Vén màn huyền bí Công viên Lê Thị Riêng (Kỳ 2): Sự thật đằng sau những tin đồn rùng rợn

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Một nơi từng là chỗ an giấc ngàn thu của hàng nghìn quan binh thời chiến nay trở thành chốn sầm uất, tấp nập bậc nhất thành phố. Nhưng đằng sau sự thay đổi chóng mặt đó là một phần không thể lãng quên của lịch sử.

Tiếp nối kỳ trước, Công viên Lê Thị Riêng trước đây vốn không phải là chốn sầm uất, tấp nập như bây giờ. Đó vốn là một nghĩa địa hoang lạnh, u ám, được đồn đại với đủ những câu chuyện ma mị rợn tóc gáy. Theo thời gian, cùng sự phát triển của TP nơi đây cũng được cải tạo, trở thành một địa điểm vui chơi, giải trí quen thuộc và không thể thiếu của người dân TP.HCM trong nhiều năm qua.

Và trái với những lời đồn đại ma quái, Công viên Lê Thị Riêng ngày càng nhộn nhịp đông đúc và sầm uất hơn theo thời gian. Vườn cây bạch đàn bị đồn có ma đã trở thành khu vui chơi thiếu nhi, cửa hàng ăn uống, lúc nào cũng rộn rã tiếng trẻ thơ. Đêm xuống, nhiều khu vực trong công viên như một hội chợ xuân rực rỡ ánh đèn, tưng bừng tiếng nhạc, không hề còn dấu tích của một nghĩa trang thâm u rùng rợn, ngày nào.

Vén màn những tin đồn huyền bí về Công viên Lê Thị Riêng (Kỳ 2): Sự thật đằng sau những đồn đoán rợn người - Ảnh 1.

Khung cảnh rộn ràng về đêm của nơi được đồn đoán với những câu chuyện ma mị.

Cũng có nhiều người cho rằng, tất cả những đồn, những câu chuyện ma mị rợn tóc gáy khiến người dân hoang mang trong nhiều năm qua chỉ là việc thêu dệt do thần hồn nát thần tính, hoặc do kẻ nào đó bày ra nhằm mục đích dọa nạt người khác.

Vậy sự thật đằng sau những đồn thổi ấy là gì?

Đã từng có rất nhiều người vì giải mã sự thật đằng sau những lời đồn ma quái xung quanh công viên này đã tìm gặp đến những người từng làm bảo vệ lâu năm tại đây để tìm hiểu. Và sau cuộc trò chuyện dù những giải thích có hợp lý hay không, chúng ta đều có một cái nhìn khác về địa danh lịch sử này.

Theo cuộc trò chuyện với một người làm bảo vệ lâu năm tại công viên, người này cho biết, việc nơi đây từng là nghĩa trang, là hố chôn tập thể xác quan binh ngày xưa là có thật.

"Hồi ấy, nghĩa trang rộng lắm, nhiều người chết vô danh được chôn tập thể ở đây, khu này xưa vắng hoe, ít người lai vãng", ông Sử nói.

Trước năm 1975, nơi này là nghĩa trang Đô Thành. Công viên được giới hạn bởi đường Cách Mạng Tháng 8, Bắc Hải, Trường Sơn.

Trong kế hoạch chỉnh trang thành phố, nghĩa trang Đô Thành được giải tỏa vào năm 1983 để xây dựng thành công viên Lê Thị Riêng như ngày nay. Theo các cao niên, qua các thời kỳ chiến tranh, nhiều nấm mồ không tên mọc lên tại đây, mà đa số là của lính chết trận không người thân nhận xác.

Thế nhưng khi được hỏi về những tin đồn "rùng rợn" về những hồn ma lảng vảng khiến nhiều người dân hoang mang, người bảo vệ già cho biết đó là những điều hoàn toàn bịa đặt.

"Làm bảo vệ ở đây, ngày nào tôi chẳng phải dạo hết công viên để kiểm tra. Kiểm tra cả ngày lẫn đêm nhưng có bao giờ thấy ma quỷ gì đâu. Nhiều lúc cũng ước gặp được lần, nhưng không có thì sao gặp. Việc có người chết trong hồ chẳng lạ gì. Hồ nào chẳng có người chết. Cứ hồ sâu là có người đến tự tử thôi, không tin thì thử tìm xem có hồ sâu nào mà chưa có người chết không", người bảo vệ già nói trong sự chắc nịch.

Cùng với suy nghĩ này của người bảo vệ, rất nhiều người dân cũng không tin vào những chuyện ma quỷ được đồn thổi về nơi đây. Hằng ngày họ vẫn vào đây tập thể dục, tận hưởng khoảng không gian xanh mát của thành phố.

"Việc mồ chôn tập thể quan binh, chuyện cũng đã lâu, các anh ấy cũng đều an nghỉ hết rồi, hơi đâu đi dọa người như người ta nói”.

Lý giải về việc xuất hiện các lời đồn, người bảo vệ già cho rằng, trong công viên có một bãi đất um tùm cây bạch đàn, nằm ở góc hẻo lánh của công viên, lại ít đèn điện chiếu sáng. Chính vì vậy, khu vực này luôn trong tình trạng "âm u", ít người vãng lai. Cùng với đó, mỗi khi mưa xuống càng khiến nơi đây trở nên hoang vắng, kỳ bí nên càng không có người đặt chân. Chính vì vậy, khi những lời đồn đoán về những hồn ma xuất hiện, lại càng làm cho nơi đây trở nên ma mị, u ám.

Thế nên khi không một ai dám "bén mảng" thì nơi đây lại trở thành địa điểm "lý tưởng" cho những kẻ "không biết sợ" - bọn chích hút ma túy.

Để đảm bảo bí mật “hang ổ” của mình, những con nghiện đã không ít lần giả ma, giả quỷ nhát người dân, để người dân không còn ai dám lui tới khu này. Cũng chính vì vậy, những lời đồn ma quái càng được lan xa.

Người bảo vệ già cũng cho biết thêm, cách đây khá lâu, cơ quan chức năng quận 10 đã có đợt truy quét lớn nhằm ngăn chặn tệ nạn buôn bán và hút chích ma túy trên đường Cách mạng tháng 8 và khu vực xung quanh công viên.

Lúc đó, công an đã bắt giữ hơn 41 đối tượng mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy. Tại cơ quan công an, bọn chúng khai báo công viên Lê Thị Riêng là “hang ổ” của chúng.

“Tất cả chỉ là đồn thổi thôi, tôi sống gần cả đời người ở đây mà có bao giờ thấy bóng dáng ma quỷ gì đâu.

Ngày nào cũng vậy, 4 giờ sáng tôi đã qua công viên tập thể dục, đi từ đầu tới cũng chẳng thấy gì bất thường. Lời đồn thì cứ bay xa, một người truyền, triệu người nghe và bàn tán”, một người dân nhà đối diện công viên Lê Thị Riêng khẳng định.

Như vậy, dưới cái nhìn của những người đã từng sống nơi đây, những đồn đoán "ma quái" về vùng đất này là không có thật, chỉ là đồn thổi. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đây từng và mãi sẽ là một phần của lịch sử.

Hiện nay, ngoài các điểm giải trí vui chơi, giữa công viên Lê Thị Riêng còn có khu nhà truyền thống, bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Hằng ngày, hàng tháng, hằng năm vẫn thường xuyên có người đến thắp hương để tưởng nhớ người đã khuất.

Bức bia đá tưởng niệm bên ngoài nêu rõ: “Đảng bộ và nhân dân quận 10 thành phố HCM dựng bia tưởng niệm các liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất quận 10 và các liệt sỹ đã an nghỉ tại nơi đây. Gồm có mộ phần tập thể các liệt sỹ hi sinh trong trận tiến công nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, liệt sỹ Lê Thị Riêng, Ủy viên thường vụ Trung ương dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Hội trưởng ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, liệt sỹ Trần Văn Kiểu, khu ủy viên, Phó Trưởng ban Khu vận đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Tinh thần anh dũng, bất khuất của liệt sỹ Lê Thị Riêng, Trần Văn Kiểu và các liệt sỹ vô danh đời đời sống mãi”.

Như vậy, dù dưới góc độ nào, việc nơi đây từng là một phần của lịch sử là điều không thể bàn cãi. Nhưng cùng với sự phát triển của thành phố, việc quy hoạch lại những di tích là điều cần thiết và đi cùng với đó là việc lưu giữ lại những giá trị lịch sử luôn được chính quyền coi trọng.

Nơi đây vẫn sẽ và còn tiếp tục phát triển nhưng lịch sử thì vẫn sẽ mãi còn.

Chia sẻ