Dòng người tới thăm viếng, tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ
Những ngày tháng 7 lịch sử, từ Bắc vào Nam, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn... luôn tấp nập những đoàn người thăm viếng, tri ân.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn những ngày cuối tháng 7, trầm mặc và trang nghiêm. Trước hơn 10.200 ngôi mộ, những cựu chiến binh thổn thức ký ức về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Thân nhân liệt sĩ tìm đến đây để viếng người thân. Tất cả đều có chung một cảm xúc, đó là sự khâm phục, lòng biết ơn trước sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.
"Về đây tôi rất nhớ đồng đội, bạn tôi hy sinh ở Cửa Việt còn chưa tìm thấy xác. Ngay tại Dốc Miếu, Cồn Tiên bắt đầu đi vào trong thành phố Quảng Trị đi, anh em cũng hy sinh", ông Dương Bá Thi, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ.
Sát bên nghĩa trang Trường Sơn, một ngôi đền thờ vọng còn chưa nhiều người biết, nơi lưu danh hơn 13.000 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến 6.000 ngày trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ban quản lý di tích Bến Tắt, Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Rất nhiều cựu chiến binh, các gia đình thân nhân liệt sĩ vào đây họ khóc. Bởi đền thờ vọng này thờ các liệt sĩ thiệt thòi nhất là thân xác các anh đang gửi lại núi rừng Trường Sơn. Do đó hàng ngày mình phải hương khói mong các anh về ngôi nhà chung này".
Tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ
Bài ca không quên là đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta; không quên xương máu của những người ngã xuống, những người dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc.
Tuổi trẻ tri ân, bày tỏ lòng biết ơn tới các thế hệ đã hi sinh vì hòa bình đất nước. (Ảnh: VGP)
Đài tưởng niệm Liệt sĩ Quốc gia tại đường Bắc Sơn, Hà Nội trong một ngày gần sát 27/7, mưa tầm tã, theo mỗi bước chân những người lính Đại đoàn 305 dù đặc công năm xưa, có người đã gần trăm tuổi. Họ về đây, về với những người đồng đội, chiến sĩ, những người lính, những anh hùng đã quên mình, để Tổ quốc có được nền hòa bình, thống nhất ngày hôm nay.
Chiến tranh đã qua đi, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi tri ân những hi sinh, cống hiến của biết bao anh hùng, liệt sĩ, những người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường.
Trong bức thư nhân "Ngày thương binh - Liệt sĩ đầu tiên trong cả nước - 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy."
Vì vậy, 27/7 cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, để mỗi người sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh.
Không chỉ đến các nghĩa trang liệt sĩ để dâng hương tỏ lòng thành kính và tri ân tới những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, nhiều bạn trẻ còn thăm hỏi các gia đình có công cách mạng, gặp gỡ những chứng nhân lịch sử, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, lắng nghe những câu chuyện để rút ra cho mình lý tưởng sống cao đẹp.