Viên rau chứa 32 loại rau củ, giá cả đắt đỏ có tác dụng thế nào với sức khỏe?
Viên rau được cho là sản phẩm giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cho người lười ăn rau. Vậy, viên rau có tác dụng như thế nào đối với sức khỏe?
Thời gian gần đây, viên rau được quảng cáo khá rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội. Trên một trang bán hàng trực tuyến giới thiệu viên rau củ có thể bổ sung được 32 loại rau củ quả, cung cấp nhiều chất xơ dành cho những người bận rộn không có thời gian ăn rau xanh hay ghét ăn rau.
Ngoài bổ sung chất xơ, viên rau củ còn được giới thiệu bổ sung thêm lợi khuẩn lactic, men và vitamin E có thể đem lại cho bạn sự thanh thoát và trẻ trung. Trong đó, mỗi viên rau được quảng cáo có chứa 1.000 tỷ nấm men và lợi khuẩn acid lactic, giữ vai trò cải thiện hệ tiêu hóa. Cùng với đó, viên rau cũng bổ sung vitamin E cho cơ thể, giúp duy trì sự mịn màng, khỏe mạnh cho làn da…
Theo lời khuyên, một người chỉ cần uống 4 viên/ngày là có thể cung cấp một cách đầy đủ và hiệu quả lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là đối với người ăn ít rau.
Được biết các các viên rau được giao bán tại thị trường Việt Nam đều có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản và có giá không hề rẻ. Trung bình giá dao động từ 150.000đ cho gói 15 ngày sử dụng và 400.000đ cho gói 30 ngày sử dụng.
Viên rau có chứa nhiều dinh dưỡng và tốt như những lời quảng cáo hay không?
TS. Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam) chia sẻ, ăn rau tươi chắc chắn sẽ tốt hơn. Việc chế biến rau không mất quá nhiều thời gian, một mớ rau mua ngoài chợ cũng rất rẻ, đủ cho cả nhà ăn. Trong khi đó, giá một viên rau không hề rẻ. Quá trình sấy khô rau mất nhiều công đoạn chế biến nên dinh dưỡng sẽ bị hao hụt, sử dụng viên rau lúc này sẽ chỉ giúp cơ thể lấy chất xơ.
Viên rau củ chỉ là giải pháp tình thế, ngắn ngày, chỉ sử dụng trong điều kiện không thể ăn rau, ăn rau không đủ khối lượng như: đi du lịch, đi đến nơi thiếu thực phẩm.
Người dân vẫn nên ăn rau củ quả tươi thay vì chỉ dùng viên rau. Khi ăn rau TS. Từ Ngữ lưu ý, nên ăn cả cái và nước. Vì có nhiều vitamin hoà tan vào trong nước khi luộc rau.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, bình thường khi rau tươi sơ chế, chế biến rau đã mất đi một lượng dinh dưỡng nhất định. Vitamin khi gặp nhiệt độ cao (luộc, chiên, xào) sẽ hao hụt dưỡng chất rất nhiều. Nếu rau trải qua quá trình sấy khô, ép thì phần lớn chỉ còn xác rau (chất xơ). Sử dụng các loại rau dạng viên sẽ không cung cấp đủ vitamin và dinh dưỡng cho cơ thể.
Ngoài ra, viên rau tiện lợi nhưng cũng sẽ làm mất đi hương vị của rau, thay vào đó là những hương liệu công nghiệp cho thêm vào trong quá trình sản xuất, đóng gói.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành cần 400gram rau/trái cây hàng ngày. Tuy nhiên, theo công bố điều tra tại Việt Nam có hơn một nửa số dân số trưởng thành nước ta (57,2%) ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Trong đó, nam giới lười ăn rau xanh hơn nữ giới, với 61,3% nam giới và 51,4% nữ giới chưa ăn đủ lượng rau xanh so với khuyến cáo.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2017 đã chỉ ra, người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ thường ăn rất ít rau: họ chỉ ăn khoảng 170 - 200g/ngày - bằng 1/2 mức khuyến cáo của WHO. Trong khi đó, lượng thịt được tiêu thụ đôi khi lại gấp 2 - 3 lần lượng rau. Ngoài ra, lượng cá chúng ta ăn cũng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 60g/ngày, bằng 1/5 khuyến cáo của WHO.