Vì sao khi già hoá dân số càng nhanh, khác biệt giữa người có lương hưu và không có lương hưu của Việt Nam càng rõ

Anh Vũ,
Chia sẻ

Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, khi so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp, trong khi lại có mức tuổi thọ khá cao. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến lương hưu của người lao động?

Xét về tuổi nghỉ hưu, tại Việt Nam, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Ở Brunei, Lào, Malaysia, Thái Lan độ tuổi nghỉ hưu của người lao động là 60 tuổi. Tại Indonesia, kể từ năm 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động là 57 tuổi. Song, mức tuổi này sẽ tăng thêm 1 tuổi cứ sau 3 năm. Lần tăng tuổi nghỉ hưu tiếp theo sẽ là vào năm 2022. Việc tăng tuổi cứ 3 năm một lần này sẽ kéo dài cho đến khi đạt giới hạn 65 tuổi.

Tại Philippines, tuổi nghỉ hưu của người lao động là 65 tuổi. Tại Singapore, tuổi nghỉ hưu hiện là 62 tuổi. Tuy nhiên đến tháng 7/2022, quốc gia này nâng tuổi nghỉ hưu lên 63 tuổi.

 - Ảnh 1.

Hệ thống lương hưu hiện tại của Việt Nam có khác biệt gì?

Hệ thống lương hưu ở Việt Nam bao gồm chế độ lương hưu xã hội không đóng góp và chế độ lương hưu kiểu truyền thống có mức hưởng xác định, lấy nguồn từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động.

Đặc biệt, đến năm 1995, khu vực tư nhân mới được tham gia chế độ lương hưu có đóng góp, còn chế độ lương hưu xã hội được áp dụng từ năm 2006. Ngoài ra, từ năm 2008, Việt Nam đã có chương trình BHXH tự nguyện dành cho đối tượng lao động tự do.

Năm 2017, khoảng 11,2 triệu người lao động đóng phí cho chương trình lương hưu có mức hưởng xác định do BHXHVN quản lý, trong khi gần 2,8 triệu người nhận lương hưu từ BHXHVN. Khoảng 1,5 triệu người cao tuổi Việt Nam có lương hưu xã hội. Chỉ khoảng 300.000 người trong khu vực phi chính thức đã đăng ký chương trình lương hưu tự nguyện. Mặc dù được ưu đãi về thuế từ năm 2013, các chương trình lương hưu tư nhân hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ.

Điều này cũng có nghĩa là, hệ thống lương hưu hiện vẫn chưa bao phủ hết, mà chỉ tập trung vào nhóm 40% có thu nhập cao nhất, hay nói cách khác là lao động khu vực chính thức.

Tương tự như các nước đang phát triển khác, độ bao phủ hưu trí của Việt Nam cũng tăng rất chậm trong vòng 2, 3 thập kỷ qua. Trong vòng 25 năm qua, tỷ trọng lực lượng lao động đóng góp vào chương trình hưu trí của BHXHVN chỉ tăng khoảng 10 điểm phần trăm, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Trong khi đó, dân số Việt Nam lại đang già đi đáng kể.

Giải mã khác biệt mức lương hưu trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân

Xét sang nhóm có lương hưu, mức hưởng của Việt Nam mặc dù cao, nhưng lại có sự khác biệt đáng kể giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Những khác biệt này là do một tham số khác trong công thức, mức lương tham chiếu mà tỷ lệ tích lũy được áp dụng trên mức lương đó để tạo ra tỷ lệ thay thế (tỷ lệ lương hưu trên tiền lương).

Cụ thể, đối với người lao động trong khu vực tư nhân, mức lương tham chiếu được tính dựa trên mức trung bình trong toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm của họ. Trong khi đối với người lao động khu vực Nhà nước thì mức lương tham chiếu là mức lương dựa trên một số năm cuối họ đóng bảo hiểm.

Hơn nữa, tiền lương lịch sử của người lao động trong khu vực tư nhân được "tái bình ổn" hoặc được định giá lại theo chỉ số giá. Trong bối cảnh tiền lương thực tế tăng trưởng dương, điều này tạo ra sự khác biệt lớn của mức lương được sử dụng để tính lương hưu trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.

Một sự khác biệt quan trọng khác giữa người lao động khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân là tác động của quy định về số năm đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu. Số năm đóng bảo hiểm tối thiểu bắt buộc để đủ điều kiện hưởng lương hưu ở Việt Nam là 20 năm, có nghĩa là cho đến năm 2015, người lao động trong khu vực tư nhân chỉ có thể nhận được chi trả bảo hiểm một lần.

Điều này cũng tương tự đối với những người lao động đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60 tuổi đối với nam hoặc 55 tuổi đối với nữ, nếu họ chưa đạt được số năm đóng bảo hiểm tối thiểu vì bất kỳ lý do gì.

Tuổi thọ bình quân không phải là yếu tố quan trọng để tính lương hưu?

Khi nói đến nghỉ hưu, mọi người thường hay đề cập đến tuổi thọ bình quân (từ khi sinh). Song với hệ thống hưu trí, điều quan trọng là tuổi thọ bình quân ở tuổi nghỉ hưu. Thực tế ở Việt Nam, tuổi thọ này tương đối cao. Điều này đặc biệt đúng đối với nữ giới, những người có thể dự đoán sống được gần 29 năm nữa sau khi đủ tuổi nghỉ hưu.

 - Ảnh 2.

Như đã đề cập trước đó, tuổi nghỉ hưu hiện nay của Việt Nam khá thấp theo tiêu chuẩn toàn cầu và khu vực, đặc biệt là khi nhiều quốc gia đã hoặc đang tăng tuổi nghỉ hưu. Khi tuổi nghỉ hưu thấp, sẽ bất công nếu so sánh các độ tuổi nghỉ hưu này với ngưỡng điều kiện hưởng chế độ lương hưu xã hội là 80 tuổi. Lý do là người nhận lương hưu có đóng góp bắt buộc có thu nhập và mức hưởng trung bình cao hơn nhiều so với người nhận lương hưu xã hội.

Lưu ý, tuổi nghỉ hưu trung bình thực tế ở Việt Nam còn thấp hơn nữa, do tình trạng nghỉ hưu sớm rất phổ biến. Trong khi đó, một số nước giảm đáng kể giá trị lương hưu cho mỗi năm nghỉ hưu sớm, như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Nghỉ hưu sớm làm tăng giá trị hiện tại của lương hưu. Luật BHXHVN sửa đổi năm 2014 tăng nhẹ mức phạt nghỉ hưu sớm, nhưng vẫn chưa đủ bù đắp sự gia tăng về quyền lợi hưu trí.

Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhất trong khu vực, có mức phạt và mức thưởng được đưa ra dành cho trường hợp nghỉ hưu sớm và muộn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), về mặt tài chính bảo hiểm, điều đó là công bằng, cân đối và do đó trung lập đối với trường hợp ai đó nghỉ hưu sớm hơn một năm hay muộn hơn một năm.


Tuổi bình thường

Phạt nghỉ hưu sớmThưởng nghỉ hưu muộn
Việt Nam6015%Không thưởng
Thái Lan55Không phạt1%
Hàn Quốc65-22%15%
Philippines6518%-17%
Nhật Bản65-23%23%

So sánh mức đóng góp cho hưu trí của Việt Nam với các nước

Việt Nam cũng có mức đóng góp cho hưu trí tương đối cao. Cho đến gần đây, quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có tỷ lệ đóng bảo hiểm cao hơn Việt Nam là Trung Quốc.

 - Ảnh 4.

Năm 2019, Trung Quốc đã giảm mức đóng góp của người sử dụng lao động và hiện thấp hơn Việt Nam. Hầu hết các nước láng giềng của Việt Nam có mức đóng góp hưu trí thấp hơn đáng kể - trong một số trường hợp là do được Nhà nước trợ cấp tương đối nhiều để đối ứng với phần đóng góp của người lao động.

So với các nước láng giềng châu Á, Việt Nam chi tiêu tỷ trọng lớn hơn trong thu nhập quốc dân của mình cho lương hưu. WB lý giải, điều này có thể là do nhiều khác biệt về chính sách trong khu vực. Một số quốc gia như Malaysia, Singapore, và Sri-lanka có chương trình mức đóng xác định hoặc quỹ dự trữ hưu trí để không phát sinh chi tiêu Chính phủ, mà thay vào đó là rút tiền dần từ tài khoản lương hưu cá nhân.

Các quốc gia khác như Bangladesh, Campuchia, Lào và Myanmar vẫn chưa áp dụng hưu trí bắt buộc cho người lao động khu vực tư nhân. Ngoại trừ Timor-Leste, quốc gia có chế độ lương hưu xã hội rất lớn, các quốc gia chi tiêu với tỷ trọng giống nhau trong GDP đều theo chế độ mức hưởng xác định trước - đó là Trung Quốc và Mông Cổ.

 - Ảnh 5.

Nguồn: Ngân hàng thế giới (2020).

Còn về chi, tương tự như Trung Quốc, Việt Nam cũng đang chi tiêu ở mức tương ứng với nhân khẩu học, do đại đa số các quốc gia trên thế giới đã lựa chọn cùng một loại chế độ với mức hưởng hưu trí được xác định trước mà chưa xác định nguồn kinh phí.

WB khuyến cáo, nếu không tiến hành cải cách, sự phát triển sắp tới của chế độ hưu trí của Việt Nam sẽ sớm dẫn đến chi tiêu cao hơn nhiều, do đó Việt Nam sẽ sớm chi tiêu vượt hơn rất nhiều so với mức dự đoán.

Như vậy, lương hưu xã hội của Việt Nam chỉ đóng một vai trò nhỏ trong việc hỗ trợ thu nhập cho người cao tuổi. Năm 2010, độ tuổi đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp bằng tiền mặt cho nhóm đối tượng này đã được giảm xuống còn 80 tuổi. Ngoài mức hưởng chung này, người trong độ tuổi 65-79 cũng được hưởng một trợ cấp khác, nếu đủ điều kiện sau khi đánh giá gia cảnh. Mức trợ cấp bằng khoảng 6% thu nhập bình quân đầu người và thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe nhất định.

Năm 2016, chưa đến một nửa số người từ 80 tuổi trở lên cho biết đã nhận được lương hưu. Như vậy, hệ thống hưu trí tổng thể của Việt Nam phải đối mặt với một số vấn đề.

Thứ nhất, độ bao phủ còn thấp để hỗ trợ dân số có tốc độ già hóa nhanh. Thứ hai, hệ thống đang phải đối mặt với thách thức lớn để bền vững về tài chính, mặc dù chi tiêu cho hưu trí ở Việt Nam đang ở mức trung bình toàn cầu đối với mức độ phát triển quốc gia. Thách thức cuối cùng là mức đóng góp tương đối cao của Việt Nam cho hưu trí có thể làm giảm khả năng cạnh tranh về chi phí nhân công.

Chia sẻ