Ung thư đại trực tràng: Đã có cách điều trị mới

,
Chia sẻ

Các bác sĩ Bệnh viện K áp dụng phương pháp mới giúp phát hiện sớm và cắt bỏ hiệu quả khối u có nguy cơ cao gây ung thư đại trực tràng.

Khối u (polyp) đại trực tràng (ĐTT) là bệnh gặp nhiều trong tổng số bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện K (Hà Nội). Khối u phát triển và lồi vào trong ĐTT do sự phát triển quá mức của niêm mạc ĐTT. Đây là một trong những nguyên nhân gây ung thư ĐTT nếu không được phát hiện sớm để điều trị.

Bác sĩ Bùi Ánh Tuyết - Khoa Nội soi thăm dò chức năng (Bệnh viện K) cho biết do triệu chứng của bệnh thường ít và không đặc hiệu nên khó phát hiện.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời các khối u này có khả năng phát triển thành ung thư với tỷ lệ tăng dần theo năm.

Cụ thể 2,5% trong năm, 8% trong 10 năm, 24% trong 20 năm. Đáng chú ý, có tới 40% bệnh nhân có khối u nhung mao không cuống chuyển thành ung thư, trong khi khối u tuyến ống chỉ có 15% chuyển hóa thành ung thư.

Tuy nhiên, phát hiện và chẩn đoán khối u ĐTT là việc không đơn giản đối với các bác sĩ. Bệnh nhân thường được phát hiện có khối u khi bệnh đã vào giai đoạn cuối, nguy hiểm tới tính mạng.
 
Phẫu thuật đại trực tràng bằng phương pháp nội soi tại Bệnh viện K Hà Nội

Thường thì các bác sĩ dùng phương pháp nội soi như làm khối u bị thiếu máu rồi hoại tử và tự rụng hoặc điều trị bằng tia laser. Nhưng do phương pháp này gặp nhiều hạn chế nên mới đây các bác sĩ Bệnh viện K đã áp dụng phương pháp cắt khối u ĐTT qua nội soi ống mềm. Đây là phương pháp giúp phát hiện sớm và cắt bỏ hiệu quả khối u có nguy cơ cao gây ung thư ĐTT.

Bác sĩ Tuyết cho hay đã có 38 bệnh nhân bị khối u ĐTT được điều trị bằng kỹ thuật mới này. Trong đó có 60,5% bệnh nhân có khối u đơn, 39,5% nhiều khối u và một số bệnh nhân được chỉ định cắt toàn bộ đại tràng.

Với phương pháp cắt khối u ĐTT qua nội soi ống mềm, các bác sĩ sẽ sử dụng dòng điện cao tần.

Theo đó, bác sĩ dùng một thòng lọng điện, gồm một lõi dây kim loại được lồng trong vỏ nhựa để có thể trượt dễ dàng, cho tiếp xúc với phần phải cắt đi của khối u, tại đây dòng điện cao tần được chuyển thành nhiệt năng.

Toàn bộ quá trình cắt đốt và cầm máu được thực hiện nhờ kết hợp giữa nhiệt năng và lực cơ học do thòng lọng siết lại. Kết quả thực hiện trên 38 bệnh nhân cho thấy, 36 bệnh nhân (chiếm 94,8% bệnh) không có biến chứng. Chỉ có một số bệnh nhân bị tai biến chảy máu ngay sau cắt nhưng bác sĩ đã dùng kẹp clip cầm máu kịp thời, không có trường hợp tai biến nặng nào xảy ra.

Với kỹ thuật mới này bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau điều trị từ một đến ba ngày, giảm đáng kể thời gian nằm viện so với những phương pháp cũ.

Bác sĩ Tuyết khuyến cáo nếu phát hiện các triệu chứng như có máu trong phân, thay đổi thói quen đại tiện kéo dài trên một tuần hoặc đau bụng thì nên đi nội soi để phát hiện khối u kịp thời (nếu có) và xử lý ngay để tránh khối u gây ung thư ĐTT.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện khối u ĐTT là không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, tăng cường tập luyện thể thao, ăn nhiều rau xanh, giảm lượng chất béo nạp vào cơ thể…
 
Theo Tiền phong
Chia sẻ