"Vết thương lòng… Mẹ vẫn còn nặng mang"
Có tới 2 người con là liệt sĩ, hy sinh ở chiến trường, thế nhưng đều không tìm thấy hài cốt. Gần nửa thế kỷ trôi qua, chưa ngày nào Mẹ Nguyễn Thị Năm không thôi nhớ các con…
Chúng tôi về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Năm (SN 1927, trú tại thôn Thủy Hồng, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) trong những ngày tháng Bảy lịch sử . Ở tuổi 97, những nếp nhăn in hằn bóng thời gian, có nhiều chuyện Mẹ Năm không còn nhớ rõ nhưng khi nhắc đến 2 người con đã hy sinh cho độc lập Tổ quốc, Mẹ lại nhớ như in.
“Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ...”
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Năm vẫn còn đó nỗi nhớ khôn nguôi về hai người con trai đã anh dũng hi sinh, nằm lại ở các chiến trường... Nay, Mẹ Năm đã tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn. Đôi lúc “lẫn”, Mẹ hỏi: “Thằng Mão, thằng Minh mô rồi”, người con trai thứ hai trả lời “anh và chú đi bộ đội chưa về”, nước mắt bà lại lăn dài trên đôi má nhăn nheo, đầy thương nhớ.
Mẹ Nguyễn Thị Năm sinh được 11 người con (5 trai, 6 gái) trong cảnh nghèo khó. Những năm cuối thập niên 60, đầu 70 của thế kỷ trước, chiến tranh ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ tăng cường ném bom khắp hai miền Nam-Bắc. Mẹ Năm tiễn người con thứ hai của mình là anh Nguyễn Thanh Hải lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiếp đó, vào một ngày tháng 9/1972, anh Nguyễn Văn Mão (SN 1950), con trai thứ ba của Mẹ Năm cũng tình nguyện xung phong đăng ký tuyển nghĩa vụ quân sự.
Tiễn con trai lên đường, Mẹ Năm giã hết số gạo chắt chiu, dành dụm từ lâu để nấu bữa cơm “thịnh soạn”, có món cá mát quê nhà mà Mẹ lội ra dòng sông Lam để bắt. Đêm đó, Mẹ không tài nào ngủ được, chốc chốc lại trở mình. Rạng sáng, anh Mão ôm tạm biệt từng người trong gia đình và khoác ba lô lên đường. Mẹ Năm tiễn con đến tận Rú Nguộc, cách nhà hơn 5 cây số, dõi theo từng bước chân, khi bóng chiếc xe chở anh Mão cùng đồng đội khuất hẳn mới chịu trở về. Lúc ấy, trong thâm tâm, Mẹ vẫn luôn hy vọng, khi đất nước thống nhất, gia đình sum họp được đón các con trở về, ôm các con vào lòng.
Suốt mấy năm anh Mão ở chiến trường, gia đình Mẹ Năm không nhận được tin tức của con trai. Chồng của Mẹ an ủi rằng, chiến sự ngày càng khốc liệt, đất nước bị chia cắt nên con trai không thể gửi được thư về nhà.
Để vơi nỗi nhớ các con, Mẹ Năm lao vào làm việc quần quật suốt ngày đêm. Một ngày giữa tháng 2/1975 tiết trời se lạnh, lúc đang làm đồng, Mẹ Năm nhận được tin anh Mão đã anh dũng hy sinh... Nắm lúa để cấy dặm trên tay rơi xuống, Mẹ Năm ngã khuỵu bên bờ ruộng. Anh Mão hy sinh khi đang giữ cấp bậc thượng sĩ, chức vụ tiểu đội trưởng tại chiến trường B4. Tưởng như không thể gượng dậy, nhưng nhờ sự động viên của gia đình, bà con lối xóm và nhìn đàn con thơ, Mẹ Năm gắng gượng lao động, sản xuất nuôi con...
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đất nước thống nhất, Mẹ Nguyễn Thị Năm được nhen nhóm niềm vui khi anh Nguyễn Thanh Hải - người con trai thứ hai lành lặn trở về từ chiến trường B5. Tháng 3/1983, anh Nguyễn Văn Minh (SN 1960), người con thứ bảy của Mẹ Năm tạm gác những ước mơ còn dang dở, nhập ngũ vào Tiểu đoàn 4, Đoàn 7706, Mặt trận 779, Quân khu 7 tham gia trận chiến chống Pol Pot - Ieng Sary bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, giúp nhân dân nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Tuy lòng rối bời, bất an, lo lắng nhưng Mẹ Năm hiểu rằng, đất nước đang cần con của mình. Nén những giọt nước mắt vào trong, Mẹ lại tiễn anh Minh lên đường. Trong những tháng ngày con trai làm nhiệm vụ trên đất bạn, ở quê nhà, lòng Mẹ như có lửa đốt, đứng ngồi không yên, thấp thỏm một dự cảm chẳng lành.
Giữa tháng 2/1984 tiết trời buốt giá, Mẹ Năm nhận được tin con trai Nguyễn Văn Minh đã hi sinh ở huyện Preah Sdach, tỉnh Pray Veng, Campuchia. Nỗi đau mất người con thứ 3 chưa nguôi, mẹ Năm lại đau như bị cắt từng khúc ruột khi mất đi người con trai thứ 7. Mấy tháng trời, bà nằm ôm bức ảnh hiếm hoi của anh Minh mà khóc. Mẹ khóc đến cạn khô nước mắt, nghẹn ngào thương đứa con trai nằm lại nơi xứ người...
‘Vết thương lòng… Mẹ vẫn còn nặng mang’
Nỗi đau quá lớn, cùng với bệnh tật giày vò bấy lâu, ông Nguyễn Văn Tiêm - chồng của bà Năm cũng qua đời sau đó, để lại Mẹ Năm vò võ trong nỗi nhớ thương hai người con trai...
Hiện, Mẹ Năm sống với người con thứ hai là ông Nguyễn Thanh Hải - người lính từng tham gia chiến trường B. Khi nhắc đến 2 em trai liệt sĩ, ông Hải nói thay lòng mẹ: “Điều đau đáu nhất của mẹ tôi và gia đình là đến bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sĩ hai em trai tôi để đưa về quê cha đất tổ. Nhiều hôm thấy mẹ khóc, tôi cũng không cầm được lòng, thương nhớ hai người em trai đang không biết nằm trong lòng đất nơi đâu...”.
Đất nước hòa chung niềm vui độc lập, thống nhất. Tổ quốc đã ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của gia đình Mẹ Năm. Mẹ Nguyễn Thị Năm đã được Nhà nước công nhận danh hiệu cao quý: Mẹ Việt Nam anh hùng.
Tri ân công lao to lớn của Mẹ Nguyễn Thị Năm và gia đình, năm 2017, Công an tỉnh Nghệ An đã nhận phụng dưỡng Mẹ suốt đời. Bên cạnh mức trợ cấp hàng tháng, thì những ngày lễ, Tết và cuối tuần, các chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An đều sắp xếp công việc thay nhau đến thăm hỏi mẹ Năm. Đây cũng là việc làm ý nghĩa thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” nhằm động viên tinh thần và giúp đỡ, cải thiện đời sống vật chất, góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát của Mẹ Năm.
"Toàn xã có 7 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng đến nay chỉ còn mẹ Nguyễn Thị Năm còn sống. Mẹ đã mất mát quá lớn khi 2 người con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Mão và liệt sĩ Nguyễn Văn Minh mãi nằm lại nơi chiến trường, nhưng mẹ không cô đơn. Ngôi nhà nhỏ của mẹ luôn đầy ắp những lời thăm hỏi chan chứa yêu thương, với những món quà ấm áp của hàng xóm, chính quyền địa phương", Ông Nguyễn Trường Tam, Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh , huyện Thanh Chương cho biết.