Vì sao phụ nữ thời xưa khi đi ngoại tình thường mang theo gối?

Thu Hà,
Chia sẻ

Trong lịch sử Trung Quốc, dù là công chúa lá ngọc cành vàng, tiểu thư khuê các hay thường dân khi quyết định vượt rào theo tiếng gọi tình yêu đều mang theo gối.

Các phụ nữ Trung Quốc thời xưa, bất kể là tiểu thư khuê các, công chúa lá ngọc cành vàng hay thường dân đều tự mang theo gối tới chỗ hẹn hò với tình nhân của mình. Rồi cũng vào lúc trà dư tửu hậu, người ta bắt đầu đi tìm lời giải cho hành động lạ lùng này…

Các sử gia cho rằng, nguyên nhân đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khiến những người phụ nữ Trung Quốc cổ đại mang theo gối tới chỗ hẹn hò có lẽ là vì tính “thực dụng” của nó. Để tránh sự việc bị phát hiện và trong bối cảnh nhà nghỉ, khách sạn chưa được phát triển như ngày nay, những cuộc tình vụng trộm của phụ nữ cổ đại thường diễn ra tại những nơi hẻo lánh và thường là vào lúc nửa đêm thanh vắng. Trong tình huống ấy, một cô gái cẩn thận, chỉn chu ắt sẽ nghĩ tới việc mang theo một chiếc gối để đôi tình nhân có thể sử dụng lúc ân ái. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, người ta gọi những chiếc gối này là “gối uyên ương”.

Sử sách cho biết, gối uyên ương - vật bất ly thân của những phụ nữ có cuộc tình lén lút  - bắt nguồn từ câu chuyện giữa cặp nam thanh, nữ tú trong “Tây sương ký”.

Gối uyên ương là chiếc gối được thêu thùa cẩn thận hình ảnh đôi uyên ương tình tứ không rời hay là chiếc gối đủ dài, đủ rộng để cặp tình nhân có thể gối đầu mỗi khi ân ái? Hậu thế vẫn chưa thể làm rõ tên gọi này. Nhưng cụm từ “uyên ương” cũng đủ toát ra ý nghĩa, đó là vật sở hữu chung của cả người nam và nữ trong cuộc ân ái. Nếu chỉ dành cho một người gối, e sẽ chẳng còn tên gọi ấy mà phải đổi thành “gối cô đơn”.

Ngoài ý nghĩa này, gối uyên ương còn được phụ nữ thời xưa mang làm tặng phẩm cho người tình. Điển hình của việc này là câu chuyện của Tào Tử Kiến và chị dâu Chân Mật (vợ yêu của Tào Phi).

 
Vì sao phụ nữ thời xưa khi đi ngoại tình thường mang theo gối? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngay khi về làm dâu họ Tào, vẻ đẹp sắc nước hương trời của Chân Mật đã khiến cả bố lẫn em chồng xiêu lòng. Mãi tới khi nàng bị Tào Phi đày ra Nghiệp Thành, ép chết vào năm 233, Tào Thực mới công khai bày tỏ nỗi tương tư, thương xót cho người con gái bạc mệnh.

Tương truyền, Chân Mật sau khi chết hóa nữ thần trên sông Lạc Thủy. Tào Thực trong một chuyến du ngoạn sông này, nằm mộng giữa đêm khuya, gặp được nàng. Hai người họ mừng mừng tủi tủi, quấn quít ân ái tới sáng mới tàn cuộc vui.

Trước phút chia lìa, nàng Chân tặng lại cho người tình chiếc gối vương mùi hương của mình để hai người mãi tương tư về nhau, dù thần linh – người phàm cách biệt ngàn trùng. Câu chuyện này chỉ là giai thoại được lưu truyền trong dân gian, nhưng toát lên ý nghĩa lãng mạn của tích tặng gối cho người tình.

Ngay chính công chúa Cao Dương thời Đường cũng từng âu yếm dành tặng cho tình nhân của mình chiếc gối làm tín vật. Và câu chuyện tình vượt khỏi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến đã đẩy nàng công chúa táo tợn thời Đường lâm vào thảm kịch.

Cao Dương công chúa là cô con gái rất được Đường Thái Tông yêu chiều, vì vậy đã gả cô cho con trai của tể tướng Phòng Huyền Linh là Phòng Di Ái. Tuy nhiên, với tính cách kiêu ngạo của mình, cuộc sống gia đình giữa Cao Dương và Phòng Di Ái không hề hạnh phúc.

Sau này, Cao Dương gặp hòa thượng Biện Cơ, thấy Biện Cơ tuy xuất gia nhưng tướng mạo khôi ngô, tuấn tú lại kiên nghị đâm ra si mê. Biện Cơ cũng bị sự xinh đẹp và mối tình cuồng nhiệt của công chúa Cao Dương quyến rũ, không thể cưỡng lại được. Vì vậy, hai người bí mật qua lại với nhau bất chấp mọi điều tiếng cũng như sự ràng buộc của lễ giáo.

Trong thời gian hai người bí mật qua lại, Cao Dương tặng cho Biện Cơ rất nhiều vật phẩm, trong đó quý giá nhất chính là chiếc gối ngọc mình thường dùng để Biện Cơ luôn có cảm giác hai người đang ở bên nhau. Tuy nhiên, mọi chuyện vỡ lỡ khi chiếc gối bị một tên trộm lấy cắp và sau đó bị quan phủ bắt lại. Chiếc gối ngọc quý giá chắc chắn phải thuộc về một người có thân phận vô cùng cao quý.

Thế nhưng, tên trộm lại quả quyết rằng, chiếc gối quý giá kia y lấy được từ trai phòng của một vị hòa thượng. Lần theo nguồn gốc chiếc gối, quan phủ đã phát hiện ra mối quan hệ vụng trộm giữa Cao Dương và Biện Cơ. Sự việc nhanh chóng được báo lên hoàng đế. Kết quả Biện Cơ bị mang ra chém đầu giữa chợ để “thị chúng” còn 10 cung nữ biết chuyện ngoại tình của Cao Dương mà che giấu cũng bị xử chết.

Câu chuyện ngoại tình của Cao Dương công chúa và hòa thượng Biện Cơ để lại cho những người đời sau một bài học vô cùng quý giá: không để lại chứng cớ khi ngoại tình. Tuy nhiên, vào thời bấy giờ, cho dù là dùng cho cuộc ân ái khi hẹn hò hay làm tặng phẩm cho tình nhân thì chiếc gối là vật không thể thiếu khi những người phụ nữ quyết định vượt rào đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Chia sẻ