Việt Nam có loại quả là "kẻ thù không đội trời chung" của tiểu đường: Được dùng làm thuốc khắp thế giới
Loại quả này được chế biến thành nhiều món ăn quen mặt với người Việt. Nó còn là vị thuốc nổi tiếng giúp kiểm soát và giảm đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Đó chính là mướp đắng, hay còn gọi là khổ qua! Đây là loại quả được dùng trong nhiều món ngon hấp dẫn trên mâm cơm của người Việt Nam. Từ xa xưa, dân gian cũng dùng mướp đắng để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Nghiên cứu khoa học hiện đại cũng chứng minh nó có tác dụng tuyệt vời này.
Mướp đắng - “kẻ thù không đội trời chung” của bệnh tiểu đường


Hai món ngon từ mướp đắng (Ảnh minh họa).
Mướp đắng chứa một số chất hóa học hoạt động như insulin trong cơ thể. Các chất này sẽ đưa nhiều glucose vào tế bào hơn, sau đó giúp cơ thể xử lý và lưu trữ glucose trong gan, cơ và mỡ. Chúng cũng có thể ngăn cơ thể chuyển hóa các chất dinh dưỡng dự trữ thành glucose rồi giải phóng vào máu. Điều này sẽ giúp kiểm soát và giảm đường huyết, giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Healthline trích dẫn kết quả của một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nutrients vào năm 2020 cho thấy, mcIRBP-19 - một peptide trong mướp đắng - có thể giúp điều hòa lượng đường trong máu. Cụ thể, nghiên cứu này chứng minh uống 300mg viên nang chứa peptide được chiết xuất từ mướp đắng 2 lần/ngày - 1 lần trước bữa trưa, 1 lần trước bữa tối - có thể cải thiện lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu khác được đăng tải trên tạp chí Food Science Biotechnology vào năm 2022 đã xem xét những lợi ích tiềm năng của chiết xuất mướp đắng đối với người mắc bệnh tiền tiểu đường. Kết quả cho thấy, chiết xuất mướp đắng đã giúp giảm đường huyết ở những bệnh nhân này.
Mướp đắng được sử dụng làm thuốc ở nhiều quốc gia trên thế giới

Mướp đắng được sử dụng như một vị thuốc thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như tiểu đường, hen suyễn, (Ảnh minh họa).
Thông tin từ tạp chí Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry, mướp đắng được sử dụng như một bài thuốc dân gian hỗ trợ điều trị tiểu đường, khối u, hen suyễn, nhiễm trùng da và tăng huyết áp tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Châu Phi, khu vực Đông Nam nước Mỹ,...
Trong y học dân gian Thổ Nhĩ Kỳ, mướp đắng được dùng trong bài thuốc hỗ điều trị loét dạ dày, táo bón, tích nước, đầy hơi,...
Tại Ấn Độ, mướp đắng là một trong những vị thuốc quan trọng nhất trong hệ thống y học Ayurveda (hệ thống y học cổ truyền, ra đời cách đây hơn 3.000 năm tại Ấn Độ). Người dân nước này dùng mướp đắng trong các bài thuốc cân bằng hormone, kiểm soát và điều trị bệnh tiểu đường, giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, điều trị các bệnh về da, nhuận tràng và làm lành vết thương.
Tại Trung Quốc, mướp đắng được dùng trong bài thuốc thanh lọc cơ thể, tăng cường sức khỏe gan, điều trị các bệnh như khó tiêu, đau dạ dày, vết thương ngoài da, ho mạn tính và nhiễm trùng đường hô hấp.
Tại Nhật Bản, mướp đắng được coi là một siêu thực phẩm, là một trong những món rau chính của người dân sinh sống tại đảo trường thọ Okinawa. Người dân của hòn đảo này cho rằng mướp đắng có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe.
Trong y học cổ truyền của Việt Nam, mướp đắng được cho là có vị đắng, tính lạnh, không độc, đi vào kinh can, tỳ, tâm, vị. Loại quả này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, đặc biệt trong mùa hè; mát gan, sáng mắt; chữa say nắng phát sốt, bệnh nhiệt phiền khát; kiết lỵ; mắt đau sưng đỏ, mụn sưng tấy. Ngoài ra, người dân cũng thường dùng mướp đắng xay nhuyễn để làm nước tắm cho trẻ nhỏ nhằm phòng ngừa và điều trị rôm sẩy. Mướp đắng cũng được dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường. Bộ phận của mướp đắng được dùng làm thuốc tại Việt Nam là quả, lá và hạt.
Mướp đắng được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi dùng mướp đắng với mục đích y tế, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
(Tổng hợp)