Về Hà Nội nếm thử quán bún thang 20 năm tuổi
Văn hóa ẩm thực của người Hà thành được thể hiện tinh tế qua món bún thang, một hương vị ẩm thực thanh tao như chính bản tính nhẹ nhàng lịch lãm của người Tràng An.
Bún thang vốn là món ăn đã có từ khá lâu. Không bắt mắt với màu đỏ rực rỡ như bún riêu hay bún ốc, bún thang cuốn hút thực khách bằng chính hương vị mà bất cứ ai nếm thử cũng sẽ nhớ mãi. Tùy theo khẩu vị của bản thân, mỗi "fan" của bún thang chắc sẽ có một quán “ruột” riêng. Sau đây là một địa chỉ “mới mà không mới” cho những ai thích món ăn này .
Ở đâu cũng thế, bún thang quan trọng nhất là nước dùng. Theo như anh bán hàng thì mỗi sáng bà chủ quán luôn dậy từ sớm chọn xương gà, xương lợn và tôm he để ninh nước dùng. Khi ninh phải chú ý kiểm soát ngọn lửa luôn ở mức độ vừa phải, không được vì muốn nhanh chóng mà đun to lửa. Như vậy sẽ làm hỏng cả một bán bún cầu kỳ.
Chỉ vài phút sau khi gọi, anh bán hàng đã đặt trước mặt chúng tôi bát bún thang nghi ngút khói và đầy màu sắc. Mỗi “mảng màu” được đặt vào một góc trên mặt bát: màu vàng ươm của những “sợi chỉ” bằng trứng tráng mỏng, màu phớt hồng của giò lụa, sắc trắng của lườn và màu vàng nhẹ của da gà. Và các “cụm mây” xanh rờn bằng rau mùi, hành hoa thái nhỏ tỉ, rau răm đã hoàn thiện cho bức tranh đầy màu sắc này.
Ăn bún thang phải có thêm một chút mắm tôm thì mới tròn vị. Thiếu đi một chút mắm tôm cũng có thể làm cho món ăn giảm bớt độ ngon vốn có.
Một điều thú vị nữa ở quán bún này là ngoài bác chủ quán vui tình ra thì người phục vụ phần lớn là các thanh niên “ế vợ” rất vui tính. Nếu bạn vô tình ghé qua ăn mà nghe được câu than vãn “bún không bao giờ ế, có mỗi mình ế” thì đừng lấy làm lạ nhé.
Về giờ giấc của quán thì khá là rộng rãi. Buổi sáng thường bán trong nhà, đến tầm 11h trưa thì bán cả ở vỉa hè, cho đến hết ngày.