Viên ngọc nghìn tỷ trong mộ Từ Hy và những bí ẩn gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử TQ

TRẦN QUỲNH,
Chia sẻ

Những bí ẩn lịch sử liên quan tới các nhân vật nổi tiếng như Từ Hy, Dương Quý Phi, Hạng Vũ, Hòa Thân... vẫn đang được hậu thế đi tìm lời giải đáp.

Trong suốt chiều dài hàng thiên niên kỷ, lịch sử Trung Quốc từng để lại nhiều bí mật khơi gợi sự tò mò và trí tưởng tượng của hậu thế.

Có những bí ẩn trải qua hàng ngàn năm cuối cùng cũng đã được người đời sau làm rõ. Nhưng cũng còn những điều cho tới bây giờ chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Vậy những bí mật nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa cho tới ngày nay vẫn chưa có lời giải là gì? Hãy cùng Soha.vn "vén rèm" 4 bức màn bí ẩn ấy ngay sau đây!

Bí ẩn thứ nhất: Tung tích thi thể Dương Quý Phi

Viên ngọc nghìn tỷ trong mộ Từ Hy và những bí ẩn gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử TQ - Ảnh 1.

Lăng mộ được cho là của Dương Quý Phi tại tỉnh Thiểm Tây. (Trung Quốc).

Dương Quý Phi (719 – 756) còn có tên gọi là Dương Ngọc Hoàn. Bà là ái phi của Hoàng đế Đường Huyền Tông và được lịch sử Trung Quốc ghi nhận là vị cung phi nhận được sủng ái hiếm có.

Với tư sắc diễm lệ của mình, Dương Quý Phi cũng được người đời sau xếp vào danh sách "Tứ đại mỹ nhân" trong lịch sử Trung Hoa cùng với những tên tuổi như Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Tây Thi.

Mặc dù sở hữu sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nhưng số phận của Dương Quý Phi lại có phần bạc mệnh vì bị người thời bấy giờ cho là "họa hồng nhan".

Vào năm 755, An Lộc Sơn khởi binh làm phản, lấy cớ là thanh trừng Dương Quốc Trung (anh trai Dương Quý Phi), sử cũ gọi là An Sử chi loạn.

Khi đó, Đường Huyền Tông buộc phải đem theo Dương Ngọc Hoàn và Dương Quốc Trung chạy trốn. Bấy giờ Trần Huyền Lễ khi đó cầm đầu đoàn quân binh hộ giá đã thay mặt binh lính lên tiếng cầu xin nhà vua xử tử Quý phi và Dương Quốc Trung.

Đường Huyền Tông vốn muốn ân xá cho ái phi của mình, nhưng sĩ tốt ba quân đều cho rằng Dương Ngọc Hoàn là mối họa vong quốc, An Sử chi loạn vốn là do bà gây ra, không giết khó chấn an tinh thần, khó yên lòng quân, vì vậy liền tiếp tục gây sức ép cho Hoàng đế.

Cuối cùng, Huyền Tông không còn cách nào khác, chỉ bất đắc dĩ đành tiếp nhận lời khuyên của Cao Lực Sĩ, ban cho ái phi của mình một dải lụa trắng.Tương truyền rằng, vị mỹ nhân được sủng ái nhất thời nhà Đường ấy đã tự kết thúc cuộc sống của mình bằng cách treo cổ ở gốc cây lê trước một Phật đường.

Sau khi bình định An Sử chi loạn, Đường Huyền Tông từng phái người đi tìm di thể của Dương Quý phi nhưng chẳng có lấy một mảnh tin tức.

Nhiều giai thoại truyền lại rằng, rất có thể vị Quý phi ấy đã không tuân theo lệnh vua, bí mật trốn sang Nhật Bản để sống nốt phần đời còn lại ở nơi xa xôi ấy. Vì vậy, Nhật Bản ngày nay vẫn còn lưu lại một đền thờ được dựng nên để thờ phụng mỹ nhân họ Dương.

Thế nhưng, hầu hết mọi người đều tin rằng Dương Quý Phi quả thực đã qua đời trong trận biến loạn năm ấy. Chỉ có điều tung tích thi thể của mỹ nhân họ Dương ấy được chôn cất ở nơi đâu thì vẫn chưa một ai dám chắc.

Bí ẩn thứ hai: Lý do Hạng Võ không chịu qua Giang Đông

Viên ngọc nghìn tỷ trong mộ Từ Hy và những bí ẩn gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử TQ - Ảnh 2.

Phải chăng cái chết của Ngu Cơ là một trong những lý do khiến Hạng Vũ cũng lựa chọn việc tuẫn tiết. (Hình minh họa).

Nhắc về cái chết của Tây Sở Bá Vương Hạng Võ, người ta lại không khỏi nhớ đến đôi dòng cảm thán của nữ thi sĩ thời nhà Tống là Lý Thanh Chiếu bên bờ Ô Giang:

"Chí kim tư Hạng Võ

Bất khả quá Giang Đông".

(Tạm dịch: "Nay còn nhớ Hạng Vũ. Chẳng chịu về Giang Đông!").

Sau khi thất thế trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, Hạng Võ đã quyết định tự sát bên dòng Ô Giang. Thế nhưng cho tới giờ, lý do vì sao Hạng Võ lại lựa chọn tự sát chứ không qua Giang Đông vẫn là vấn đề tồn tại nhiều tranh cãi.

Có quan điểm cho rằng, Tây Sở Bá Vương quyết định kết liễu cuộc đời bên dòng Ô Giang là bởi mỹ nhân Ngu Cơ đã qua đời trước đó.

Có người lại khẳng định, cái chết của Hạng Võ là phẩm chất của bậc anh hùng, "thà làm ngọc vỡ chứ không làm ngói lành", thà quyên sinh chứ không chịu chạy trốn.

Một số người khác thì đưa ra lời giải thích, quyết định của Hạng Võ là sự hy sinh dành cho con dân trăm họ để sớm chấm dứt nạn binh đao.

Nhưng suy cho cùng, dù các sử gia hay những bậc thi nhân có đưa ra lời giải thích ra sao, thì lý do thực sự vì sao Hạng Võ năm ấy không chịu qua Giang Đông và sự thật phía sau cái chết của ông vẫn là câu hỏi chưa có lời giải chính xác.

Bí ẩn thứ ba: Sự thật về viên dạ minh châu trong lăng mộ Từ Hy

Viên ngọc nghìn tỷ trong mộ Từ Hy và những bí ẩn gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử TQ - Ảnh 3.

Công cuộc đột nhập và tẩu tán số kho báu khổng lồ bên trong mộ Từ Hy năm xưa đã giúp Tôn Điện Anh "vớ bẫm"! (Hình minh họa).

Từ thời xa xưa, dạ minh châu là một loại đá quý nổi tiếng với khả năng phát sáng và được cổ nhân xếp vào hàng báu vật.

Trong số những viên đá được các bậc vua chúa và hoàng thân quốc thích sở hữu, thì viên dạ minh châu nổi tiếng hàng đầu trong lịch sử Trung Hoa lại là vật nằm trong tay của một người phụ nữ quyền lực nhất Thanh triều – Từ Hy Thái hậu.

Tương truyền rằng, viên dạ minh châu có "giá trị liên thành" ấy đặt vào trong miệng của Từ Hy Thái hậu sau khi bà qua đời để thi thể Thái hậu không bị phân hủy.

Trong hồi ức của kẻ cầm đầu vụ trộm táo tợn tại lăng mộ Từ Hy vào thời Dân Quốc là Tôn Điện Anh, thì viên dạ minh châu này được miêu tả là "bị tách ra làm hai miếng, ghép lại thành một quả cầu, khi tách ra thì có ánh sáng trong suốt, lúc ghép lại thì tỏa ra ánh sáng màu xanh lá cây, ban đêm đứng cách trăm thước vẫn có thể soi rõ từng sợi tóc…"

Một số nguồn sử liệu khác cũng ghi lại, viên dạ minh châu ấy có khối lượng khoảng 787.28 carat (hơn 157 gram). Vào năm 1908, báu vật trong lăng mộ Tây Thái hậu này khi đó đã được định giá là 10,8 triệu lượng bạc, tương đương với 810 triệu NDT hiện nay (hơn 2.855 tỷ VNĐ).

Sau khi rời khỏi lăng mộ Từ Hy, viên dạ minh châu kia từng được truyền tới tay của phu nhân Tống Mỹ Linh - vợ Tưởng Giới Thạch. Lúc bấy giờ, người phụ nữ quyền lực thời Dân quốc này thậm chí đã dùng viên ngọc quý hiếm ấy để đính lên giày của mình.

Trải qua những cuộc binh biến sau này, viên dạ minh châu có giá trị nghìn tỷ từng thuộc quyền sở hữu của Từ Hy Thái hậu cũng biến mất không rõ tung tích.

Bí ẩn thứ tư: Nguyên nhân Hòa Thân được Càn Long sủng ái

Theo đánh giá của các sử gia Trung Quốc, số lượng minh quân vào thời nhà Thanh thậm chí chỉ "đếm được trên đầu ngón tay", mà Càn Long Hoàng đế chính là một nhân vật nổi bật trong số đó.

Nhưng điều khiến cả người xưa và hậu thế ngày nay không thể hiểu được nằm ở chỗ, vì sao một vị Hoàng đế anh minh như vậy lại để cho một đại gian thần khét tiếng như Hòa Thân kề cận bên mình?

Phải chăng là bởi sự tính toán của gian thần ấy kỳ thực rất "vừa ý đẹp lòng" với tâm ý của Càn Long. Ví như chuyến du hành xuống Giang Nam của Hoàng đế cũng xuất phát từ chủ ý của vị quan họ Hòa này.

Hay có lẽ, bởi Hòa Thân sở hữu tướng mạo có đôi phần giống với một phi tử của Hoàng đế Khang Hy – người từng có mối quan hệ thân thiết với Càn Long lúc còn trẻ?

Có lẽ, chân tướng phía sau sự sủng ái kỳ lạ mà Càn Long dành cho Hòa Thân, họa chăng chỉ có hai nhân vật trong cuộc năm xưa mới thực sự hiểu rõ…

Chia sẻ