Con biết đọc viết tiếng Anh nhưng NGẠI NÓI? Bí quyết KHÔNG TỐN KÉM của bà mẹ Hà Nội giúp con học nói tại nhà CỰC DỄ
Học nói tiếng Anh chưa bao giờ dễ đến thế!
Phụ huynh chỉ cần đồng hành 15 phút mỗi ngày – con sẽ dần yêu việc nói tiếng Anh hơn bao giờ hết. Đây là đúc kết của chị Nguyễn Thị Hồng Liên, một bà mẹ 2 con đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở Hà Nội, sau khi tìm hiểu nhiều phương pháp học tiếng Anh.
Chị Liên đã có hơn 15 năm đồng hành cùng 2 con học tiếng Anh tại nhà với nhiều cách thức khác nhau. Con trai lớn của chị hiện đã học xong lớp 11 ở một trường công ở Việt Nam và lấy bằng THPT Mỹ online. Em cũng apply và nhận được học bổng của một số trường đại học ở Mỹ, hiện đang là du học sinh. Năm lớp 11, con trai lớn của chị Liên thi IELTS được 8.0 còn con trai thứ hai đạt band điểm IELTS 7.0 từ năm lớp 9.
Bà mẹ này luôn dành thời gian lên kế hoạch với những lộ trình học rõ ràng theo từng độ tuổi cho các con. Theo chị Liên, với giai đoạn tiểu học, phụ huynh học sinh đã phải giúp con thấy tự tin khi nói tiếng Anh, yêu thích tiếng Anh. Như vậy, đến giai đoạn này các con cần tập trung học nâng cao ở tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và có thể nghe giảng 100% bằng tiếng Anh.
Các bộ sách: Bộ sách ngữ pháp và từ vựng B1 và B2: Destination B1 + B2 của NXB Macmillan; Sách luyện viết Great writing quyển 2 tương đương B1, quyển 3 tương đương B2, quyển 4 tương đương C1; Làm quen với phần đọc ở bộ Complete IELTS 4-5.
Ngoài ra chị Liên đặc biệt luyện nghe tăng cường cho con, mỗi ngày nghe 1 đoạn tin tức trên các kênh nước ngoài hoặc một số kênh cá nhân như Rachel's English. Chị Liên cũng tận dụng các bài Ted Talk để con nghe theo các bước. Lần 1: Nghe hiểu nội dung. Lần 2: Nghe và chép lại bằng tiếng Anh (chép 5 phút, không cần chép hết cả bài). Lần 3: Nghe nói theo.
Chị Liên cũng cho con dùng thêm Elsa Speaking để luyện phát âm mỗi ngày 10 - 15 phút, phần luyện chung các âm và luyện theo topic. Bên cạnh đó, nên chọn các bộ phim hợp độ tuổi cho con xem và không nhìn phụ đề. 1 tuần 1 phim cũng đủ cải thiện phần nghe – nói rất nhiều.
Theo bà mẹ này, hiện nay với sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo, cùng các ứng dụng và nhiều chương trình tiếng Anh online hỗ trợ, việc học tiếng Anh càng dễ dàng. Một trong những "chướng ngại vật" của học sinh Việt Nam là ngại nói cũng có thể cải thiện ở nhà, miễn cha mẹ chịu khó đồng hành cùng con.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên
1. Giúp con "dám nói"
Muốn con tự tin nói tiếng Anh? Việc đầu tiên không phải là sửa lỗi – mà là tạo một nơi con được an toàn để… DÁM NÓI.
- Đừng vội bắt lỗi, hãy bắt đầu bằng một nụ cười và lời khen. Khi con nói tiếng Anh, dù sai – điều quan trọng nhất là con đã dám nói. Mỗi lần con nói là một bước tiến của sự can đảm. Hãy nói: "Con đang làm rất tốt!"/ "Mẹ rất tự hào vì con đang cố gắng!". Bởi vì chỉ khi thấy an toàn, con mới dám mở lời.
Nếu bố mẹ không giỏi tiếng Anh – càng tuyệt vời! Thay vì dạy con, hãy học cùng con. Hỏi con: "Câu này nói sao nhỉ?"/"Con phát âm giúp mẹ nhé!". Khi được dạy lại, não con sẽ ghi nhớ nhanh và sâu hơn. Và quan trọng nhất – con cảm thấy mình giỏi, mình giúp được người lớn, điều đó tăng động lực nội tại rất lớn.
- Biến tiếng Anh thành "ngôn ngữ của gia đình", không phải bài kiểm tra. Hãy bắt đầu bằng những điều gần gũi: Nói về thú cưng. Hỏi con thích ăn gì. Cùng kể chuyện đi chơi cuối tuần bằng vài câu tiếng Anh. Khi đó, tiếng Anh trở thành công cụ để chia sẻ cảm xúc, chứ không còn là môn học khô cứng.
- Tạo "góc tiếng Anh" tại nhà và khung giờ nói tiếng Anh cố định: Não bộ con người rất thông minh: nơi nào lặp lại một hành vi thì nơi đó sẽ kích hoạt hành vi đó nhanh hơn.
Hãy chọn 1 khung giờ (Ví dụ: 8h30 - 9h tối), khi cả nhà thư giãn. Trang trí một góc nhỏ trong nhà: Vài bức tranh, cuốn sách, bảng từ vựng dễ thương. Đặt luật: Khi vào góc đó chỉ nói tiếng Anh, kể cả sai cũng không sao. Dần dần, bộ não sẽ ghi nhớ đây là "không gian của tiếng Anh", và con sẽ vào guồng nhanh hơn mỗi lần học. Khi đã quen nói ở nhà, bố mẹ có thể đưa con ra công viên, siêu thị hay quán cà phê – tiếp tục luyện nói trong không gian mới, để tập nhìn cái gì cũng tư duy ngay sang tiếng Anh.
2. Luyện nói thật, không phải học thuộc
✅ Dùng công cụ AI Speaking để luyện nói hàng ngày (áp dụng theo Four Strands – Paul Nation Handout 1 Four-strands):
• Bước 1: Meaning-focused input: Cho con nghe mẫu hội thoại ngắn, chủ đề quen thuộc (Ví dụ: Greetings, ordering food). Công cụ: Beespeaker AI, Sivi AI chuyên dạy nói với AI, YouTube Kids + AI như ELSA Speak, Google Gemini, chat GPT, TalkPal…
• Bước 2: Meaning - focused output: Yêu cầu con nói lại theo ý hiểu, hoặc thay đổi thông tin trong mẫu (Ví dụ: Đổi "I like pizza" thành "I like noodles").
• Bước 3: Fluency development: Luyện nói lại nhiều lần cùng bố mẹ hoặc AI chatbot. Ưu tiên phản xạ nhanh hơn là đúng ngữ pháp.
• Bước 4: Language - focused learning: Chỉ sửa nhẹ 1-2 lỗi phát âm/Ngữ pháp sau khi con hoàn tất phần nói. Nếu giao tiếp với AI chuyên luyện speaking có trả phí, nó sẽ không cho qua bài nếu nói không chuẩn, nên con sẽ tập đi tập lại cho đến khi nghe hiểu thì mới cho qua.
3. Các công cụ AI Speaking dễ dùng tại nhà

Bảng nhận xét từng loại AI
4. Học mà như chơi
Các phương pháp: 5 giây nói câu chứa từ vựng/Lồng tiếng hoạt hình/ Nói chuyện với AI về điều con thích: Minecraft, Pokemon… Không ép con học thuộc – hãy để con nói theo cách của mình. Mỗi ngày 1 tình huống – luyện cùng AI rồi nói lại với bố mẹ. Ghi âm lúc con nói để con nghe lại và thấy mình tiến bộ.
"Một đứa trẻ dám nói tiếng Anh không bắt đầu từ sách vở, mà bắt đầu từ ánh mắt khích lệ, lời khen chân thành và những khoảnh khắc nói chuyện gần gũi trong gia đình. Bố mẹ chính là người truyền cảm hứng tuyệt vời nhất", chị Liên nói.