Viết câu chúc mừng sinh nhật bạn mãi vẫn sai chính tả, bé gái TP.HCM ghi 2 chữ khiến mẹ cười đau bụng

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Trẻ nhỏ đúng là luôn có những màn “sáng tạo” vượt xa suy nghĩ người lớn.

Mới đây, một bà mẹ ở TP.HCM chia sẻ tình huống dở khóc dở cười của con gái đang học lớp 1. Được biết, em học sinh này làm bài tập ghi câu "Chúc mừng sinh nhật bạn” nhưng viết mãi mà vẫn sai. Thay vì ngồi làm lại cho đến khi được mới thôi, cô bé đã ghi 2 chữ “Bỏ cuộc” rồi… đi ngủ. Hành động bá đạo này khiến phụ huynh "đứng hình". Chia sẻ của bà mẹ thu hút sự chú ý. Nhiều người cho biết, họ như thấy hình ảnh của con mình đâu đây.

Nhìn hình ảnh bà mẹ đính kèm cũng thấy hành trình vật lộn với con chữ của "tân binh lớp 1" không hề dễ dàng. Chữ “chúc” thì ghi nhầm thành “chút”; “mừng” thành “mầng”; chữ “sinh” cũng ghi mấy lần mới tạm ổn. Cuối cùng, chỉ có "bỏ cuộc" là đúng chính tả.

Viết câu chúc mừng sinh nhật bạn mãi vẫn sai chính tả, bé gái TP.HCM ghi 2 chữ khiến mẹ cười đau bụng - Ảnh 1.


Tiểu học là "nấc thang" đầu tiên trên con đường học tập. Nếu ở cấp mầm non, trẻ còn có thể lười biếng một chút thì cấp tiểu học sẽ cần nghiêm túc, nề nếp hơn rất nhiều, con cũng cần tiếp thu nhiều bài học hơn. Những tâm tư, lo lắng của phụ huynh cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, đừng vì nôn nóng mà ép buộc và tạo áp lực cho con. Một giáo viên tiểu học ở TPHCM cho biết, ở lớp 1, nếu cần rèn viết ở nhà, thời lượng bài tập phải giải quyết chỉ nên tối đa khoảng 30 phút/ngày. Đặc biệt, phụ huynh nên dành thời gian cùng con học hằng ngày vì giai đoạn đầu trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi trẻ học theo chương trình mới sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Khi theo dõi quá trình học của con, phụ huynh sẽ biết được con có theo kịp chương trình hay không, gặp khó khăn chỗ nào để hướng dẫn thêm.

Hãy cho các em một không gian thuận lợi để học (không khí yên tĩnh, không bị phân tâm), sẵn sàng cho con một gợi ý khi cần để đứa trẻ biết rằng nếu chúng thực sự gặp khó khăn sẽ có người lớn giúp đỡ.

Thứ hai là rèn luyện cho trẻ khả năng tự phát hiện vấn đề và sửa chữa lỗi sai. Trẻ tự làm sẽ có cái sai, khi đó mới biết trẻ cần cải thiện cái gì và có ý thức học hơn. Chỗ nào khó quá thì ghi chú lại hôm sau lên lớp hỏi thầy cô (rèn khả năng đặt câu hỏi, khả năng tìm tòi học hỏi, tránh thụ động trong học tập). Quan trọng là trẻ phải có ý thức tự học, biết tìm tòi. Thứ ba là ít phê bình, cằn nhằn mà nhường nhịn, hướng dẫn, tin tưởng nhiều hơn.

Phụ huynh thật sự cần theo sát con, đừng giao hết cho giáo viên với quan niệm con chỉ cần học ở trường là đủ. Sự đồng hành của phụ huynh như là một điểm tựa để con có thể chia sẻ những vấn đề, khó khăn mà con gặp phải khi đi học.

Chia sẻ