Việt Nam có cơ sở để sản xuất vắc-xin Dịch tả lợn châu Phi

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi họp triển khai các biện pháp ứng phó với dịch bệnh lan rộng.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã được nghe GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày báo cáo công tác nghiên cứu vắc-xin. Bên cạnh nghiên cứu, Học viện đã thử nghiệm trên 3 đàn lợn của 3 hộ chăn nuôi ngoài thực địa. Kết quả sơ bộ ban đầu nghiên cứu cho thấy, vắc-xin chống dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng.

Đến nay học viện Nông nghiệp Việt Nam đã làm chủ được quy trình và sản xuất 3 loại tế bào để phục vụ nghiên cứu: Đại thực bào phế nang, tế bào tủy xương, tế bào bạch cầu trong máu. Học viện đã phân lập được virus dịch tả lợn châu Phi trên cả 3 loại tế bào trên.

dich-ta-lon-chau-phi

Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Bà Lan cho biết: "Chúng tôi đã có được các dòng tế bào để nhân virus với số lượng lớn như Tb Cos, tb Vero, tb PK15. Chúng tôi đang thí nghiệm để đánh giá và lựa chọn dòng tế bào nào nhân virus tốt nhất, giữ được đặc tính di truyền và tính kháng nguyên của virus".

"Hiện các nhà nghiên cứu đã có được dòng tế bào có tiềm năng nhân được virus số lượng lớn. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục gây nhiễm virus trên dòng tế bào này, nếu thích nghi được trên dòng tế bào này thì đây là tín hiệu rất tốt để có thể sản xuất được vắc-xin với quy mô lớn" - bà Lan thông tin thêm.

Về kết quả phân lập virus, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phân lập thành công 14 chủng virus dịch tả lợn châu Phi từ các mẫu bệnh phẩm thu thập được tại 4 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, trên cả 3 loại tế bào mà các nhà khoa học của học viện sản xuất ra. Các virus phân lập được đều có ct rất cao, thời gian quan sát được virus nhân lên trên tế bào rất sớm, sau 24 giờ đã xuất hiện và đến 36 - 48 giờ thì khá đẹp.

Ngoài những kết quả bước đầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chi cục Thú y vùng VI cũng cho biết, đã có nguyên vật liệu và phân lập thành công virus dịch tả lợn châu Phi - một kết quả bước đầu quan trọng để sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi. Hiện Chi cục Thú y vùng 6 đã bắt tay với Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco bàn phương án nghiên cứu sản xuất vaccine.

Chia sẻ