Viết bài luận về bức tranh thêu chữ thập, nữ sinh Hà Nội đậu ngay ĐH Stanford: Những điều to lớn luôn bắt đầu từ thứ nhỏ nhặt!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Chính sự dũng cảm đối mặt thách thức và khả năng tự hoàn thiện không ngừng đã giúp Khánh Linh ghi dấu ấn đặc biệt.

Mùa tuyển sinh đại học năm nay chứng kiến thành tích xuất sắc của Đặng Khánh Linh, học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội), khi em liên tiếp nhận thư chấp nhận từ nhiều trường danh giá.

Đặc biệt, Linh trúng tuyển vào Đại học Stanford – đứng top 3 toàn cầu, tỷ lệ chấp nhận chỉ 4%. Linh cũng nhận thư trúng tuyển của Đại học Michigan (top 19 toàn cầu), Đại học Melbourne (top 27), Boston University và nhiều trường hàng đầu khác. Tổng giá trị học bổng em nhận được lên tới hơn 11,5 tỷ đồng.

Sinh ra tại Pháp trong gia đình có bố mẹ đều là Tiến sĩ Luật, Linh có một nền tảng giáo dục phong phú. Năm 3 tuổi, em cùng gia đình trở về Việt Nam, theo học tại nhiều môi trường khác nhau: Bậc tiểu học, em học tại Trường Thực Nghiệm; lớp 6 đến giữa lớp 7: Du học Mỹ trong 1,5 năm. Sau đó Linh về nước và gắn bó với Olympia đến hết cấp 3.

Viết bài luận về bức tranh thêu chữ thập, nữ sinh Hà Nội đậu ngay ĐH Stanford: Những điều to lớn luôn bắt đầu từ thứ nhỏ nhặt! - Ảnh 1.

Đặng Khánh Linh

Một số thành tích của Khánh Linh:

Điểm SAT 1540 từ năm lớp 10.

IELTS 8.0, điểm IB (tú tài quốc tế) dự đoán ở mức xuất sắc.

Huy chương vàng viết luận tại Vòng Chung kết Thế giới World Scholar's Cup tại Đại học Yale, Mỹ.

Huy chương vàng cá nhân và đồng đội tại World Scholar's Cup vòng Khu vực tại Bangkok, Thái Lan.

Sáng lập viên Tạp chí Thanh niên Việt Nam, nghiên cứu và xuất bản hơn 40 bài phân tích chính sách.

Đồng Chủ tịch câu lạc bộ tranh biện D-DOXA tham gia các giải quốc gia và quốc tế lớn.

Lợi thế nhờ sinh ra trong gia đình có truyền thống về Luật

Ngay từ năm lớp 10, Khánh Linh đã xây dựng kế hoạch du học một cách bài bản. Thời điểm bắt đầu, có lúc em cảm thấy lạc hướng. Nhưng khi có chiến thuật rõ ràng – chọn một lĩnh vực cụ thể để mọi hoạt động ngoại khóa, bài luận, dự án đều liên kết chặt chẽ với nhau – thì mọi thứ trở nên hợp lý và có trọng tâm hơn. 

Với Linh đó là lĩnh vực Luật và chính sách công, khoa học chính trị... Em tập trung phân tích những định kiến giới và cách chúng định hình số phận, vị thế của trẻ em, người phụ nữ trong xã hội.

Tình yêu với lĩnh vực pháp lý được hun đúc từ sớm trong em nhờ lớn lên trong gia đình có cả bố và mẹ đều là Tiến sĩ Luật. Bữa cơm gia đình Linh thường là nơi thảo luận sôi nổi về các vấn đề chính trị, kinh tế thế giới, hay thậm chí là những chủ đề nhạy cảm như hôn nhân đồng giới. 

Linh được bố mẹ khuyến khích phát triển tư duy độc lập, hình thành tư duy phản biện sắc bén và cái nhìn đa chiều về xã hội. Bố mẹ cũng hướng dẫn em rất nhiều trong việc viết nghiên cứu hay kết nối giúp em với các anh chị đi trước để học hỏi kinh nghiệm.

Nhờ sự giới thiệu của bố, Linh đã có cơ hội làm việc với một nghiên cứu sinh Tiến sĩ về đề tài bảo vệ quyền trẻ em. Khi biết chị cần một người ở Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, Linh quyết định làm đầu mối Việt Nam, thu thập tư liệu, khảo sát ở các trường cấp 3... 

Nghiên cứu "Quyền lên tiếng của trẻ em" mà Linh cộng tác cùng chị thực hiện vào khoảng năm 2023, hoàn thành xong giữa năm 2024 sau đó được đăng trên các tạp chí chuyên ngành.

Công trình đầu tiên đã trở thành bước đệm quan trọng, giúp Linh có cơ hội tiếp tục khám phá và trở thành nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo. Bài thứ 2 của Linh cũng về "Thúc đẩy quyền bình đẳng giáo dục cho trẻ em Việt Nam".

Ngoài nghiên cứu, Linh còn đồng sáng lập một trang báo trực tuyến nhằm phân tích các vấn đề pháp lý bằng ngôn ngữ dễ tiếp cận dành cho giới trẻ. Chỉ trong vòng một năm, trang báo đã xuất bản hơn 40 bài viết với sự tham gia của một nhóm bạn cùng chí hướng.

Bên cạnh đó, em cũng tích cực tham gia dự án "Her Story", hướng tới việc nâng cao nhận thức về nữ quyền và sức khỏe sinh sản cho học sinh nữ tại Hòa Bình. Dự án này không chỉ tổ chức các buổi hội thảo mà còn gây quỹ để cung cấp sản phẩm vệ sinh miễn phí cho nữ sinh, góp phần cải thiện điều kiện sống và giáo dục cho các em nhỏ.

Bài luận ý nghĩa từ những "mũi khâu"

Bài luận chính nộp cho các trường ở Mỹ của Khánh Linh bắt đầu với một hình ảnh bình dị nhưng sâu sắc – những bức tranh đan thêu. Hồi nhỏ, Linh thích thú ngắm nhìn người thân cặm cụi với từng sợi chỉ, từng đường khâu nhỏ bé nhưng tỉ mỉ, dần dần tạo thành một bức tranh lớn hoàn chỉnh.

Linh nhận ra rằng, những điều vĩ đại không bao giờ xuất hiện ngay lập tức – cũng như một cuộc cách mạng luôn bắt đầu bằng một "mũi khâu". Niềm đam mê với các vấn đề xã hội của Linh cũng vậy. 

Chẳng hạn, một trong những chủ đề mà Linh đặc biệt quan tâm là bình đẳng giới và hôn nhân đồng giới. Em nhớ lại những lần trò chuyện với bố mẹ, nơi hai thế hệ với những góc nhìn khác nhau đôi khi dẫn đến những cuộc tranh luận không hồi kết.

Linh biết rằng để thay đổi một quan điểm không thể chỉ bằng một cuộc tranh luận duy nhất. Thế là em bắt đầu như cách mẹ thêu tranh – từng "mũi khâu" một.

Em gửi cho bố mẹ những bài báo khoa học về quyền bình đẳng, chia sẻ những câu chuyện có thật về những người trong cộng đồng LGBTQ+ mà em biết. Những cuộc trò chuyện nhỏ dần dần trở thành những buổi thảo luận sâu sắc hơn. Sau một thời gian, Linh nhận ra rằng bố mẹ không chỉ lắng nghe mà còn đặt câu hỏi, thể hiện sự quan tâm thực sự đến những vấn đề em đang đấu tranh.

Câu chuyện với bố mẹ chỉ là một ví dụ nhỏ trong hành trình mà Linh đang đi. Em biết rằng bình đẳng giới hay bất kỳ cuộc cách mạng xã hội nào cũng không thể đạt được chỉ sau một đêm. Nhưng em tin vào những bước chân nhỏ, những hành động kiên trì, giống như những mũi khâu tưởng chừng vụn vặt nhưng lại tạo nên một bức tranh lớn.

Bên cạnh bài luận chính, Linh còn hoàn thành thêm những bài luận phụ với độ dài đa dạng, từ 20 đến 300 từ, tùy theo yêu cầu của từng trường. Trong số đó, bài luận dành cho Đại học Boston để lại ấn tượng sâu sắc nhất với em. Linh kể về kỷ niệm nấu món thịt kho tàu cùng bác. 

Khi ấy, thay vì dùng nước đường như thông thường, bác bất ngờ đổ Coca-Cola vào nồi. Linh vô cùng ngạc nhiên, thậm chí nghi ngờ. Nhưng khi nếm thử, em nhận ra đó là đĩa thịt kho ngon nhất từng thưởng thức. Trải nghiệm ấy dạy em bài học quý giá: Để khám phá những điều tuyệt vời, ta phải dám bước ra khỏi vùng an toàn và mở lòng đón nhận cái mới.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác là buổi phỏng vấn trực tiếp với Đại học Stanford sau Tết. Thay vì tập trung vào thành tích hay hoạt động ngoại khóa, nữ nghiên cứu sinh Tiến sĩ của trường đặt ra những câu hỏi thử thách tư duy, như: "Nếu làm luật sư bảo vệ một thân chủ phạm tội giết người, em sẽ cân bằng giữa đạo đức cá nhân và trách nhiệm nghề nghiệp như thế nào?". Câu hỏi buộc Linh phải phân tích sâu về đạo đức nghề luật, đồng thời thể hiện khả năng phản biện linh hoạt.

Qua hai trải nghiệm ấy, Linh nhận ra rằng các trường đại học Mỹ không chỉ tìm kiếm ứng viên xuất sắc về học thuật, mà còn đánh giá cao những cá nhân dám nghĩ khác, dám thử nghiệm và có chiều sâu trong suy nghĩ.

Khiêm tốn nhưng ẩn chứa ý chí phi thường

Thạc sĩ Garima Gupta, giáo viên IB tại Olympia cho biết Khánh Linh thực sự nổi bật với khát khao phát triển không ngừng. Em luôn nỗ lực tìm kiếm các thông tin, kiên trì nghiên cứu vấn đề ở nhiều khía cạnh để khám phá ra những sắc thái ý nghĩa sâu hơn mà người khác có thể bỏ qua. 

Khi cân nhắc giữa Stanford và Boston University, Linh đối mặt với một quyết định quan trọng. Trong khi Stanford là giấc mơ của nhiều học sinh với danh tiếng toàn cầu, thì Boston University lại trao cho em một suất học bổng toàn phần, kèm theo cơ hội tham gia vào nhóm 60, 70 học giả tinh hoa của trường. Nhóm này có những hoạt động riêng, ưu đãi hơn trong việc giúp đỡ nghiên cứu, học tập, kết nối sâu hơn với các giảng viên ở trường.

Hiện tại, em chưa quyết định sẽ làm việc tại Mỹ hay Việt Nam, nhưng chắc chắn rằng, hành trình của em vẫn tiếp tục với từng "mũi khâu" nhỏ bé nhưng bền bỉ, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Chia sẻ