Vì sao ngày càng ít người ăn mỡ lợn?
Vì sao ngày càng ít người ăn mỡ lợn? Việc loại bỏ hoàn toàn mỡ động vật khỏi chế độ ăn có thực sự tốt cho sức khỏe?
Chất béo là một trong 3 nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể bên cạnh chất đạm và tinh bột - đường. Việc dung nạp quá nhiều chất béo sẽ gây béo phì và nhiều bệnh tật, nhưng đây cũng là chất dinh dưỡng không thể thiếu vì nó cần cho tế bào và các hoạt động sống.
Xu hướng sử dụng dầu thực vật khiến ngày càng ít người ăn mỡ lợn. Nhiều người nỗ lực cắt giảm mỡ lợn trong bữa ăn nhằm tăng tối đa tỷ lệ dầu thực vật trong tổng lượng chất béo.
Vì sao ngày càng ít người ăn mỡ lợn?
Nếu như cách đây vài ba chục năm, mỡ lợn là nguyên liệu chủ yếu cho các món xào, rán thì sau đó, với sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất dầu thực vật, vai trò của nó ngày một thấp.
Dầu thực vật tiện dụng hơn, rẻ hơn, dùng cho món chiên sẽ giảm cảm giác ngán. Mặt khác, các thông tin về ưu điểm của dầu thực vật được tuyên truyền sâu rộng: Chúng chứa nhiều axit béo chưa no, giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu. Ngoài ra, dầu ăn còn chứa các vitamin như E, K và rất dễ hấp thu.
Trong khi đó, mỡ lợn có nhiều chất béo bão hòa hơn nhiều so với dầu thực vật. Vì vậy, nó là bị chỉ trích là không lành mạnh và ngày càng ít người ăn mỡ lợn.
Cho rằng dầu thực vật luôn tốt hơn mỡ động vật, nên sử dụng mỡ động vật càng ít càng tốt, nhiều người cố gắng loại bỏ mỡ lợn khỏi bữa ăn.
Có nên 'kiêng' mỡ lợn hoàn toàn?
Trả lời trên báo Tiền Phong , bác sỹ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho biết quan niệm ăn mỡ lợn không tốt và nên chuyển sang dùng dầu thực vật hoàn toàn là không đúng.
Theo bà, mỡ lợn mặc dù có axit béo bão hòa nhưng lại giàu khoáng và vitamin, như vitamin D giúp thúc đẩy sự hấp thụ canxi của cơ thể. Lượng vitamin D trong mỡ lợn có tác dụng cải thiện chức năng tim mạch, duy trì sức khỏe của phổi, tăng cường chức năng cơ bắp và phòng chống nhiễm trùng.
Ngoài ra, các thành phần của mỡ lợn có thể tham gia cấu tạo màng tế bào thần kinh, trong khi dầu thực vật không có chức năng này do được chiết xuất từ các loại hạt và quả.
Báo Vietnamnet nêu ý kiến của PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội rằng việc loại bỏ mỡ lợn ra khỏi thực đơn là sai lầm.
Ông cho biết, mỡ lợn tham gia vào việc sản xuất màng tế bào thần kinh. Nếu được dùng ở mức độ vừa phải, nó giúp bảo vệ thành mạch hiệu quả, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim. Mỡ lợn cũng giúp cơ thể tăng cường hấp thu vitamin A.
Thực phẩm này còn góp phần xây dựng tế bào não cho trẻ nhỏ. Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng mỡ lợn trong chế độ ăn cho trẻ nhỏ có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn, ngăn ngừa và điều trị chứng biếng ăn ở trẻ.
Khi chiên ở nhiệt độ cao, mỡ lợn không bị biến đối thành các chất có hại như dầu thực vật. Chất béo trong mỡ là chất axit béo không no, ít biến đổi nên ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn. Vì vậy, PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyên nên dùng mỡ lợn thay vì dầu thực vật nếu chế biến các món ăn ở nhiệt độ cao.
Chỉ nên dùng dầu ăn cho món rán nếu bạn rán ở nhiệt độ thấp, không gây bốc khói. Nếu chiên rán ở nhiệt độ cao, dầu ăn không chỉ mất các vitamin A, E mà còn xảy ra phản ứng hóa học, tạo ra các chất không có lợi cho sức khỏe con người, tăng nguy cơ ung thư.
Tóm lại, thay vì "tẩy chay" mỡ lợn, bạn nên dùng nó song song với dầu thực vật một cách hợp lý. Và dù dùng dầu ăn hay mỡ, chất béo vẫn là thứ không nên dùng quá nhiều. Đừng ưu tiên các món chiên, rán kẻo làm tăng nguy cơ béo phì và những hệ lụy khác đối với sức khỏe.