Về Hải Phòng thăm đền Mõ, nơi có cây gạo hơn 700 tuổi gắn liền với chuyện tình của nàng công chúa nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam
Nằm dưới tán cây gạo cổ thụ 739 tuổi, đền Mõ là điểm đến tâm linh được nhiều du khách tìm về.
Hải Phòng là mảnh đất ôm ấp nhiều điểm đến tâm linh có giá trị sâu sắc trong tín ngưỡng của người dân thành phố. Đền Mõ (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy) là một nơi như thế. Ở đền Mõ có cây gạo cổ thụ nhiều tuổi nhất Việt Nam, nhưng câu chuyện gắn liền với "cụ gạo" này và chuyện tình tai tiếng của công chúa Quỳnh Trân thì không phải ai cũng biết.
Nàng công chúa "dòng dõi thần tiên"
Quỳnh Trân công chúa là nhân vật không còn xa lạ với chúng ta. Sinh ra đã mang địa vị lá ngọc cành vàng, Quỳnh Trân còn được trời phú cho vẻ đẹp kiều diễm và tài năng hơn người là những điều hậu thế thường nghe về bà. Về đền Mõ, trò chuyện với các vị cao niên trông giữ đền, và qua họ, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về một khía cạnh khác trong cuộc đời của nàng công chúa đặc biệt nhất thời Trần, qua Thần tích về ngôi đền này.
Theo Ngọc phả Quỳnh Trân công chúa triều Trần có ghi, trong một lần ngủ mơ, vua Trần Thánh Tông thấy một người phụ nữ nhan sắc rực rỡ, bước tới tâu rằng: "Tôi là công chúa Quỳnh Hoa ở thiên cung chầu hầu chúc thọ Thượng đế, không may lỡ tay làm rơi chén ngọc, mẻ mất một góc, Thượng đế cả giận đẩy xuống trần giới, thái sinh làm con nhà Vua. Vậy xin dâng trước một vòng xuyến Trân Châu để làm hậu nghiệm". Vua mang chuyện kể lại cho cung phi Vũ Thị Ngọc Lan nghe, sau 8 tháng 20 ngày, cung phi sinh ra một bé gái, gọi là Quỳnh Trân.
Đền Mõ nằm trong khuôn viên có diện tích gần 13.000m2, chạy dọc con đường lát gạch đẹp đẽ gọi là Thần đạo, đi qua khu Tam quan sẽ tới thẳng đền chính. Kiến trúc đền gồm 3 tòa nhà, bố cục tổng quan kiểu "tiền nhất hậu đinh", các nhà nằm cạnh nhau tạo cho khu đền dáng vẻ tôn nghiêm, linh thiêng mà vẫn gần gũi.
Cũng theo tài liệu này, khi Quỳnh Trân sinh ra, "nghe trên không có tiếng tiêu thiều nhã nhạc, hương lan tỏa mùi sực nức báo điềm lành. Người con gái mới sinh sắc như bình bạc, mặt tựa gương báu, thân thể mang vẻ hoa nở sáng trăng, dung nghi giống như xuân sơn, thu thủy".
Mang "dòng dõi thần tiên", Quỳnh Trân công chúa sở hữu sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, lại thông minh xuất chúng, học thức hơn người, thông thạo cả cầm-cung-kiếm. Nhà vua rất mực yêu quý nàng, ngày 2 tháng 10 năm Giáp Tuất 1274, Quỳnh Trân được phong là công chúa Thiên Thụy.
Thực ra, những câu chuyện xuất phát từ thần tích phần nào được nơi thờ phượng thánh hóa để tăng thêm sự thiêng liêng. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà người dân xã Ngũ Phúc lại trân trọng và biết ơn công chúa Thiên Thụy như vậy, mặc dù trước đó bà từng mắc phải lỗi lầm tai tiếng.
Một bước lạc lối, cả đời lỡ dở
Sự ra đời của công chúa Thiên Thụy được chép lại ở trong Thần tích đền Mõ là vậy, tuy nhiên, thông tin cuộc đời bà trong chính sử lại rất ít ỏi. Chủ yếu, bà được biết đến là chị gái của vua Trần Nhân Tông và có mối quan hệ tình cảm "đặc biệt ngang trái" với Trần Khánh Dư - người được vua Trần Thái Tông nhận làm con nuôi.
Sơ đồ đi thăm khu đền Mõ rất dễ thấy, đi thẳng qua tam quan là đền chính, bên trái là nhà thờ liệt sỹ, bên phải là chùa Hồng Phúc. Năm 1992, cụm Di tích đền - chùa Mõ được Bộ Văn hóa - Thông tin trao bằng công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Sinh con trai mong dựng vợ, sinh con gái mong gả chồng để thành gia thất, đó là chí tình của cha mẹ. Mặc dù cuộc hôn nhân của công chúa Thiên Thụy ban đầu là một cuộc hôn nhân ngoại giao nhưng vì "tình yêu mù quáng", công chúa Thiên Thụy đã làm náo loạn nhà Trần một phen, có thể nói là vết nhơ không thể xóa nhòa trong sử sách.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ: Năm Nhâm Ngọ 1282, khi ấy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân. Khi quân Nguyên vào cướp, Trần Khánh Dư đánh úp giặc, được Thượng hoàng khen có trí lược đã lập làm thiên tử nghĩa nam, sau đó đánh người Man thắng lớn được phong làm phiêu kỵ đại tướng quân.
Nói như vậy để biết, Trần Khánh Dư rất được vua yêu chiều và trọng dụng. Chức phiêu kỵ tướng quân không phải là hoàng tử thì không được phong, bởi là con nuôi vua nên mới được phong như vậy. Tiếp đó từ tước hầu thăng mãi đến tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ rồi cùng với công chúa Thiên Thụy thông dâm.
Sẽ chẳng có gì đáng nói bởi trai chưa vợ, gái chưa chồng đến với nhau âu cũng là tiền đề cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Tuy nhiên ngặt một nỗi, Quỳnh Trân trước đó đã được gả cho Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn (con trai Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn).
Các họa tiết trang trí trên đầu đao kìm nóc, góc mái như song long chầu bánh xe pháp luân, hoa sen, hồ lô,... được đắp sứ khảm sành rất sắc sảo.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Bấy giờ Hưng Vũ Vương Nghiễn vì là con trai Quốc Tuấn, được lấy công chúa Thiên Thụy, lại công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lại dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu cắt hết quan tước, tịch thu tài sản không để lại cho một tí gì". Sau đó, Khánh Dư lui về Chí Linh làm nghề bán than.
Một lần tại bến Bình Than, vua gặp lại Trần Khánh Dư, xuống chiếu tha tội, được ngồi cùng bàn việc công, nhiều câu đúng ý vua. Khánh Dư lại được làm phó tướng quân "nhưng cũng không thể đổi được lỗi trước". Nói về tính cách, Đại Việt sử ký toàn thư có nhắc "Khánh Dư tính người tham bỉ, phàm người trong quản hạt ai cũng ghét cả. Nhân Tông vì tiếc là có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi".
Dẫu mắc lỗi lầm, nhưng công chúa Thiên Thụy được Thượng hoàng Trần Nhân Tông vô cùng yêu thương, chẳng vậy mà năm 1308, nghe tin Thiên Thụy ốm gần chết, đang xuất gia tu hành ở ngọn Tử Phong núi Yên Tử liền tức tốc xuống thăm chị gái. Đại Việt sử ký toàn thư chép về lời vua nói với công chúa Thiên Thụy khi ốm rằng: "Nếu chị đến ngày đến giờ thì cứ đi, nếu âm phủ có hỏi việc gì thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ đến sau!". Thượng hoàng nói thế xong bèn trở về núi, tự nhiên hóa thân tại am Ngọa Vân núi Yên Tử, băng cùng ngày với chị gái.
Phần đời này, công chúa Quỳnh Trân gắn liền với 2 chữ tai tiếng. Về sau, đền Mõ là nơi bà gắn bó tới khi qua đời, hậu thế gọi bà là "bà chúa Mõ".
Nơi thờ phụng "bà chúa Mõ" có gì?
Danh xưng "bà chúa Mõ"
Từ phủ Thiên Trường khi ấy, công chúa Thiên Thụy đến mảnh đất ven sông Văn Úc lập am tu hành. Thần tích đền Mõ có ghi ngày 12 tháng 2 năm Giáp Thân 1284, công chúa làm lễ Khánh hạ, tự xưng đạo hiệu là Đại uy Thiên Thính.
Đã nói về tội, cũng không thể không nói về công trạng của bà. Sau khi buộc lòng về nơi ven sông Văn Úc để xuất gia tu hành, công chúa Thiên Thụy đã thay đổi cuộc sống của người dân ở vùng quê hẻo lánh này. Bà mở rộng việc khai khẩn ruộng vườn, cấp phát tiền tài cho nhiều người cày cấy, mở chợ, quy tụ dân chúng trong vùng đến làm ăn sinh sống, hình thành nên trang Nghi Dương ngày càng trù phú.
Khi dân ngày càng đông, việc nông trang cũng ngày càng mở rộng, nô bộc, điền sản cứ thế tăng, công chúa bèn lập một cái quán nhỏ bảo rằng: "Các ngươi nghe hiệu lệnh của ta bằng tiếng mõ để đi làm hay về nghỉ. Nếu trong ngày hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn cơm, nếu nghe tiếng mõ ở quán thì có công việc". Từ ấy, mọi người truyền nhau gọi là "chùa Mõ", "quán Mõ", công chúa cũng đổi tên chùa thành Đồng Mục.
Tượng thờ công chúa Quỳnh Trân được đặt ở gian hậu cung, vị trí tráng lệ nhất của ngôi đền. Tại đây cũng lưu giữ được nhiều sắc phong về công trạng của bà qua các triều đại.
Bà còn cho đắp gò đất bên chùa để xem thời tiết, dựng nhà tại cánh đồng để làm kho chứa giống, nông cụ. Cho đến hiện nay, khi mùa gặt lúa đến, người dân xung quanh đền vẫn tận dụng sân đền làm nơi phơi thóc, tựa như một nơi gần gũi hòa mình vào đời sống của người dân vậy. Tích cũ cũng nói bà lại cho đào một giếng nước mạch rất trong, cho người dân dùng nước những lúc khô hạn, cánh đồng cạn khô.
Hiện nay, tại Thần tích đền Mõ có ghi các ngày lễ như đản nhật 22 tháng Tám âm lịch (ngày sinh), ngày Thánh hóa 14 tháng 4 âm lịch (ngày giỗ), ngày Khánh hạ 12 tháng 2 âm lịch (lễ chính đền Mõ) và ngày Kỳ phúc mùng 6 tháng Giêng âm lịch đều tổ chức hội vật. Đây là trò chơi lúc sinh thời công chúa ưa thích.
Thần tích kể rằng, một hôm trời nắng, lũ trẻ chăn trâu khát nước không biết xin ở đâu, bàn nhau vào chùa xin nước uống. Chúng đan tay nhau đến xin, công chúa trông thấy nói tụi nhỏ thử cùng nhau thi vật xem thua được thế nào, sẽ cho nước uống khỏi khát. Bọn trẻ được uống nước giếng ngọt lành mà cảm tạ công chúa.
Đây cũng là nguyên cớ mà ngày hội đền, người dân còn có tục cầu mưa. Bà N. - người giúp việc tại đền chia sẻ với chúng tôi rằng: "Đến mùa hạn nặng, người dân có làm lễ cầu mưa, mong bà linh thiêng phù hộ cho dân chúng được mùa". Cũng chẳng biết tục này tại đền có phải do câu chuyện giếng nước ngọt đầy ắp nước được ghi trong thần tích hay không, nhưng rõ ràng, công chúa Thiên Thụy trong tâm thức người dân xã Ngũ Phúc có vai trò rất quan trọng.
Công trạng của bà không chỉ là những điều được thánh hóa, mà còn được sắc phong cẩn thận. Khi bà mất, di hài của bà cũng được rước về Kinh sư lập tháp an táng cùng Thượng hoàng ở chùa Tư Phúc. Trần Anh Tông lúc ấy còn ra sắc chỉ tặng phong là "A Nương Thiện Chính Quỳnh Trân công chúa", lại cấp tiền cho 5 xã quanh vùng được rước sắc về thờ phụng. Ngày nay tại đền Mõ, xã Ngũ Phúc vẫn còn 12 sắc phong của các triều đại tưởng nhớ công lao của bà.
Cây gạo cổ thụ hơn 700 tuổi
Hỏi người dân nơi đây, ai cũng tự hào về cây gạo cổ thụ đã hơn 700 tuổi là cây gạo đầu tiên trong cả nước được vinh danh. Tương truyền, cây gạo được bà trồng khi về đất này tu hành năm 1284 với mong muốn người dân đủ đầy lúa gạo, ấm no, hạnh phúc.
Nhìn ở góc độ nào, cây gạo cũng sum suê cành lá, rợp bóng mát một khoảng trời rộng.
Cây gạo này tính đến nay đã 739 tuổi, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Ngày 14/03/2011 là thời điểm cây gạo được công nhận, lúc ấy cây gạo 727 tuổi. Cây gạo cổ thụ còn được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam vinh danh Cây gạo cổ thụ nhiều năm tuổi nhất ở Việt Nam vào ngày 04/03/2012.
Cây gạo cổ thụ rợp bóng mát xanh tốt rậm rì. Đến đây vào những ngày hè chói chang nên chúng tôi không được chứng kiến những "ngọn đuốc đỏ rực" vào mùa hoa tháng 3. Cô T.B. vừa cào thóc dưới sân đền vừa chia sẻ với chúng tôi về những điều thú vị của cây gạo cổ thụ.
"Cây gạo cao lớn là vậy, có những khi cành mọc chĩa vào hướng cửa đền nhưng lạ thay dù gió bão cũng đều rơi gãy ra phía ngoài, không bao giờ chĩa lên mái".
Chúng tôi tìm đến đền Mõ một phần cũng vì lời đồn nơi này còn có người đến cầu con. Cô T.B. cười xòa nói: "Cháu nhìn nhánh phụ của cây gạo đi, từ xa trông như cây gạo lớn ôm lấy con vậy. Chắc trông giống thế mà có người đến đây lễ xin vía cho an lòng mình thôi".
Tại đền Mõ, cây nhãn cổ thụ cũng được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Chuyện cầu con vốn đã là chuyện mang tính niềm tin, có người tin, người không. Nhưng dù sao, đến với chốn linh thiêng này, vuốt tay lên thân cây cổ thụ, tâm sự một vài câu chuyện chân thành cũng giúp người ta được an ủi và tăng thêm hy vọng, âu đó cũng là chuyện tốt.
Khuôn viên ngôi đền không rộng, loanh quanh thăm thú ngôi đền và trò chuyện với các bà, các cô giúp việc cho đền chỉ vỏn vẹn vài giờ đồng hồ. Trời ngả dần về trưa, nắng gắt gao khiến mặt ai nấy đều rịn nhiều tầng mồ hôi. Ở ngôi đền nhỏ nằm ven cánh đồng trải dài tít tắp, chúng tôi đã tận mắt được chứng kiến những tích xưa, chuyện cũ. Điều đó phần nào đã bồi đắp thêm được cảm nhận về một nàng công chúa sống mãi trong những trang sử.