Việt Nam, 19 năm và 2 kỳ SEA Games: Từ tuổi thơ đến tuổi trẻ, từ lần đầu tiên đến "nhà vua" của thể thao Đông Nam Á

HẠ VŨ,
Chia sẻ

SEA Games 22 là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á. SEA Games 31 là sự khẳng định vị trí số 1 khu vực của thể thao nước nhà. Quãng thời gian 19 năm, trải dài từ tuổi thơ đến tuổi trẻ của một cô bé sinh năm 2000.

Những ngày giữa tháng 5, Việt Nam chào đón hàng trăm VĐV, hàng ngàn du khách bạn bè từ 11 quốc gia Đông Nam Á đến tham dự đại hội thể thao lớn nhất khu vực - SEA Games 31. Vào 20h tối 12/5, Lễ khai mạc SEA Games 31 được tổ chức hoành tráng, ngày hội tranh tài của các VĐV cũng chính thức bắt đầu.

Trải qua hơn 10 ngày thi đấu chính thức, SEA Games 31 khép lại bằng trận chung kết bóng đá nam giữa Đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Thái Lan trên SVĐ Mỹ Đình. Và vào lúc 20h tối nay (23/5), Lễ bế mạc SEA Games 31 sẽ chính thức khép lại một kỳ đại hội thành công. 

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức đại hội thể thao lớn nhất khu vực kể từ SEA Games 22 năm 2003. Sau gần 20 năm, đặc biệt khoảng thời gian trì hoãn vì dịch bệnh, SEA Games 31 cuối cùng đã được tổ chức với màn khai mạc hoành tráng cùng thông điệp đầy ý nghĩa - Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn (For a stronger Southeast Asia).

Và hơn thế các kỳ SEA Games không chỉ trở thành nhịp cầu vững chắc kết nối Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN mà còn là tuổi thơ và tuổi trẻ của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 1.

Lễ khai mạc SEA Games 31 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, với màn trình diễn ngắn gọn nhưng đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam, tinh thần thể thao cao thượng và mối đoàn kết Đông Nam Á.

Từ tuổi thơ đến tuổi trẻ của "em bé SEA Games"

SEA Games 22 là kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á vô cùng ý nghĩa với thể thao Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung khi lần đầu tiên chúng ta đứng ra đăng cai tổ chức. Chưa dừng lại ở đó, kỳ SEA Games 2003 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên dẫn đầu đoàn với tổng số 346 huy chương, trong đó 158 huy chương vàng, 97 huy chương bạc, 91 huy chương đồng.

Với những ai đã theo dõi lễ khai mạc SEA Games 2003 tại SVĐ hoặc qua màn ảnh nhỏ, chắc hẳn không thể quên hình ảnh một bé gái có dán hình cờ Việt Nam trên má, nở nụ cười tươi cùng ánh mắt hồn nhiên ngắm nhìn màn pháo hoa rực rỡ. Hình ảnh rất đẹp tượng trưng cho khát vọng của Việt Nam, thể hiện niềm tin vào sự chuyển mình của thể thao và đất nước nói chung.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 2.

"Em bé SEA Games" tại lễ khai mạc cách đây 19 năm.

Sau 19 năm, SEA Games đã trở lại Việt Nam và “Em bé SEA Games” năm nào cũng trở thành một thiếu nữ tuổi đôi mươi. Tên em là Trần Thị Minh Ngọc, sinh năm 2000. Cách đây 4 năm, Minh Ngọc kể lại rằng:

"Ngày đó em bé tý, chẳng nhớ gì nhiều. Hôm ấy đi cùng bố mẹ, em chỉ nhớ là lúc bố em chỉ tay về phía màn hình lớn (ở SVĐ Mỹ Đình), em nhìn ra thì thấy mặt em ở đấy nên em ngại quá, cười toe toét."

Minh Ngọc chia sẻ rằng nếu có cơ hội, em rất muốn một lần nữa dự lễ khai mạc SEA Games 2021, kỳ SEA Games thứ hai mà Việt Nam có vinh dự được đăng cai tổ chức.

SEA Games 22 không những trở thành một phần của tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt Nam mà đối với những người trực tiếp tổ chức kỳ SEA Games đáng nhớ cũng trở thành một phần ký ức, thành tích đáng tự hào.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 3.

19 năm sau, "em bé SEA Games" giờ đây đã trở thành thiếu nữ.

Ông Nguyễn Hồng Minh giữ vai trò Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 22, đại hội Thể thao Đông Nam Á đầu tiên được tổ chức trên sân nhà. Gần 20 năm sau, nguyên lãnh đạo ngành thể thao vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết từ quá trình chuẩn bị tới khi lễ bế mạc kết thúc.

Trong quá trình chuẩn bị đăng cai SEA Games 22, tất cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều dành sự quan tâm tới sự kiện đặc biệt này.

Kết quả, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá SEA Games 22 là dấu ấn quan trọng, thành công rất tốt đẹp. Ông nói rằng không khí, tinh thần dân tộc Việt Nam giống như ngày chiến thắng 30/4/1975.

SEA Games 22 không chỉ trở thành kí ức của những người trực tiếp tổ chức mà đối với người dân nơi tổ chức các môn thi đấu cũng trở thành kỉ niệm khó quên.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 4.

Lễ khai mạc diễn ra hoành tráng

Sau 19 năm, Hòa Bình tiếp tục là một trong 12 tỉnh, thành được chọn để tổ chức các môn thi đấu. Hòa chung với không khí SEA Games 31 bằng việc tham gia đồng tổ chức môn xe đạp đường trường và địa hình từ ngày 14 - 22/5… cũng vì thế ký ức SEA Games 22, năm 2003 lại ùa về…

Ngày ấy, TP Hòa Bình vẫn còn là 1 thị xã nhỏ bé, khiêm nhường bên dòng sông Đà. Thị xã chỉ có 1 tuyến đường phố chính, lớn nhất chạy dọc qua phường Đồng Tiến, Phương Lâm (thực chất là QL6); vỉa hè đường Thịnh Lang bây giờ bên bờ trái sông Đà khấp khểnh, lỗ chỗ thủng. Tâm điểm đáng ghi nhận là thị xã có cây cầu Hòa Bình mà người dân hay gọi "cầu cứng” thay thế cho cây cầu phao bập bềnh mùa lũ. Chuẩn bị cho SEA Games 22, một số tuyến phố được lát lại vỉa hè, cảnh quan đô thị được chỉnh trang. 

Năm đó, người dân thị xã hồ hởi, phấn khởi vô cùng vì sự kiện thể thao này. Ngày khai mạc môn xe đạp đường trường tại khu vực nhà văn hóa thành phố đông nghịt người.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 5.

Sân Mỹ Đình luôn chật cứng khán giả khi có thi đấu

SEA Games 22 chính là kỳ SEA Games đặc biệt nhất, với nhiều mốc son đáng nhớ nhất trong lịch sử thể thao nước nhà.

Chúng ta đã thể hiện sự quyết tâm đăng cai, tổ chức thành công đại hội này với tất cả những gì có thể: Huy động tối đa nhân lực ở nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan; Đầu tư mạnh mẽ và đồng loạt về cơ sở vật chất tại nhiều tỉnh, thành (trong đó nổi bật nhất là Khu liên hợp thể thao quốc gia); Linh vật của đại hội – chú trâu vàng – là kết quả của một cuộc thi quy mô. Trong khi ấy, những giai điệu ngất ngây, hùng tráng của ca khúc “Vì một thế giới ngày mai” (nhạc sĩ Quang Vinh) hẳn còn vang vọng trong trái tim nhiều người hâm mộ thể thao cả nước mãi về sau.

Đường phố rợp cờ đỏ, băng rôn, biểu ngữ. Những dòng người nô nức đến các điểm thi đấu, đâu đâu cũng thấy biểu tượng trâu vàng và logo của SEA Games. Kể từ Tiger Cup 1998, sau 5 năm, người ta mới lại được chứng kiến những sóng người cuồn cuộn tưởng như bất tận trên SVĐ (lần này là SVĐ quốc gia Mỹ Đình chứ không phải sân Hàng Đẫy như trước đó).

Còn tại các nhà thi đấu, nơi các cuộc đấu diễn ra gay cấn và quyết liệt, người ta nghe được những tiếng hô vang dội “Việt Nam, Việt Nam”...

Những người hùng cống hiến cả tuổi trẻ mang vinh quang về cho Tổ quốc

Kết thúc SEA Games 31, Đoàn thể thao Việt Nam giành được 205 Huy chương Vàng, phá vỡ "kỷ lục" 194 Huy chương Vàng (HCV) mà đoàn Indonesia giành được ở SEA Games 19 tổ chức năm 1997.

Đây cũng là cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam kể từ khi tham gia tranh tài ở "đấu trường" Đông Nam Á. Và những thành tích này chính là tất cả nỗ lực của các VĐV vì tinh thần thể thao, vì vinh quang của Tổ Quốc.

Bởi họ đã cống hiến hết tuổi trẻ của mình cho thể thao, vinh quang của Tổ quốc, và danh dự của chính họ.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 4.

Vũ Thành An ăn mừng chiến thắng khi mang về chiếc HCV đầu tiên cho Đấu kiếm Việt Nam.

Trong ngày thi đấu 13/5, VĐV Phạm Quốc Khánh và Dương Thúy Vi đã thi đấu thành công môn Wushu khi giành được 2 tấm HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Tấm huy chương ấy không chỉ là tấm huy chương vàng đầu tiên của Wushu Việt Nam mà còn là tấm huy chương về sự bản lĩnh, cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà của các VĐV.

Sau khi giành được tấm huy chương đầy ý nghĩa, VĐV Phạm Quốc Khánh xúc động chia sẻ: "Bản thân là một vận động viên cũng đã có tuổi nên vấn đề về sức khỏe, chấn thương cũng là một trở ngại nhưng cuối cùng em cũng đã vượt qua được. Tấm HCV là niềm tự hào của em khi được góp phần vào vinh quang của thể thao nước nhà. Đặc biệt, em cũng muốn dành tặng món quà, chiến thắng và vinh quang này đến người thầy quá cố của mình…

Đây có lẽ là kỳ SEA Games cuối cùng của em, đặc biệt ở lần thi thứ 4 này được thi đấu trên sân nhà nên cũng có những áp lực riêng, nhưng động lực thì lại tăng lên gấp bội. Là một VĐV với kinh nghiệm hơn 23 năm thi đấu, vấn đề áp lực về thành tích và tâm lý em không còn, thay vào đó trước khi thi đấu em luôn xác định phải đạt được tâm lý ổn định nhất, biểu diễn với kỹ thuật tốt nhất không phụ lòng các HLV và cổ động viên".

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 5.

VĐV Phạm Quốc Khánh mở đầu "cơn mưa vàng" cho đoàn thể thao Việt Nam ngày thi đấu 13/5.

Cùng mang về vinh quang cho Wushu Việt Nam, VĐV Nguyễn Thị Thu Hà cũng nghẹn ngào chia sẻ:

"Với tâm lý "không còn gì để mất" sau khi thất bại ở các nội dung trước đó, em cùng hai đồng đội là Nguyễn Thị Huyền và Vương Thị Bình bước vào đấu chung kết đồng đội biểu diễn nữ. Xác định chỉ còn trận cuối cùng nên khi bước vào trận đấu, chúng em đều động viên nhau phải cố gắng, còn bao nhiêu sức lực hãy dồn hết cho trận đấu này, tập trung, bình tĩnh và quyết đấu…

Cảm xúc như vỡ òa khi đoạt HCV, em muốn chạy thật nhanh đến ôm lấy thầy cô, đồng đội khi mang được vinh quang về cho Tổ quốc."

Nguyễn Thị Thu Hà đã tham gia được 4 kỳ SEA Games, trước đó năm 2013 giành HCB, năm 2015 giành HCĐ, 2017 đạt HCV và kỳ SEA Games 31 này cô cùng đồng đội đã giành được HCV ngay trên sân nhà, với kết quả xuất sắc đầy thuyết phục.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 6.

Trong tổng số HCV mà đoàn thể thao Việt Nam giành được trong kỳ đại hội lần này, chiến thắng đến từ VĐV Vũ Thành An môn Đấu kiếm cũng vô cùng ý nghĩa.

Vũ Thành An chính là người đọc lời tuyên thệ trong lễ khai mạc SEA Games 31 vào tối 12/5 với lời hứa thi đấu hết mình vì danh dự, vì vinh quang thể thao. Và không phụ lòng người hâm mộ, Vũ Thành An đã làm đúng với những gì đã hứa và mang về tấm HCV đầu tiên cho Đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games 31.

Trước khi SEA Games diễn ra, Vũ Thành An chia sẻ: “Tôi sẽ nỗ lực tối đa để giành vàng SEA Games 31. Hai kỳ SEA Games 29 và 30, tôi cũng đã có được thành tích xuất sắc này nhưng đại hội ở Việt Nam cũng vừa áp lực mà cũng là động lực để tôi phấn đấu”.

Được biết đến là "ông hoàng" kiếm chém Đông Nam Á, Vũ Thành An là cái tên hàng đầu trong làng Đấu kiếm trên đấu trường khu vực. Vũ Thành An từng giành HCV nội dung kiếm chém cá nhân nam tại các kỳ SEA Games từ năm 2011 đến năm 2019 (trừ kỳ SEA Games năm 2013 đấu kiếm không có mặt trong chương trình thi đấu).

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 7.

Những pha tấn công chớp nhoáng thể hiện bản lĩnh của ông hoàng kiếm chém Đông Nam Á

Những cống hiến, vinh quang của các VĐV không chỉ phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt mà thậm chí là cả những nỗi đau.

Trong ngày thi đấu 13/5, thể thao Việt Nam đón nhận tin buồn khi VĐV Nguyễn Văn Phương của tuyển Wushu đã gục ngã ngay trên sàn thi đấu khi đang thực hiện bài thi. Khoảnh khắc ấy khiến tất cả người hâm mộ ngỡ ngàng và xót xa.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 8.

Khoảnh khắc Nguyễn Văn Phương ngã quỵ trên sàn đấu vì chấn thương khiến tất cả người hâm mộ không khỏi ngỡ ngàng

Mẹ của tuyển thủ này cho biết: "Phương đã bị đau gối từ hôm trước do tập luyện quá tải nhưng vẫn nỗ lực thi đấu".

Nguyễn Văn Phương là niềm hy vọng vàng của Wushu Việt Nam tại nội dung Thái cực quyền. Tuy nhiên chấn thương đã khiến chàng trai bỏ lỡ giấc mơ vàng SEA Games.

Thế nhưng tinh thần thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Nguyễn Văn Phương đã giành được mọi huy chương trong lòng người hâm mộ. Đó cũng là điều mà Nguyễn Văn Phương có quyền tự hào.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 11.

Những Huy Hoàng, Kim Sơn, Thanh Bảo, Quý Phước, Hưng Nguyên đã giúp bơi Việt Nam rạng danh ngay tại SEA Games được tổ chức trên sân nhà.

Sau điền kinh là thế mạnh với nhiều vàng nhất, thì bơi lội là bộ môn mang về nhiều HCV thứ 2 cho thể thao Việt Nam tại kỳ đại hội lần này. Với 11 HCV cùng nhiều kỷ lục SEA Games được xác lập, kỳ đại hội này là một thành công ngoài dự kiến của Bơi lội Việt Nam. Đóng góp vào những thành công đó của bơi lội phải kể đến những thành tích đầy tự hào của các VĐV trẻ.

Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước và Trần Hưng Nguyên đã xô đổ kỷ lục cũ 7 phút 17 giây 88 để lập kỷ lục SEA Games 31 ở nội dung 4x200m tự do nam với thành tích 7 phút 16 giây 31. 

Ở nội dung cá nhân, Phạm Thanh Bảo cũng đã phá kỷ lục 100 mét bơi ếch. Đáng chú ý nhất, kình ngư 19 tuổi Trần Hưng Nguyên thành VĐV Việt Nam đầu tiên phá kỷ lục 400m hỗn hợp cá nhân nam hai kỳ SEA Games liên tiếp. 

Cụ thể, Hưng Nguyên đã cán đích đầu tiên sau 4 phút 18 giây 10. Đây là lần thứ hai liên tiếp kình ngư Quảng Bình phá kỷ lục SEA Games ở nội dung này. Tháng 12/2019 tại Philippines, Hưng Nguyên về nhất với thời gian 4 phút 20 giây 65 và lập kỷ lục mới ở đại hội ở tuổi 16. Anh là kình ngư nam thứ hai của Việt Nam lập kỷ lục trong hai kỳ liên tiếp tính ở mọi nội dung, sau đồng hương Nguyễn Huy Hoàng.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 12.

Những VĐV như Trần Hưng Nguyên (19 tuổi) sẽ là thế hệ trẻ nối tiếp những đàn anh, đàn chị cống hiến cho thể thao nước nhà.

Trước khi SEA Games 31 diễn ra, Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước đã thẳng thắn chia sẻ:  “Sau Ánh Viên, bơi Việt Nam không còn một vận động viên nào đủ khả năng cày ải 4-6 HCV ở một kỳ SEA Games cả”. Nhận xét đó là sự thật không phải bàn cãi. Bởi 10 năm qua, Ánh Viên luôn là niềm hy vọng lớn nhất có thể liên tục giành Vàng trong mỗi kỳ đại hội.

Thế nhưng dù không còn một Ánh Viên “gánh team” nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm, Huy Hoàng, Kim Sơn, Thanh Bảo… cùng các đồng đội đã và đang giúp bơi Việt Nam lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn tại SEA Games, sau 3 kỳ liên tiếp trước đó chỉ về nhì.

Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Quốc Khánh, Nguyễn Thị Thu Hà, Vũ Thành An, Nguyễn Văn Phương... họ chỉ là một trong số rất nhiều VĐV đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho thể thao và mang vinh quang về cho nước nhà. 

Và với nhiều VĐV, đây sẽ là kỳ đại hội cuối cùng họ tham dự, thế nhưng nhìn lại những gì họ đã cống hiến cho thể thao Việt Nam qua những kỳ đại hội trước đó, qua những giải đấu châu lục, quốc tế... chúng ta phải thừa nhận rằng, tuổi trẻ của họ đã dành trọn cho thể thao nước nhà. 

Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng khi được giao nhiệm vụ, trọng trách họ đã gạt hết tất cả, nỗ lực hết mình thi đấu vì tinh thần thể thao, vì danh dự của một VĐV và trên tất cả là vì màu cờ sắc áo và vinh quang cho Tổ Quốc.

SEA Games 31: Thể thao gắn kết con người, xóa nhòa mọi khoảng cách

SEA Games không chỉ đơn thuần là sự kiện thi đấu thể thao của các quốc gia khu vực Đông Nam Á, mà đây còn là ngày hội thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, là nơi giao lưu các nền văn hóa.

Với niềm tự hào là nước chủ nhà SEA Games 31, mỗi cá nhân của Đoàn thể thao Việt Nam và các cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên phục vụ tại SEA Games phải là nhịp cầu, là đại sứ văn hóa của đất nước; đoàn kết, khắc phục khó khăn, giữ vững kỷ luật, đem hết tinh thần và năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc đăng cai tổ chức SEA Games cũng khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với phong trào thể thao khu vực Đông Nam Á; đồng thời, thể hiện Việt Nam là một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp hết mình vì sự phát triển và thịnh vượng của ASEAN.

Từ SEA Games đến SEA Games: SEA Games 22 là tuổi thơ - SEA Games 31 là tuổi trẻ - Ảnh 9.

CĐV Nam Định đã biến sân Thiên Trường thành sân nhà cho các đội đến thi đấu.

Lời cảm ơn của Đông Nam Á

Trên tinh thần này, mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, đã thể hiện tốt truyền thống văn hóa và lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp của đất nước đến bạn bè quốc tế.

Và truyền thông quốc tế cũng như du khách, bạn bè quốc tế khu vực đã không khỏi bất ngờ trước những gì mà người dân Việt Nam mang đến kỳ SEA Games lần này.

Tối ngày 11/5, đã có 16.100 khán giả có mặt trên sân Cẩm Phả theo dõi trận đấu giữa ĐT nữ Việt Nam và ĐT nữ Philippines. Đây là con số mà rất nhiều sự kiện lớn cũng chỉ biết mơ ước.

Việt Nam và 2 kỳ SEA Games cách nhau 19 năm: Từ tuổi thơ đến tuổi trẻ, từ lần đầu tiên đến "nhà vua" của thể thao Đông Nam Á - Ảnh 14.

SVĐ Cẩm Phả trong những ngày diễn ra các trận đấu luôn không còn một chỗ trống.

Ở bóng đá nam, không chỉ sân Việt Trì (Phú Thọ) có chủ nhà U23 Việt Nam tham dự, sân Thiên Trường (Nam Định) cũng khiến các đội bảng B thực sự hào hứng bởi sự nhiệt tình của khán giả.

U23 Thái Lan cảm thấy hào hứng khi thi đấu tại Thiên Trường. Truyền thông Malaysia cảm ơn người hâm mộ Nam Định khi tạo nên sự cuồng nhiệt để U23 của họ ngược dòng đánh bại đối thủ Thái Lan trong trận ra quân...

"Tôi vui mừng khi thấy người hâm mộ bóng đá Việt Nam ở trong sân với sự nhiệt huyết. Tôi đã ở trong môi trường bóng đá 16 năm rồi và cảm thấy bất ngờ về sự nhiệt huyết này. Tôi thích cảm giác của bầu không khí này, rất thân thiện và cảm ơn sự cổ vũ của người hâm mộ Việt Nam" - Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan tại SEA Games 31, nữ đại gia Nualphan đã phải thốt lên như vậy, sau trận mở màn bảng B đụng độ U23 Malaysia tối 7/5 vừa rồi.

Đây là trận đấu U23 Thái Lan thi đấu thất vọng, thua 0-1. Dù vậy, sau trận bà Nualphan vẫn cùng các cầu thủ đi vòng quanh SVĐ Thiên Trường, cảm ơn NHM chủ nhà đã cổ vũ cực kì cuồng nhiệt cho cả hai đội.

Việt Nam và 2 kỳ SEA Games cách nhau 19 năm: Từ tuổi thơ đến tuổi trẻ, từ lần đầu tiên đến "nhà vua" của thể thao Đông Nam Á - Ảnh 15.

Sau mỗi chiến thắng của đội nhà, n gười hâm mộ đổ ra đường ăn mừng.

Ngược về sáng 7/5, NHM Nam Định đã kéo tới rất đông trước khách sạn của U23 Lào, cổ vũ đội bóng này thi đấu trước U23 Singapore vào buổi chiều. Ấm áp trước tình cảm của NHM nước chủ nhà, toàn đội U23 Lào đã xuống gặp và cảm ơn.

Đặc biệt, vào tối qua 22/5, sau khi trận chung kết bóng đá nam kết thúc, hàng vạn người hâm mộ cả nước đã ùa ra đường để ăn ừng chiến thắng. Dù không phải là chuyện quá mới mẻ, thế nhưng netizen quốc tế cũng phải bất ngờ trước tình yêu thể thao của người hâm mộ Việt Nam

Nói không ngoa, đấy là hình ảnh cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử SEA Games, thể hiện tinh thần hiếu khách, yêu thể thao của người dân Việt Nam.

Việt Nam và 2 kỳ SEA Games cách nhau 19 năm: Từ tuổi thơ đến tuổi trẻ, từ lần đầu tiên đến "nhà vua" của thể thao Đông Nam Á - Ảnh 16.

Hình ảnh đã rất lâu rồi mới xuất hiện trở lại trên đường phố Việt Nam sau chiến thắng của đội nhà cũng là hình ảnh khép lại một kỳ Đại hội thành công của Việt Nam

Việt Nam và Đông Nam Á sẵn sàng chào đón một kỷ nguyên mới sau đại dịch

Người hâm mộ khu vực từng nghĩ đến việc SEA Games bị gián đoạn lâu hơn nữa bởi các quốc gia phải căng mình cho mặt trận chống Covid-19. Việc kỳ SEA Games lần thứ 31 chỉ hoãn nửa năm là thành công lớn của Chính phủ Việt Nam.

"Chúng ta phải cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã kiên trì trong việc tổ chức đại hội, bất chấp nhiều trở ngại mà đặc biệt là Covid-19. Nhờ vậy, đại hội thể thao quan trọng nhất khu vực không bị gián đoạn", tờ Thai Rath bình luận.

Rất nhiều VĐV chuyên nghiệp, những người đã chuẩn bị rất kỹ và nuôi giấc mơ SEA Games từ nhiều năm qua, thể hiện sự hạnh phúc khi sự kiện được tổ chức. Tất cả đều có chung một tiếng nói: "Cảm ơn Việt Nam!".

SEA Games 31 là minh chứng rõ ràng nhất cho việc 11 quốc gia Đông Nam Á đã sẵn sàng chào đón một kỷ nguyên mới sau ảnh hưởng của đại dịch.

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai ngày hội. 19 năm trước, SEA Games 22 mang đến những thành công lớn cho nước nhà.

Tại SEA Games 22, ngoài việc xếp đầu về số huy chương với tư cách chủ nhà, Việt Nam được thế giới ghi nhận bước nhảy vọt về kinh tế.

Theo thống kê, vào năm 2005 - hai năm sau đại hội - tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân của nước ta nhảy vọt 7%. Con số này giúp Việt Nam lọt vào nhóm nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Thái Lan đã khai thác tối đa những lần làm chủ nhà SEA Games để phát triển nhiều khía cạnh xã hội trong 60 năm qua, đặc biệt là du lịch.

Nhiều chuyên gia Đông Nam Á nhận định, SEA Games 31 sẽ giúp Việt Nam đạt bước tiến mạnh sau Covid-19, với GDP tăng trưởng ước tính 6,5%.

Chia sẻ