Xử lý nghiêm nghệ sĩ quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng
Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân văn nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về công dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết năm 2022 cơ quan này đã xử phạt vi phạm 23 cơ sở vi phạm quảng cáo với tổng tiền phạt 1,26 tỉ đồng. Chuyển Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) 119 đường link trong đó có 72 đường link facebook, 6 đường link Youtube để phối hợp xử lý vi phạm quảng cáo.
Ngoài ra, chuyển Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) 82 đường link của trang thương mại điện tử và sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định.
Nhiều nghệ sĩ bị lên án vì quảng cáo quá công dụng về các sản phẩm thực phẩm chức năng
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) hiện gặp khó khăn do các vi phạm về quảng cáo các sản phẩm này, đặc biệt trong môi trường mạng, trên các website, trang thương mại điện tử, zalo, facebook, youtube có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm nên khó xử lý vi phạm.
Một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh...
Ngoài ra, một số công ty thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sĩ , dược sĩ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cục An toàn thực phẩm cho biết với các vi phạm, cục đã mời các công ty có sản phẩm vi phạm lên làm việc để lập biên bản xử phạt và công khai kết quả. Tùy mức độ vi phạm, các công ty bị áp dụng phạt tiền, phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo có thời hạn) và có biện pháp khắc phục (cải chính, tháo dỡ, thu hồi sản phẩm...).
Cục An toàn thực phẩm cũng đã có các cảnh báo trên website http://vfa.gov.vn và thông báo để cảnh báo về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm.
Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ TT-TT, Bộ Công thương, Bộ VH-TT-DL trong quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thành lập Tổ phản ứng nhanh xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, bức xúc với tình trạng quảng cáo "nổ" công dụng TPCN trên mạng
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 mới đây Bộ Y tế đã có kiến nghị các cơ quan quản lý thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.
Chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo thuộc sự quản lý của bộ, ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế cũng kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo "thổi phồng" công dụng; nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.