Vì sao bị cáo Nguyễn Khắc Thủy được giảm án? Vụ án này đã khép lại?

Minh Khôi,
Chia sẻ

Việc ông Nguyễn Khắc Thủy bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án ba năm tù giam rồi phúc thẩm lại giảm án xuống còn 18 tháng nhưng cho hưởng án treo khiến dư luận rất thắc mắc. Chúng tôi đã có cuộc PV trực tiếp luật sư để giải đáp những vấn đề này.

Ngày 11/5, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt ông Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội dâm ô trẻ em với một bé gái. 

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 11/2017, ông Thủy bị TAND TP Vũng Tàu kết án ba năm tù giam với tội danh trên, bị hại là hai bé gái khác nhau. Vì sao ở tòa phúc thẩm, ông Thủy lại được giảm án và tại sao lại là án treo? Đây là câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc và quan tâm. 

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về vấn đề trên.

Vì sao bị cáo Nguyễn Khắc Thủy được giảm án? Vụ án này đã khép lại? - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Vì sao bị cáo Nguyễn Khắc Thủy được giảm từ 3 năm tù xuống 18 tháng tù?

Luật sư Cường phân tích: "Việc bị cáo Nguyễn Khắc Thủy được giảm mức hình phạt ở tòa án cấp phúc thẩm là do hai lý do. Lý do thứ nhất là do vấn đề chứng minh tội phạm, cơ quan buộc tội là Viện kiểm sát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ chứng minh được bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phạm tội với một người nên chưa đủ cơ sở để áp dụng khoản 2, điều 116 Bộ luật hình sự. 

Lý do thứ hai là do những điểm mới tiến bộ, nhân đạo của bộ luật hình sự 2015. Khi bị cáo Thủy tiếp tục kháng cáo kêu oan, tại Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, đến nay chỉ đủ căn cứ xác định bị cáo Thủy dâm ô với một trẻ em là cháu D. nên chỉ đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Thủy theo khoản 1, điều 116 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm tù. Mức hình phạt mà tòa án cấp phúc thẩm áp dụng ở đây là nằm ở giữa khung của khoản 1, điều 116 Bộ luật hình sự: 18 tháng tù".

Vì sao bị cáo Nguyễn Khắc Thủy được giảm án? Vụ án này đã khép lại? - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy trong phiên xử phúc thẩm 11/5.

Tại sao lại là án treo?

Lý giải về mức án treo đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy, luật sư Cường cho rằng: "Khi xác định bị cáo Thủy chỉ dâm ô với một trẻ em thì chỉ đủ căn cứ xử lý ông Nguyễn Khắc Thủy theo khoản 1 điều 116 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm tù. 

Kéo theo đó, ông Thủy được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại điều 51 Bộ luật hình sự 2015 là phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (điểm i), tình tiết giảm nhẹ thứ hai là người phạm tội từ 70 tuổi( điểm O). Nên hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã áp dụng quy định tại điều 65 bộ luật hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013/ NQ-HĐTP để cho ông Thủy được hưởng án treo. 

Điều kiện để hưởng án treo là bị kết án không quá ba năm, có nơi cư trú rõ ràng, có từ hai tình tiết giảm nhẹ theo điều 51, không có tình tiết tăng nặng và điều kiện cuối cùng là có khả năng cải tạo. 

Ngoài việc trách nhiệm chứng minh tội phạm, mức độ chứng minh tội phạm trong vụ án này thì những điểm mới và chính sách nhân đạo trong Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đã giúp bị cáo Thủy thoát án tù giam.

Nội dung này nằm ở nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc chứng minh tội phạm, nguyên tắc tranh tụng và các nguyên tắc cơ bản khác trong tố tụng hình sự, ngoài ra căn cứ vào các quy định cụ thể như quy định tại khoản 2, điều 38 BLHS là không áp dụng hình phạt tù với tội phạm ít nghiêm trọng có nơi cư trú rõ ràng; tình tiết người già 70 tuổi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... quy định tại điểm O điều 51 Bộ luật hình sự cũng là tình tiết có lợi cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy để ông này có đủ điều kiện để được hưởng án treo".

Vì sao bị cáo Nguyễn Khắc Thủy được giảm án? Vụ án này đã khép lại? - Ảnh 3.

Vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy nghi dâm ô với nhiều bé gái đã và đang gây phẫn nộ trong dư luận.

Vụ án sẽ chưa dừng lại nếu các bên vẫn tiếp tục khiếu nại

Nhận định về vụ án, luật sư Cường bày tỏ quan điểm: "Có lẽ vụ án này sẽ không kết thúc ở đây bởi ông Thủy vẫn kêu oan và người bị hại cũng không đồng ý với kết quả của bản án phúc thẩm, dư luận xã hội cũng không đồng tình với bản án này, mức án này. Vụ án này có thể vẫn tiếp tục được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm nếu như các bên vẫn tiếp tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm".

Tuy nhiên, Luật sư Cường nhấn mạnh rằng, những kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em cần phải được phát hiện và nghiêm trị, tuy nhiên việc buộc tội, chứng minh tội phạm cũng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cần thận trọng trong việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ và chứng minh tội phạm để tránh oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo công bằng cho các bên và ổn định trật tự xã hội. 

"Với hành vi dâm ô trẻ em và hành vi yêu thương trẻ em có ranh giới rất mong manh đôi khi khó nhận diện. Nếu là hành vi yêu thương trẻ em bế ẵm, hôn hít để thể hiện tình cảm trong sáng thì hành vi này sẽ có tác động tốt với trẻ em, làm gia tăng tình cảm, tình yêu thương với người lớn. Tuy nhiên nếu hành vi bế ẵm, sờ mó lạm dụng tình dục, để thỏa mãn ham muốn tình dục thì đây là hành vi băng hoại đạo đức, xâm hại tới trẻ em và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của trẻ em. 

Cùng là những hành vi thể hiện ra bên ngoài là tiếp xúc với trẻ em nhưng với mục đích khác nhau thì sẽ có những biểu hiện khác nhau về hành vi và sẽ có những tác động, gây ra những hậu quả khác nhau đối với trẻ em. Bởi vậy để phát hiện nhận diện được hành vi đồi bại này là câu chuyện cũng không dễ dàng.

Một trong những yếu tố để xem xét, nhận diện hành vi xâm hại trẻ em là ở tâm lý của trẻ khi bị xâm hại, có khoảng loạn sợ hãi hay không. Và thái độ cảm xúc của người lớn khi tiếp xúc với trẻ em. Với những người lớn có hành vi, lối sống lệch lạc hoặc bị bệnh lý về tình dục thì phải cần theo dõi và ngăn chặn những hành vi có biểu hiện biến thái", luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Chia sẻ