Vì sao mọi người thường nói "lộn tùng phèo"? – Nghe giải thích "mắt tròn, mắt dẹt" bởi bất ngờ!
Đây chắc chắn là kiến thức tiếng Việt mà bạn chưa biết.
Nhiều từ/cụm từ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày có nguồn gốc rất thú vị nhưng ít người biết đến. Chúng có thể là những từ mượn nước ngoài, từ gần âm,… được biến tấu sử dụng trong đời sống. Lâu dần, trở thành "lời ăn tiếng nói" thân thuộc của người dân. Chắc phải là người yêu thích ngôn ngữ Việt, bạn mới có thể dành nhiều thời gian, công sức khám phá, tìm tòi ngữ nghĩa.
Trong số các từ có nguồn gốc đặc biệt, nếu bỏ qua từ "lộn tùng phèo" thì quả thật là điều thiếu sót. Chúng ta không còn xa lạ gì với từ này. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc vì sao người lái xe được gọi là "lộn tùng phèo" không? Câu hỏi này từng khiến nhiều người "gãi đầu, gãi tai" vì độ khó nhằn.
Nếu bạn chưa biết thì có thể tham khảo câu trả lời sau:
Khi nói về sự rối rắm, hỗn loạn, trái với dự đoán ban đầu, chúng ta thường dùng cụm từ “lộn tùng phèo”. “Lộn” thì hẳn ai cũng hiểu nghĩa. Theo Từ điển tiếng Việt, "lộn" nghĩa là lật ngược, đảo ngược vị trí trong ra ngoài, trên xuống dưới. Ví dụ: Lộn mặt trong ra ngoài. "Lộn" cũng có nghĩa là quay ngược lại hướng đang đi, ví dụ "Máy bay lộn vòng trở lại". "Lộn" còn được hiểu là sự biến đổi, hoá thành con vật khác trong quá trình sinh trưởng, ví dụ "Con tằm lộn ra con ngài".
Vậy còn “tùng phèo” là gì? Vi sao người ta lại ghép "lộn" với "tùng phèo"?
Để làm rõ điều này, trước hết chúng ta hãy cùng phân tích về chữ “tùng”. Bên cạnh những nghĩa thông dụng như “tên một loại cây” (cây tùng), “đi theo, làm theo” (phục tùng, tuỳ tùng), “cắt ra từng mảnh” (tùng xẻo)… chữ này còn có một nghĩa rất thú vị đã được ghi nhận trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức như sau:
“Tùng: Lùm bụi rậm rạp. Nghĩa bóng: Nơi tụ họp nhiều người, nhiều món, nhiều thứ”. Nghĩa này đã xuất hiện trong các từ như “tùng báo” – báo có đủ loại tin tức, “tùng thư” – pho sách có nhiều quyển, “tùng thảo” – cỏ các loại.
Còn về chữ “phèo”, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cho ba nghĩa của “phèo” như sau:
1. Ruột non. Phèo lợn, đâm lòi phèo.
2. Nói về cái gì bụng nhụng bầy nhầy lòi ra, tuôn ra nhiều: Giẫm phải con cóc phèo ruột ra.
3. Thoảng qua rồi hết nhẵn. Lửa cháy phèo. Gió thổi phèo.
Như vậy chúng ta thấy, nghĩa thứ nhất và thứ hai là phù hợp với “phèo” trong “tùng phèo”. Tuy nhiên nếu để ý các từ đi với chữ “tùng” ở đoạn trên, chúng ta sẽ thấy chúng đều có cấu trúc “tùng + danh từ”. Do đó “phèo” ở đây cần là một danh từ. Vì vậy nghĩa thứ nhất (ruột non) phù hợp hơn. Đây cũng chính là “phèo” trong “tim gan phèo phổi”.
Từ những phân tích trên, chúng ta thấy “tùng phèo” là “mớ ruột non gộp lại”, nghĩa bóng là những thứ bầy nhầy, xáo trộn. Người ta dùng “lộn tùng phèo” để chỉ sự hỗn loạn hẳn là vì thế. Điều này khá hợp lí vì trong tiếng Việt có cụm từ “tức lộn ruột”, tuy nghĩa khác nhưng được xây dựng trên hình ảnh tương tự.
Tóm lại, “lộn tùng phèo” là “lộn mớ ruột non”, nghĩa bóng chỉ sự mịt mờ, rối rắm, hỗn độn.
Nguồn: Tiếng Việt giàu đẹp