Việt Nam có loại sữa tuổi thọ 5.000 năm: Tốt cho xương khớp, nội tạng, nhưng thường bị mang tiếng gây dậy thì sớm ở trẻ

Bảo Nam,
Chia sẻ

Loại sữa này vừa an toàn, lại vừa thơm ngon, tốt cho sức khoẻ của trẻ.

Đã xuất hiện từ hơn 5.000 năm trước, đậu nành là loại hạt gắn bó mật thiết với đời sống người Việt. Từ món đậu phụ đến chén tương truyền thống, từ tách sữa đậu nành ấm mỗi sáng đến vô số món ăn dân dã, đậu nành không chỉ góp phần làm nên nét ẩm thực đặc trưng mà còn mang giá trị dinh dưỡng vượt trội. 

Dù vậy, loại sữa thực vật này nhiều năm qua vẫn bị hiểu nhầm là nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ nhỏ - một quan ngại khiến không ít phụ huynh e dè.

Liệu nhận định này có chính xác? Sữa đậu nành có thực sự nguy hiểm cho trẻ?

Sữa đậu nành có gây dậy thì sớm ở trẻ?

Việt Nam có loại sữa tuổi thọ 5.000 năm: Tốt cho xương khớp, nội tạng, nhưng thường bị mang tiếng gây dậy thì sớm ở trẻ  - Ảnh 1.

ThS.BS Đặng Ngọc Hùng (Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng) khẳng định: "Dậy thì sớm là mối quan tâm chính đáng của nhiều phụ huynh, nhưng cũng tồn tại không ít hiểu lầm. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu được xác định là béo phì, không phải do tiêu thụ các thực phẩm như sữa đậu nành".

Bác sĩ Hùng phân tích, sữa đậu nành không chứa hormone giới tính như nhiều người lầm tưởng. Thay vào đó, thành phần chính gây tranh cãi - isoflavone - là một hợp chất thực vật có cấu trúc tương tự estrogen, nhưng hoạt lực rất yếu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng isoflavone không đủ mạnh để làm thay đổi nội tiết tố hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý ở trẻ nhỏ. Ngược lại, đây là hợp chất có nhiều lợi ích sức khỏe, nhất là với phụ nữ.

Sữa đậu nành - loại sữa tốt cho xương khớp, nội tạng

Không chỉ an toàn, sữa đậu nành còn được xem là loại đồ uống lành mạnh, dễ tiêu hóa và giàu dưỡng chất. Một cốc sữa đậu nành mỗi ngày có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể:

1. Tốt cho xương khớp

Sữa đậu nành chứa canxi và isoflavone – hai yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe xương. Isoflavone có khả năng điều hòa nồng độ estrogen trong cơ thể, giúp làm chậm quá trình mất xương ở phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh hoặc suy giảm chức năng buồng trứng.

2. Hỗ trợ kiểm soát cân nặng 

Sữa đậu nành có hàm lượng chất béo thấp, chủ yếu là axit béo không bão hòa – loại chất béo tốt cho tim mạch và giúp ổn định đường huyết. 

Đồng thời, thành phần magie, kali trong sữa còn hỗ trợ kiểm soát huyết áp và chuyển hóa năng lượng hiệu quả hơn, từ đó góp phần ngăn ngừa béo phì.

3. Tốt cho tim mạch 

Những dưỡng chất như lecithin, saponin trong đậu nành giúp giảm cholesterol xấu, phòng ngừa xơ vữa động mạch và hỗ trợ chức năng mạch vành. Sữa đậu nành cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa – yếu tố quan trọng trong phòng ngừa tổn thương tế bào và viêm mạn tính.

4. Cải thiện triệu chứng mãn kinh 

Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ tiêu thụ khoảng 40mg isoflavone từ đậu nành mỗi ngày có thể giảm rõ rệt các triệu chứng như bốc hỏa, mất ngủ, thay đổi tâm trạng trong giai đoạn mãn kinh.

5. Ngăn ngừa ung thư 

Việc tiêu thụ thực phẩm từ đậu nành với lượng hợp lý có liên quan đến việc giảm nguy cơ một số loại ung thư như ung thư vú, dạ dày, tuyến tiền liệt và gan. Isoflavone có khả năng ức chế sự tăng trưởng bất thường của tế bào và giảm đột biến ADN – yếu tố cốt lõi trong quá trình hình thành ung thư.

Cần lưu ý điều gì khi dùng sữa đậu nành?

Việt Nam có loại sữa tuổi thọ 5.000 năm: Tốt cho xương khớp, nội tạng, nhưng thường bị mang tiếng gây dậy thì sớm ở trẻ  - Ảnh 4.

Kông phải ai cũng phù hợp để tiêu thụ loại đồ uống này một cách thường xuyên. Một số người có thể dị ứng với đậu nành, gây nổi mẩn, khó thở hoặc rối loạn tiêu hóa. 

Ngoài ra, đậu nành có chứa goitrogen – hợp chất có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp nếu sử dụng quá nhiều, đặc biệt ở người đang có vấn đề về tuyến giáp.

Vì vậy, để tận dụng tối đa lợi ích mà không gặp phải tác dụng phụ, người tiêu dùng – đặc biệt là trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền – nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bổ sung thường xuyên vào khẩu phần ăn.

Chia sẻ