Vất vả nuôi con ăn học, con bỏ phố về quê khiến cha mẹ “gánh còng lưng”
Mệt mỏi những cuộc chạy đua thành tích, ngày càng nhiều người trẻ chọn quay về sống ở quê. Tuy nhiên, thay vì khởi đầu một cuộc sống mới, họ lại trở thành “đứa con toàn thời gian”, gánh nặng của bố mẹ.
Bỏ công việc toàn thời gian để làm con toàn thời gian
“Các bạn hỏi tôi đang làm gì để kiếm tiền? Nói tiêu cực, tôi là một kẻ thất nghiệp. Nói tích cực, tôi làm con của ba mẹ”, cô Trần (24 tuổi) nói về cuộc sống của bản thân sau 2 năm bỏ phố về quê sinh sống.
18 tuổi, giống như bao đứa trẻ khác, cô Trần háo hức chuyển lên thành phố Bắc Kinh. Khi đó, cô còn mơ một ngày có nhà, có xe, có công việc ổn định để bám trụ nơi thành phố tấp nập.
Nhưng giờ cô Trần đã quay về ngôi nhà ở quê hương.
Cô không kiếm việc làm, chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường và phụ giúp cha mẹ làm vài công việc lặt vặt. Sống ở nhà phụ huynh, cô Trần không cần trả tiền ăn, tiền thuê nhà hay bất kỳ chi phí sinh hoạt nào khác.
“Lý do tại sao tôi chọn cách sống này? Tôi đã quá mệt mỏi để gồng gánh khối lượng công việc văn phòng nhưng vẫn chật vật để trả tiền thuê nhà. Tôi còn phải dành hàng giờ mỗi ngày để nộp đơn ứng tuyển vào công ty trong khi đang đối phó với sức khỏe tâm lý đi xuống. Đến một ngày, tôi đã chạm đến giới hạn chịu đựng cuối cùng, không nhìn thấy tương lai phía trước. Đó cũng là lúc, cha mẹ gọi điện và cho tôi một con đường lui”.
Những thanh niên trẻ giống như Trần nhiều vô số kể. Họ mệt mỏi với áp lực nơi đô thị, sau đó chọn cất tấm bằng đại học, quay về quê hương. Họ được cha mẹ đầu tư để học tập trên thành phố nhưng chọn trở về quê sống dưới sự bao bọc, hỗ trợ tài chính của gia đình.
Không sai khi ai đó muốn xếp lại bằng cấp để khởi đầu một cuộc sống mới ở quê hương, tuy nhiên, ở chiều hướng sau khi trở về lại không muốn làm việc nữa, chỉ thích ngày ngày quanh quẩn ở nhà chờ cơm bố mẹ nấu, tiền bố mẹ cho… thì mới là việc đáng suy ngẫm.
Vương (33 tuổi) tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở thành phố Bắc Kinh, đã thăng tiến từ vị trí kỹ sư lên quản lý dự án. Bất chấp việc có được mức lương đáng ghen tỵ và nhiều đãi ngộ hấp dẫn từ công ty, Vương vẫn khó chịu với công việc của mình. Điều này liên quan đến thời gian làm việc kéo dài, liên tục bị thúc ép phải thể hiện tốt hơn dẫn đến anh thường xuyên trong trạng thái căng thẳng.
Sau khi công việc của anh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Vương - người đàn ông độc thân đã liên tục tìm kiếm tình yêu thông qua các buổi xem mắt. Thêm vào đó, việc không được phép rời khỏi căn hộ bởi diễn biến dịch bệnh đã khiến Vương gia tăng cảm giác cô đơn và nghi ngờ về tương lai.
“Xã hội kỳ vọng tôi sẽ mua một căn hộ, kết hôn, sinh con và sống theo lối sống điển hình của tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu. Tuy nhiên, cuộc sống giống như một trò chơi điện tử. Bất cứ khi nào tôi muốn tự khen bản thân đã làm tốt, tôi không thể ngừng suy nghĩ mình còn bao nhiêu cột mốc trong tương lai. Và để có được những thành tựu đó, tôi phải làm việc chăm chỉ hơn và có lẽ vẫn cần hỗ trợ tài chính từ gia đình”, Vương nói.
Nhận thấy thể chất và tinh thần đã kiệt quệ, Vương từ bỏ cuộc sống thành phố và chuyển về quê nhà là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Tương tự cô Trần, lần trở về quê hương này của Vương được cha mẹ đón nhận với sự thấu hiểu và động viên.
Do không muốn từ bỏ sự nghiệp dang dở ở Bắc Kinh, Vương ban đầu chỉ coi đây là giải pháp tạm thời cho tình hình sức khoẻ của mình. Tuy nhiên, anh ta đang xem xét cuộc sống lâu dài ở đây. “Tôi đã hoàn thành công việc mới là trở thành một người con toàn thời gian của cha mẹ", Vương tâm sự.
Một ngày bình thường của Vương bắt đầu bằng việc nấu bữa sáng cho cha mẹ mình - những người vài năm tới mới nghỉ hưu. Ngoài ra, Vương còn dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, đi chợ, chuẩn bị cơm và dắt chó đi dạo. Hầu như ngày nào anh cũng lái xe đến viện dưỡng lão để thăm ông bà, những người mà Vương từng chỉ gặp khoảng 2 lần trong một năm. Để ghi nhận sự “cống hiến” của Vương cho gia đình, bố mẹ đã trả cho anh ta 3,500 NDT (~11 triệu đồng) mỗi tháng.
Cái giá phải trả cho sự thoải mái của bản thân
Theo Fang Xu (giảng viên tại Viện Đại học California, Mỹ), những bạn trẻ như cô Trần và anh Vương có thể chuyển về ở cùng cha mẹ vì họ có đủ tiềm lực kinh tế sau khi thay đổi dự định của đời mình. Nhưng đối với người trẻ xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp, họ phải ở lại thành phố để kiếm sống. Có thanh niên thậm chí chấp nhận làm việc không chỉ cho bản thân mà còn cho cha mẹ - những người còn sống dựa vào con cái.
“Điều này đặc biệt khó khăn với những người trẻ xuất thân từ nông thôn nghèo. Khi một học sinh từ vùng quê đỗ vào trường đại học ở thủ đô Bắc Kinh, điều đó mang lại vinh quang cho gia đình và cả dòng họ.
Một khi đã lên thành phố lớn sinh sống, họ gần như không thể trở về quê hương vì nơi đây không có nhiều việc làm. Họ phải ‘quanh quẩn' ở các thành phố lớn dù cuộc sống có khó khăn đến đâu", Fang Xu nói.
Mặc khác, những người bỏ phố về quê đang sống dựa vào cha mẹ giúp giảm nỗi lo về tài chính, gắn kết tình thân thừa nhận cuộc đời họ lại nảy sinh nhiều rắc rối khác.
Anh Vương cho hay, cha mẹ anh liên tục đưa ra những lời nói không mấy tế nhị về lối sống boomerang của con trai. Họ cũng nhắc đi nhắc lại về “hy vọng được làm ông bà nội trước khi qua đời" hay “phát điên vì sắp đặt những cuộc xem mắt" cho con.
“Tôi phải đặt cảm xúc của họ lên trên cảm xúc mình. Tôi đoán đó là cái giá mà tôi phải trả cho sự thoải mái của bản thân", anh Vương trải lòng.
Trong khi đó, cô Trần chia sẻ cha mẹ đã dần mất kiên nhẫn khi chứng kiến con gái ở nhà trong thời gian quá lâu. Cha mẹ cô có dự định sẽ nghỉ hưu sớm trong vài năm tới nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại vì con gái.
“Cha mẹ thường xuyên đi vào phòng và hỏi tôi các vấn đề tâm lý đang diễn biến như thế nào rồi. Tôi thấy sức khỏe tinh thần của bản thân tương đối ổn định, chỉ là tôi chưa sẵn sàng để quay lại môi trường làm việc.
Họ liên tục hỏi tôi có dự định gì cho tương lai, chẳng lẽ định ở nhà mãi như thế này sao? Họ cũng nói, vốn dĩ cha mẹ định nghỉ hưu sớm trong 1-2 năm tới nhưng họ đã đẩy lùi kế hoạch này. Vì họ thấy tiền lương hưu không đủ để nuôi gia đình 3 người, trong đó có tôi".
Cũng vì thế, vào một ngày của 2 tháng gần đây, lần đầu tiên cô Trần suy nghĩ nghiêm túc về việc thu dọn hành lý và quay trở lại thành phố.
“Tìm việc làm và ổn định cuộc sống mới không hề dễ dàng. Đặc biệt là khi bạn đã ‘nằm im' quá lâu. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ bước tiếp. Hai năm là quá đủ để bạn nhận thấy cuộc sống này khắc nghiệt với người trẻ, nhưng sẽ luôn có cách giải quyết. Hơn nữa, điều quan trọng là tôi không muốn tiền lương hưu dưỡng già của cha mẹ bị tiêu sạch lên người tôi”.