Vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phát hiện không khó, xử phạt không dễ

Phan Hằng, Kim Xuân, Quốc Anh,
Chia sẻ

Hàng nghìn quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe sai quy định được phát tán trên mạng xã hội mỗi ngày. Phát hiện không khó nhưng xử phạt không dễ.

Tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe quá mức quy định, thổi phồng tác dụng của sản phẩm vẫn tái diễn và trở nên tinh vi hơn. Nhiều người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò quảng cáo này.

Chiêu trò quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Bà Nguyễn Thị Kim Tính (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) mắc bệnh xương khớp đã nhiều năm nay. Bà thường xuyên lên mạng tìm hiểu các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe để cải thiện tình trạng của mình. Loại được giới thiệu uống 1 liệu trình là khỏi hoàn toàn, loại do danh y điều chế. Khỏi đâu chưa thấy, bà chỉ thấy mất tiền oan.

Vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phát hiện không khó, xử phạt không dễ - Ảnh 1.

Không chỉ quảng cáo trên mạng, các đơn vị bán thực phẩm chức năng còn đến nơi để mời chào. Thỉnh thoảng, bà Tính và bà Trần Thị Tâm (ở Nam Từ Liêm) lại có giấy mời ra nhà văn hóa để dự hội thảo giới thiệu sản phẩm. Tại đây, người tham dự được đo huyết áp, tiểu đường và tặng quà miễn phí để tạo niềm tin. Sau đó, các đơn vị này sẽ mời chào mua sản phẩm.

Một trường hợp khác, bệnh nhi bị bỏng nước sôi hơn 70% cơ thể. Nghe lời quảng cáo về một loại thuốc chữa bỏng, gia đình cháu đã tự mua về bôi cho cháu. Hai ngày đó, cháu sốt cao, mê sảng phải đưa vào bệnh viện Bỏng Quốc Gia Lê Hữu Trác cấp cứu.

Lợi nhuận cao khiến các công ty sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe quên đi mục đích của các sản phẩm này là bảo vệ sức khỏe của người dân. Người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn các loại thực phẩm chức năng để tránh tiền mất tật mang.

Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội thông qua năm 2010 đã quy định rất rõ về việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ví dụ quy định nhân viên y tế khi giới thiệu về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe không được mặc áo blouse hay quân y, phải nhấn mạnh đây không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh… Thế nhưng, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn quảng cáo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe sai quy định được phát tán trên các nền tảng xã hội.

Khó xử phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

PGS. TS Đậu Xuân Cảnh cho biết Hội Đông y Việt Nam thường xuyên tiếp nhận phản ánh của các lương y về việc bị mạo danh để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang mạng xã hội. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của những thầy thuốc chân chính.

Các đơn vị bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn ngụy trang quảng cáo sản phẩm trong các bài tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe với những lời lẽ thổi phồng về công dụng của sản phẩm như: "bài thuốc khắc tinh số 1"; "Chữa dứt điểm đau xương khớp" ,"Hiệu quả rõ rệt chỉ sau 7 ngày". Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, những quảng cáo gây hiểu nhầm như thế này là vi phạm pháp luật.

Vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phát hiện không khó, xử phạt không dễ - Ảnh 2.

Các đơn vị bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn ngụy trang quảng cáo sản phẩm trong các bài tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe với những lời lẽ thổi phồng về công dụng của sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã xây dựng hệ thống phần mềm phát hiện các quảng cáo sai sự thật. Vì vậy, để phát hiện sai phạm không khó nhưng để xử phạt thì lại không hề dễ dàng bởi lẽ nhiều quảng cáo được phát tán từ máy chủ đặt ở nước ngoài.

Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã phát gần 500 đường link vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng chuyển cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để xử phạt. Cục cũng xử phạt hơn 100 cơ sở vi phạm về quảng cáo với số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Chia sẻ