào hành lang chung cư hoặc một khu vực kín, người khác đi vào đúng vị trí đó hít phải lượng virus.

Còn chuyện vì sao tại chung cư ghi nhận ca nhiễm có những người ở nhà không đi đâu đến 2-3 tuần, không tiếp xúc với ai nhưng khi xét nghiệm lại dương tính thì đừng vội nghĩ đến do hệ thống thông gió ở chung cư. Chính xác hơn, bạn có thể nghĩ tới không gian chung như hành lang kín, thang máy, nút bấm thang máy, cũng có thể có tiếp xúc gần một thoáng đi cùng thang máy, nói chuyện... Điều này đòi hỏi dịch tễ cực kỹ, chuẩn xác mới có thể xác định được.

"Không cần thiết phải tắt quạt thông gió vì lo sợ lây nhiễm Covid-19 khi sống cùng khu chung cư. Hạn chế bật điều hòa, thay bằng quạt thổi để phòng tránh Covid-19, mở cửa thông thoáng ở chung cư... để phòng tránh bệnh hiệu quả hơn", giới chuyên gia cảnh báo.

Chia sẻ