Việt Nam áp dụng thành công điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90
Đây là kỹ thuật mới, làm tăng thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư gan.
Tỉ lệ ung thư gan Việt Nam khá cao
Tại Việt Nam, ung thư gan đứng thứ 2 ở nam giới và đứng thứ 3 ở nữ giới về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong rất cao, đứng thứ nhất ở cả hai giới. Trung bình mỗi năm tại nước ta ghi nhận gần 22.000 ca ung thư gan mới mắc và gần 21.000 ca tử vong. Trong đó, chưa kể các bệnh ung thư khác di căn vào gan.
Một bệnh nhân nam 59 tuổi, ở Hà Nội, vào viện vì đau tức vùng hạ sườn phải, sút 3kg trong 2 tháng. Qua siêu âm các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phát hiện u ở gan, khối u gan phải kích thước khá lớn 8,5x7,2cm; u gan trái là 3,1x2,1cm. Sau một loạt các xét nghiệm chẩn đoán khác, bệnh nhân được chẩn đoán bị bị ung thư đại tràng xích ma loại biểu mô tuyến di căn gan.
Phó giáo sư Trần Đình Hà, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, vì bệnh đã ở giai đoạn muộn, không có chỉ định phẫu thuật, các bác sĩ quyết định phối hợp các phương pháp điều trị. Bệnh nhân được hóa trị toàn thân, dùng thuốc trúng đích điều trị ung thư đại tràng; đồng thời cấy hạt vi cầu phóng xạ Y-90 để điều trị u ở gan. Sau 6 tháng, bệnh nhân không đau, sinh hoạt bình thường, khối u lớn ở gan kích thước giảm một nửa. Sau đó, Bệnh viện tiếp tục tiến hành phẫu thuật cắt đoạn đại tràng và lấy u gan di căn. Đến, đến nay bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục theo dõi.
Trong khi đó tại, Bệnh viện 108, một bệnh nhân nam 38 tuổi, tình cờ phát hiện u gan cũng được chỉ định áp dụng kỹ thuật này. Bệnh nhân có khối u ở gan khá lớn, gần chiếm hết dịch tích toàn bộ gan bên phải. Bệnh đã ở giai đoạn tiến triển không còn chỉ định phẫu thuật. Đến nay, sau 21 tháng, khối u thu nhỏ lại hiện chỉ còn hơn 1cm, bệnh nhân vẫn sống và làm việc bình thường.
Tăng thời gian sống thêm cho các bệnh nhân ung thư gan
Theo Giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ là phương pháp đưa trực tiếp hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90 từ động mạch đùi vào động mạch nuôi khối u gan; tạo ra tác dụng kép là gây tắc mạch, cắt nguồn dinh dưỡng nuôi khối u và phát ra tia bức xạ tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ.
Phương pháp điều trị bằng hạt vi cầu phóng xạ quy trình giống như kỹ thuật nút mạch, chỉ khác là công đoạn cuối cùng, thay vì các vật liệu nút mạch thì đưa các hạt vi cầu phóng xạ vào động mạch. Với kỹ thuật này, phải phối hợp nhiều chuyên khoa với nhau.
GS Mai Trọng Khoa cho biết, do tỷ lệ mắc và tử vong của ung thư gan rất cao, vì vậy cần phát triển các kỹ thuật mới trong điều trị nhằm kéo dài thời gian sống cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 là kỹ thuật mới, hiện đại, điều trị an toàn và hiệu quả, giảm biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị, đặc biệt là làm tăng thời gian sống thêm cho các bệnh nhân ung thư gan nguyên phát hoặc thứ phát.
Phương pháp xạ trị trong chọn lọc còn được gọi là phương pháp tắc mạch phóng xạ. Khối u trong ung thư gan được nuôi dưỡng bởi các nhánh động mạch gan (90%) và tĩnh mạch cửa (10%). Các hạt vi cầu (hạt nhựa Resin) được gắn đồng vị phóng xạ Yttrium (Y-90) có kích thước 20 - 40 micromet, được bơm trực tiếp vào nhánh động mạch nuôi khối u. Các hạt vi cầu phóng xạ sẽ đi theo các nhánh động mạch nhỏ và phân bố khắp trong khối u, vì vậy sẽ làm tắc các mạch máu nuôi khối u gan.
Ngoài ra, bức xạ bêta (β) với mức năng lượng thấp khoảng 0,93 MeV do Y-90 phát ra có quãng chạy trong tổ chức ngắn, khoảng 2,5 - 11mm sẽ tiêu diệt chọn lọc các tế bào ung thư, làm xơ hóa các mạch máu nuôi khối u. Kết quả là làm giảm thể tích khối u hoặc tiêu diệt khối u trong gan mà ảnh hưởng rất ít đến tổ chức lành xung quanh.
Kỹ thuật nhiều ưu điểm
Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là tạo ra liều chiếu xạ cao tại khối u, trong khi các tổ chức mô lành xung quanh chỉ chịu liều chiếu xạ thấp nên rất ít bị ảnh hưởng, vì thế ít gây tác dụng phụ, giảm được biến chứng khi điều trị. Người bệnh có thể ra viện ngay ngày hôm sau.
Phương pháp này, không chỉ mang lại lợi ích cho các bệnh nhân ung thư gan nguyên phát không còn khả năng phẫu thuật, hoặc đã thất bại với các phương pháp điều trị trước đó như nút mạch… mà còn mang đến cơ hội kéo dài cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư gan thứ phát, như ung thư đại trực tràng di căn vào gan.
Riêng việc điều trị bằng hạt vi cầu phóng xạ kết hợp hóa trị cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn vào gan đã giúp kéo dài thời gian kiểm soát bệnh trung bình lên gần 2 năm, cao hơn nhiều so với hóa trị đơn thuần; đồng thời giảm 31% nguy cơ phát triển khối u gan và tăng 3 lần khả năng khỏi bệnh trong gan.
Được biết, hhiện nay, nước ta đã áp dụng kỹ thuật này đối với 50 bệnh nhân tại các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương quân đội 108, việc điều trị thành công cho kết quả tốt, hy vọng sẽ được triển khai tại những bệnh viện có điều kiện thực hiện là tin vui đối với những bệnh nhân ung thư gan.